Lo ngại thị trường thép biến động khó lường, HMC đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 giảm 24%

Lo ngại thị trường thép biến động khó lường, HMC đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 giảm 24%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo thường niên 2023, CTCP Kim khí TP.HCM (mã HMC) cho rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với ngành thép, nhu cầu tiêu thụ chưa khả quan nên đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 24%.

Năm 2024, HMC đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ đạt 210.000 tấn, doanh thu đạt 3.036 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 24% so với thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức 5% vốn điều lệ.

Năm 2024, HMC đánh giá nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ các bất ổn kinh tế, chính trị từ năm 2022 – 2023. Ngoài ra, việc kìm chế lạm phát buộc các nước lớn như Mỹ, châu Âu tiếp tục duy trì mức lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế; Trung Quốc cần thêm thời gian để các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, phục hồi bất động sản thực thi và đi vào đời sống. Ngành thép tiếp tục được dự báo đối mặt với một năm đầy khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng, nguyên vật liệu có khả năng leo thang. Mặc dù giá thép đã giảm nhiều và hiện đang ở mức thấp nhất so với 2 năm trở lại đây, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ năm 2024 dự kiến chưa thể hồi phục, đặc biệt thị trường bất động sản – ngành tiêu thụ thép lớn nhất. Vì vậy, thị trường sẽ tiếp tục biến động khó lường.

Ở trong nước, HMC cho rằng nhu cầu tiêu thụ vẫn đang là phép thử đối với nền kinh tế. Ngoài ra, việc khó khăn về dòng tiền và tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ khi các ngân hàng vẫn đang thận trọng với nợ xấu, không hạ chuẩn cho vay. Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm do khó đáp ứng các điều kiện về tài sản đảm bảo.

Nhìn lại năm 2023, doanh nghiệp đánh giá nhu cầu tiêu thụ giảm làm cho việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với ngành hàng thép nhập khẩu, giá trong xu hướng giảm dẫn đến giá mua trước cao hơn giá thị trường tại thời điểm hàng về. Thêm vào đó, giá trong nước thường thấp hơn giá chào hàng nhập khẩu tại cùng thời điểm.

Trước tình hình đó, HMC đã giảm nhập khẩu, tăng tiêu thụ hàng nội địa, chủ động giảm tồn kho để giảm áp lực lãi vay và giảm rủi ro khi thị trường giảm giá mạnh như thời gian qua. Công ty cũng đa dạng hoá chủng loại, mặt hàng kinh doanh và mở rộng địa bàn kinh doanh; giảm tỷ lệ bán hàng tín chấp, tăng bán hàng có bảo lãnh và tài sản đảm bảo; rà soát, cập nhật các tiêu chí đánh giá khách hàng...

Kết quả, HMC mang về 3.119,5 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 9% so với năm 2022 song nhờ giá vốn giảm và doanh thu tài chính tăng giúp lợi nhuận sau thuế đạt 21,15 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/03, cổ phiếu HMC tăng 0,83% đạt 12.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan