Mobifone đang hoàn thiện các phương án kinh doanh mạng 5G, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ này khi được cấp phép.

Mobifone đang hoàn thiện các phương án kinh doanh mạng 5G, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ này khi được cấp phép.

MobiFone: Chuyển mình để bứt tốc

(ĐTCK) Ba năm trở lại đây, thị trường viễn thông di động đã có sự thay đổi sâu sắc. Các nhà mạng di động lớn không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần mà đã trở thành nhà phát triển, cung cấp dịch vụ, giải pháp số. Đây được xem là sự chuyển hướng tất yếu của các nhà mạng di động tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Thị trường viễn thông truyền thống bão hòa

Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, đến đầu năm 2023, thị trường viễn thông di động Việt Nam có khoảng 126 triệu thuê bao. Trong đó, ba mạng di động lớn là MobiFone, VNPT VinaPhone và Viettel chiếm khoảng 96% thị phần. Khoảng 5 năm qua, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam dao động từ 120 - 130 triệu. Thị trường về cơ bản đã đến mức bão hòa, sự phát triển thuê bao di động mới đúng nghĩa, gần như rất ít.

Đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 82 triệu thuê bao di động kết nối băng thông internet, sử dụng các dịch vụ data. Với sự phổ cập dịch vụ 3G, 4G và sắp tới là 5G, cùng chính sách cước data vào nhóm rẻ nhất khu vực và thế giới, các ứng dụng OTT đã phát triển mạnh mẽ, từng bước thay thế những dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS…

Điều đó đồng nghĩa, các dịch vụ thoại và SMS bị suy giảm doanh thu mạnh mẽ trên từng thuê bao, cũng như toàn hệ thống của mỗi nhà mạng. Mặc dù nhu cầu và mức sử dụng data của người dân tăng lên mạnh mẽ, nhưng do giá cước data rẻ nên đà tăng của doanh thu của mảng dịch vụ này cũng không bù đắp được sự suy giảm doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Trong 5 năm qua, chỉ số ARPU trên các thuê bao di động đang hoạt động, dao động từ khoảng 59.000 - 63.000 đồng/thuê bao/tháng, thuộc vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á.

Công ty công nghệ với hạ tầng số và sản phẩm số

Vài năm gần đây, các nhà mạng viễn thông lớn ở Việt Nam đều có những thay đổi sâu sắc về mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển. Khi thuê bao viễn thông bão hòa, doanh thu từ những dịch vụ truyền thống khó tăng trưởng và bị cạnh tranh gay gắt về giá, các nhà mạng đã đầu tư lớn để làm chủ các công nghệ mới, hạ tầng số quốc gia và hướng đến mô hình nhà cung cấp công nghệ số đa nền tảng, tư vấn và triển khai dịch vụ chuyển đổi số.

Dựa trên 5 trụ cột chính là “Khách hàng - Sản phẩm - Công nghệ - Vận hành - Năng lực”, MobiFone đặt mục tiêu đến năm 2025, “giữ vững viễn thông – tấn công không gian mới”. Theo đó, Mobifone sẽ xây dựng hệ sinh thái số ngày càng hoàn chỉnh và mạnh mẽ, đón đầu công nghệ để đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng; thực hiện tốt vai trò cung cấp hạ tầng, giải pháp và dẫn dắt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kết nối di động với những công nghệ mới, hiện đại như AI, IoT, Blockchain...

MobiFone đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp viễn thông đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ mới với các phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình quản trị, quản lý trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, cùng quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ.

Thời gian qua, cùng với việc mở rộng, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa mạng lưới 4G, MobiFone tiếp tục kinh doanh thử nghiệm và chủ động hoàn thiện các phương án kinh doanh mạng 5G, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ này khi được cấp phép.

MobiFone cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng viễn thông toàn diện, hạ tầng cloud, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, đảm bảo chất lượng cung cấp trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền tảng cho các ứng dụng Chính phủ điện tử.

Hệ sinh thái MobiFone với các nền tảng số, giải pháp số doanh nghiệp (tài chính số, thanh toán số, IoT, giám sát thông minh, bảo mật số, dịch vụ chuyển đổi số doanh nghiệp...), đến dịch vụ nội dung số (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quảng cáo, âm nhạc, video, truyền hình OTT...) đã hình thành, vận hành ổn định, cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng và bắt đầu có nguồn thu ổn định.

Có thể thấy, MobiFone cũng như các nhà mạng khác ở Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, đầu tư lớn cho công nghệ mới để duy trì sự tăng trưởng và theo kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thế giới.

Tin bài liên quan