Một năm thay đổi

Sắp hết năm, cũng như các NĐT khác, tôi nhìn lại thị trường. Tôi không có ý định tổng hợp lại các sự kiện, mà chỉ đơn giản là ghi lại cảm nhận của một NĐT khi nhìn lại những gì đã tin tưởng, đã quan tâm, đã mong chờ ở thời điểm này 1 năm về trước.

Cuối tháng 12/2007, VN-Index ở mức trên 900 điểm. Sang năm 2008, VN-Index có xu hướng giảm liên tục, hiện đang giằng co ở mốc 300 điểm. Không ai khi đó có thể nghĩ tới con số 300 này.

Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ngày 28/5/2007 về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán giờ đây đã trở thành câu chuyện quá cũ, nhưng khi đó nó là chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo chí và chi phối các quyết định đầu tư. Chỉ thị này ra đời để bảo vệ cho nền tài chính nước nhà khỏi cơn bão cầm cố cổ phiếu sau một giai đoạn TTCK phát triển nóng, nhưng nó được coi là một trong những nguyên nhân kéo thị trường đi xuống do áp lực giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo. Giờ đây, thị trường không cần tới những biện pháp hành chính kiểu đó, bản thân các ngân hàng cũng không mạo hiểm để cho vay cầm cố và NĐT cũng đã có quá nhiều kinh nghiệm về những điểm bất lợi của hình thức này, đủ để dè chừng trước nó.

Câu chuyện về Chỉ thị 03 nhắc tôi nhớ tới thuế chứng khoán. Luật thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/1/2009 quy định 2 phương pháp đóng thuế chứng khoán. Trước khi Luật được ban hành, những quan điểm trái chiều đã nổi lên và hiện nay, quy định này vẫn đang là chủ đề nóng. Thị trường gần đây đã và có thể sẽ tiếp tục bị tác động bởi những tin đồn về việc hoãn, lùi thời điểm thực hiện quy định này.

Không ít ý kiến cho rằng, nếu quy định này vẫn được áp dụng, sẽ có một lượng lớn NĐT rời bỏ thị trường. Nhưng tôi cho rằng, khoản thuế 0,1% mỗi lần chuyển nhượng và 20% trên thực lãi trong khoảng thời gian 1 năm thì chuyện vì nó mà không đầu tư chứng khoán nữa thật thiếu thuyết phục. Một năm sau ta sẽ nhắc lại chuyện này như nhắc về Chỉ thị 03?

Một câu chuyện nóng nữa là đề xuất tăng room cho các nhà ĐTNN để vực dậy thị trường. Đề xuất này được nhiều người đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối, bởi có giai đoạn room tăng bao nhiêu, các nhà ĐTNN mua hết bấy nhiêu, nhiều người lo ngại về một sự bùng nổ khó kiểm soát.

Còn hiện tại, sau một năm đầy sóng gió của nền kinh tế toàn cầu mà tiêu biểu là cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, các nhà ĐTNN không còn được coi là một lực đẩy của TTCK trong nước nữa. Mặc dù có thể họ không mất niềm tin và tiếp tục đầu tư vào TTCK Việt Nam, nhưng dần dần các NĐT trong nước cũng không còn lấy những quyết định đầu tư của khối ngoại làm "biển chỉ đường" cho hành động của mình nữa.

Đối với IPO, năm 2008 thực sự là một năm có quá ít chuyện vui khi nhiều đợt thất bại, giá cổ phần sau IPO sụt giảm. Đối với tâm lý một số NĐT lúc này, nếu có một đợt IPO mới thì họ sẽ nghĩ tới khả năng loãng hàng đối với thị trường trước khi nghĩ tới một cơ hội nào đó.

Một năm quả là quá dài đối với một thị trường biến đổi từng ngày như TTCK. Đã và đang có rất nhiều sự kiện kinh tế diễn ra nóng hơn, nổi bật hơn so với những sự kiện mà người viết đã đề cập. Nhưng nhìn lại những gì đã diễn ra để đánh giá chính xác hơn những tác động của các sự kiện mới là việc nên làm. Những sự kiện kinh tế xảy ra hiện tại có thể chỉ là một câu chuyện mang tính lịch sử nếu chúng ta ở đứng thời điểm này năm sau. Nếu chúng ta chịu tác động của những hiệu ứng ngắn hạn trong hiện tại thì rất có thể 1 năm sau ta sẽ phải chịu hậu quả vì điều đó.