Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Muốn kiến tạo tương lai, không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhắn nhủ với Chínnh phủ rằng, muốn kiến tạo tương lai, không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp.

Tiếp tục kỳ họp thứ 11, sáng 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, của Chính phủ.

Đầu phiên thảo luận có 21 đại biểu đăng ký phát biểu, nhiều hơn 2 lần số đại biểu đăng ký trong phiên thảo luận về nhiệm kỳ Quốc hội cuối tuần trước. Sau đó, danh sách đăng ký tiếp tục kéo dài qua con số 30.

Đăng đàn thứ hai, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) - một vị đại biểu kiêm nhiệm song có khá nhiều phát biểu, chất vấn thẳng thắn tại nghị trường - nhấn mạnh, phiên thảo luận đặc biệt này, chính là cơ hội cuối cùng để bà đóng góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ với vai trò là đại biểu dân cử, là nghị sĩ tại nghị trường Quốc hội khóa XIV.

"Trong chữ Nho, Nghị - bao gồm có chữ Ngôn và chữ Nghĩa ghép lại, và vì thế đại biểu quốc hội phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia ý kiến vào các chương trình nghị sự, lấy dân làm gốc để lên tiếng vì việc nghĩa, vì sự công chính. Tôi hiểu rằng một chính phủ công chính thì không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ, ở đó chỉ có lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một lần nữa tôi vẫn nhất quán quan điểm đã nêu ở những kỳ họp trước, đó là việc bày tỏ chính kiến, thái độ về những vấn đề mà tôi trình bày tại đây sẽ được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, xem xét, ghi nhận trên tinh thần cùng nhau xây dựng và phát triển" - bà Hiền nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ tịch nước (sáng 29/3)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ tịch nước (sáng 29/3)

Về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp, bà Hiền nhìn nhận, báo cáo đã khái quát cơ bản, đầy đủ những kết quả đạt được 5 năm qua. Đặc biệt, khi Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã cho nhân dân cả nước nhận diện rõ nét hơn về một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, bình tĩnh đối mặt, một đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ để ứng phó với những tác hại vô cùng lớn, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững.

"Tôi cho rằng, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm, Chính phủ đã phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ sáng tạo tập thể, từ những chuyên gia thông thái cùng với những quyết sách thông thái" - đại biểu Hiền phát biểu.

Theo vị đại biểu Phú Yên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.

"Chính phủ đã bắt rất đúng bệnh, việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ dừng lại ở thăm khám, kê đơn, chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân. Tôi rất mong Chính phủ và các Bộ ngành cần dành nhiều thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, đội ngũ chuyên gia trong bộ máy của mình có thực chất, hiệu quả hay không" - nữ đại biểu nêu quan điểm.

Bàn sâu hơn về vấn đề này, bà Hiền cho rằng, trong hệ thống bộ máy của có 2 kiểu chuyên gia, chuyên gia thông thái và chuyên gia thông minh.

Chuyên gia thông thái luôn có cái nhìn tổng thể, khách quan, liên tục học hỏi, dám nhận sai, chỉ ra cái sai, đối mặt với cái dở của ngành mình, địa phương mình, từ đó họ khả năng ra quyết định dựa trên những thông tin họ thu thập, quan sát được.

Chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập thông tin nhưng phần lớn thường mắc lỗi tư duy theo lối mòn chuyên ngành, chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực họ nghiên cứu, dù họ có thừa những chứng chỉ, học hàm, học vị.

"Khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn, cái "tôi" sẽ phình ra và đó cũng là một trong những nguyên nhân của không ít nhóm chính sách khi ban hành lại thiếu sự liên kết - tích hợp, thiếu tính thực tiễn, thậm chí là ngắn hạn và đối phó. Những cách làm chính sách như thế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trong bộ máy của chúng ta, đó là một sự thật. Tôi rất mong Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những vết xe đổ trong điều hành quản lý. Muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp" - đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Tin bài liên quan