Nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia - câu hỏi tiền đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Việc dự trữ xăng dầu còn thấp dẫn tới tình huống trong những giai đoạn thị trường biến động, điều hành gặp khó, dễ dẫn đến đứt gãy nguồn cung cục bộ, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân và phát triển kinh tế.

Dự trữ xăng dầu mỏng do thiếu vốn

Đứt gãy nguồn cung xăng dầu cục bộ sẽ còn xảy ra, một khi nguồn cung xăng dầu thành phẩm trong nước còn phụ thuộc hơn 30% từ nhập khẩu và 100% lượng dầu thô để phục vụ các cơ sở lọc dầu cũng phải đi nhập.

Trong khi, nguồn hậu cần, cứu nguy cho thị trường trong bối cảnh không thuận là hệ thống dự trữ xăng dầu quốc gia hiện tại chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng với 6,5 ngày tiêu thụ. Kho xăng dầu dự trữ riêng cho quốc gia cũng chưa có, nên phần dự trữ này hiện phải gửi tại kho của các doanh nghiệp.

Năm 2022, Việt Nam đã chi gần 9 tỷ USD để nhập 8,87 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, tăng 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) về số tuyệt đối so với năm 2021. Còn dầu thô, Việt Nam nhập khẩu hơn 10,6 triệu tấn, với kim ngạch trên 8 tỷ USD.

Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu rằng, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu cục bộ diễn ra ở một số thời điểm trong mấy năm qua cho thấy, “hạ tầng dự trữ quốc gia về xăng dầu có vấn đề”.

Dự trữ xăng dầu chỉ bảo đảm trong hơn một tuần. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, dự kiến mỗi năm phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ. Ngoài ra, qua cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vừa rồi, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ đồng.

Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các chi phí liên quan. Cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó có vai trò của Nhà nước, của các doanh nghiệp và các tổ chức ngoài nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Dẫn số liệu dự trữ xăng dầu từ các quốc gia, ông Nhưỡng thông tin: Mỹ dự trữ hàng năm 434 triệu thùng dầu, Trung Quốc năm ngoái mua của Nga 86,25 triệu tấn; nhập vào 11,5 tỷ m3 khí đốt. Hay kho của Ấn Độ thông thường dự trữ 400 triệu thùng và năm trước đã mở kho xuất ra 5 triệu thùng để bình ổn giá.

Chỉ ra “nút thắt” khiến việc khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải cho rằng, để doanh nghiệp kinh doanh có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư, xây dựng hệ thống, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho.

Năm 2022, Công ty Dầu khí Sơn Hải từng đi tìm đất làm kho dự trữ, nhưng chi phí lên tới 70 tỷ đồng/năm, nên doanh nghiệp không thể kham nổi. Theo đó, phương án đầu tư kho dự trữ xăng dầu 35.000 - 40.000 m3 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng của Sơn Hải phải dừng lại.

Dự trữ xăng dầu quốc gia mỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đứt gãy nguồn cung, gây khó khăn trong điều hành, Trước đó, báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Bộ Công thương tính toán, từ năm 2023 - 2025 sẽ nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN), bởi hiện nay, NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia.

Lo tìm vốn cho dự trữ xăng dầu

Dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng dầu ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục. Khi dự trữ xăng dầu được đầu tư đủ lớn sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề, trước hết là đảm bảo cung ứng xăng dầu kịp thời và nhanh chóng; duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ; chủ động và bình ổn giá trong nước khi thị trường dầu mỏ thế giới biến động.

Tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, mới đây, Bộ Công thương cho hay, sẽ nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng đến năm 2030 và 90 ngày nhập khẩu ròng đến năm 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.

Bộ Công thương ước tính, tổng vốn đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng.

Vốn này chủ yếu huy động từ nguồn ngoài ngân sách, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác, còn vốn NSNN sẽ ưu tiên nâng dự trữ xăng dầu quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương) cho rằng, vai trò của nguồn lực xã hội hóa là rất quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Thực tế, nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn NSNN, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.

Xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu được đẩy mạnh sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, qua đó sẽ giúp vượt qua được những ảnh hưởng cục bộ, tránh “đứt gãy’ được nguồn cung khi có những biến động do yếu tố khách quan gây ra…

Để đảm bảo nguồn lực đầu tư hệ thống dự trữ xăng dầu quốc gia, trong Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia mà Bộ Công thương trình để thẩm định, đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư triển khai quy hoạch.

Trong đó, đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kho dự trữ quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI và nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp trước đây đã tham gia thì phải tái cấu trúc hệ thống để tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các hình thức vay vốn, thực hiện liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư...

Tin bài liên quan