NCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng

NCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Quốc dân (HNX, mã: NVB) chọn địa điểm “khá lạ” để tổ chức đại hội đồng cổ đông năm nay, tại Manli Resort, tỉnh Quảng Bình thay vì tại Hà Nội nơi Ngân hàng đặt trụ sở như nhiều năm.

Đi tới Quảng Bình là dịp để cổ đông NCB tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng như: NCB tài trợ xây nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại Lệ Thủy; Tặng quà những gia đình có công với cách mạng; viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; viếng nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn-tri ân những chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc...

Cổ đông NCB cũng có nhiều lý do để tham dự cuộc họp một cách nhiệt tình, giá cổ phiếu NCB đã tăng hơn 2 lần trong con sóng lớn của thị trường chứng khoán vừa qua. Giá cổ phiếu đạt mức trên 17.000 đồng/CP còn cho phép ngân hàng thực hiện nhiều kế hoạch lớn của mình, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của cổ đông trong phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn. Điều này khó có được trước đây khi giá cổ phiếu NCB có thời gian dài nằm dưới mệnh giá.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT NCB, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song hoạt động của NCB vẫn đảm bảo liên tục, thông suốt, ổn định, an toàn, hiệu quả với những kết quả tích cực.

Theo đó, NCB hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 do ĐHCĐ giao; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN); đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cổ đông và người lao động... Bên cạnh đó, NCB cũng thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, chủ động giảm thu nhập, giảm lãi suất, miễn một số loại phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản đạt gần 90.000 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm 2020; huy động vốn tăng 22,1%, cho thấy uy tín và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu NCB ngày càng tăng; dư nợ cho vay cũng tăng trưởng tốt theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế cả năm 2020 đạt mức 850 tỉ đồng; cùng với đó là hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán và kinh doanh ngoại hối có mức tăng trưởng khởi sắc, qua đó, đưa tổng thu nhập thuần tăng 23,7% so với cuối năm 2019.

Đặc biệt, trong năm 2020 cũng đánh dấu một số điểm sáng trong hoạt động của NCB như: Đáp ứng các quy định Basel II; Triển khai e-KYC trên NCB iziMobile; Chuyển đổi 100% thẻ từ ghi nợ nội địa sang thẻ chip…

Tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng

Từ những kết quả khả quan đã đạt được cùng tiềm lực sẵn có, HĐQT NCB đã trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2021, thể hiện sự nỗ lực chinh phục những mục tiêu thách thức hơn. Các chỉ số quan trọng này đều nhận được sự đồng thuận từ đa số cổ đông.

Cụ thể, Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; huy động từ khách hàng đạt 80.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới hoạt động an toàn và lành mạnh như tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR vẫn được NCB chú trọng cải thiện, cam kết đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của NHNN.

Phát biểu qua cầu truyền hình, ông Kido Tamaki - Thành viên HĐQT độc lập theo dõi ĐHĐCĐ NCB 2021 từ Nhật Bản cho biết trải qua một năm đầy những biến động của xã hội vì đại dịch covid 19, được đứng tại đây thay mặt cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng vừa là niềm vinh dự của tôi và cũng là một sự may mắn.

"Đối với NCB, năm 2020 cũng là một năm chúng ta vô cùng cố gắng. Mặc dù tổng tài sản không có nhiều tăng trưởng, nhưng hoạt động ngân hàng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hội đồng quản trị liên tục bám sát và có những thảo luận cần thiết với Ban điều hành, tinh thần làm việc kỷ luật và lạc quan của cán bộ công nhân viên cũng như việc chuyển dịch hoạt động ngân hàng sang bán lẻ và dịch vụ đem lại chúng dấu hiệu tích cực. Tăng trưởng lãi gộp lên tới 164% là một điều không hề dễ với một tổ chức có tổng tài sản gần 4 tỷ USD như NCB, nhất là trong bối cảnh một năm 2020 đầy khó khăn".

"Hơn thế nữa, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui mừng khi trong thời gian gần đây, cổ phiếu NCB liên tục được các tổ chức trong và ngoài nước có những đánh giá tích cực, mà rõ nét nhất là hoạt động đầu tư. NCB từ một cổ phiếu trung bình trên Sở giao dịch chứng khoán hà nội nay đã hiện diện trong rổ HNX30 (rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản nhất HNX). Trong suốt quý I 2021 NCB liên tục được các quỹ đầu tư lớn trên thế giới tại Anh/Thái Lan mua ròng và thường xuyên có mặt trong top 3 các cổ phiếu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với vai trò là nhà đầu tư của tôi, khi đối tượng đầu tư tăng giá trị hơn 100% trong có 1 năm vừa qua thực sự là niềm vui lớn. Kết quả này bên cạnh những điểm tích cực của thị trường việt nam nói chung còn đến từ nội tại của NCB", ông Kido Tamaki nói.

Ông Kido Tamaki - Thành viên HĐQT độc lập theo dõi ĐHĐCĐ NCB 2021 từ Nhật Bản

Ông Kido Tamaki - Thành viên HĐQT độc lập theo dõi ĐHĐCĐ NCB 2021 từ Nhật Bản

Chia sẻ tại Đại hội, đại diện lãnh đạo NCB cho biết: Ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, nhằm tăng cường số hóa các sản phẩm bán lẻ, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả và miễn phí. Tiêu biểu, ngân hàng sẽ nâng cấp hạ tầng công nghệ, corebanking, NCB iziMobile, e-KYC, InternetBanking; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hệ thống Core Thẻ mới và đưa vào golive hệ thống Thẻ tín dụng quốc tế, Open API…

Thảo luận

Cổ đông mã số 2602: Áp dụng ngân hàng số tại NCB thực hiện thế nào?

Trả lời: Xu hướng chuyển đổi số đã thành phổ biến toàn nền kinh tế, hơn 90% ngân hàng đã, đang, có kế hoạch chuyển đổi số và mỗi ngân hàng đi theo xu hướng nhất định. NCB có kế hoạch trên 4 năm thực hiện theo từng giai đoạn, và xác định rõ nếu không chuyển đổi số thì không thể cạnh tranh trên nhiều mặt từ thanh toán, cho vay, bán bảo hiểm,…

Lộ trình cụ thể bắt đầu bằng chuyển đổi cơ bản với hệ thống corebanking hiện đại, sau đó là chuyển đổi thẻ từ sang chip cùng với đó là lắp đặt core thẻ hiện đại. Bên cạnh đó số hóa về bán hàng, cho vay, luân chuyển chứng từ, xếp hạng nội bộ,… Hiện NCB đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống hạ tầng mở để có thể giao tiếp với các áp của đối tác và ngân hàng khác để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.

Năm 2021, kế hoạch chuyển đổi số vẫn tiếp tục, và sẽ có nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho khách hàng.

Cổ đông mã số 2600: Nguồn thu bảo hiểm đang đóng góp tốt cho các ngân hàng, câu chuyện này tại NCB thế nào?

Trả lời: Bancassurance tại các ngân hàng đang thể hiện vị thế khá quan trọng trong danh mục kinh doanh, NCB không nằm ngoài xu thế này. Bancassurance tại NCB được thực hiện 3 năm với đối tác là Maplife, không chỉ phối hợp về bán hàng mà là hợp tác cả về công nghệ để hỗ trợ bán hàng, có mức tăng trưởng doanh số tốt. Năm đầu tiên là 9 tỷ đồng, năm tiếp theo là 60 tỷ đồng, năm 2020 dù có gián đoạn nhất định vì dịch Covid-19 nhưng doanh số vẫn đạt mức gấp đôi là 120 tỷ đồng.

Xếp hạng của Hiệp hội Bảo hiểm thì NCB xếp vào vị trí trong nhóm 16-17 ngân hàng có dịch vụ Bancassurance tốt nhất thị trường. Thời gian tới sẽ tận dụng nền tảng công nghệ số, phối hợp với đối tác thiết lập trung tâm chuyên biệt cho hoạt động Bancassurance giúp nâng thêm doanh số từ mảng dịch vụ này.

Cổ đông mã số 2617: Nhiều lần tham dự đại hội, năm nay tôi thấy ngân hàng phát triển khích lệ, và rất vui vì cổ phiếu tăng giá tốt. Vậy kế hoạch tăng vốn thời gian tới của NCB thế nào?

Theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt thì sẽ tăng vốn khoảng 3.000 tỷ đồng đưa vốn NCB lên trên 7.000 tỷ đồng, đồng thời Ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để tiếp tục tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn đã được lên kế hoạch hơn 3 năm qua, HĐQT đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đã ký được một số cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và Nhật Bản.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch khi các nhà đầu tư ngoại khó khăn trong việc sang Việt Nam nên kế hoạch đầu ư chưa thực hiện được, trước mắt NCB có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược trong nước để tìm thêm đối tác và nguồn lực giúp NCB vào nhóm ngân hàng có quy mô vốn ở mức trên trung bình trong nhóm các ngân hàng hiện nay.

Cùng với việc tăng vốn, từ năm 2021, NCB sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới nhờ sự gắn bó của cổ đông và hệ thống nhân sự được đầu tư bài bản thời gian qua. NCB sẽ tận dụng tốt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong đó có các yếu tố: sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt dịch bệnh, và sự điều hành rất tốt của NHNN với thị trường tiền tệ, và bản thân nội lực của ngân hàng. Đây là cơ sở NCB tin rằng sẽ phát triển với tốc độ cao hơn mặt bằng chung của thị trường thời gian tới.

Tin bài liên quan