Ngành đóng tàu Hàn Quốc kỳ vọng được hưởng lợi từ thị phần của Trung Quốc

Ngành đóng tàu Hàn Quốc kỳ vọng được hưởng lợi từ thị phần của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi căng thẳng thương mại bất ổn giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra những tác động lan tỏa đối với ngành đóng tàu trên toàn cầu, các xưởng đóng tàu của Hàn Quốc đang kỳ vọng vào sự gia tăng từ một loạt đơn đặt hàng mới, nhưng các nhà quan sát cho biết sự cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ vẫn mạnh mẽ.

Với việc Mỹ chuẩn bị bắt đầu tính phí cập cảng cao hơn từ tháng 10 đối với các tàu được sản xuất tại Trung Quốc, một nhà quan sát ngành cho biết, sự mất mát trong ngành đóng tàu của Trung Quốc có thể là lợi ích của Hàn Quốc.

Theo Zeng Ji, giáo sư khoa học và kỹ thuật đại dương tại Đại học Hàng hải Thượng Hải: "Một số công ty đóng tàu Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với viễn cảnh các đơn đặt hàng khó khăn giành được bị rơi vào tay các công ty Hàn Quốc".

Trong khi Trung Quốc vẫn giữ vị trí hàng đầu trong ngành đóng tàu toàn cầu, một số công ty đóng tàu của nước này đã bị ảnh hưởng bởi những cú sốc từ Mỹ trong năm nay.

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã thông báo vào ngày 17/4 rằng, các tàu được sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải chịu mức phí cập cảng cao hơn từ giữa tháng 10. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy quyết định này sẽ được đình chỉ, bất chấp thoả thuận tạm hoãn mức thuế quan cao ngất ngưởng được đưa ra vào đầu tuần này cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc đàm phán với nhiều tiến triển.

Trong khi đó, tại một cường quốc đóng tàu khác là Hàn Quốc lại đang ghi nhận doanh số ấn tượng và lợi nhuận tăng vọt.

Được thúc đẩy bởi lượng đơn hàng tồn đọng mạnh mẽ, HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering đã báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I, với lợi nhuận hoạt động tăng 436% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng quý I của Samsung Heavy Industries đã tăng gấp mười lần lên 90,1 tỷ won, với lợi nhuận hoạt động tăng lên 123,1 tỷ won. Hanwha Ocean báo cáo lợi nhuận ròng quý I là 215,7 tỷ won, tăng 323% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giáo sư Zeng Ji cho biết, những gì được xem là lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc về hiệu quả, chi phí, giá cả và tích hợp chuỗi cung ứng sẽ không thay đổi.

"Các biện pháp của Mỹ như phí cảng cao đối với tàu Trung Quốc và Đạo luật SHIPS (Đạo luật đóng tàu và cơ sở hạ tầng cảng vì sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ) sẽ thúc đẩy nhiều khách hàng Mỹ đến Hàn Quốc hơn", ông cho biết.

Ngoài ra, khả năng phục hồi và sự thống trị của Trung Quốc là không thể dễ dàng vượt qua.

"Những gì vẫn không thay đổi là lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc về hiệu quả, chi phí, giá cả và tích hợp chuỗi cung ứng… Tôi đánh giá rằng, có thể có một số đơn đặt hàng chuyển hướng sang Hàn Quốc, nhưng con số có thể không đáng kể vì Trung Quốc có khả năng phục hồi. Vẫn phải chờ xem liệu Hàn Quốc có thể thu được những lợi ích đáng kể hay không”, giáo sư Zeng Ji cho biết.

Theo nhà cung cấp dữ liệu vận tải Clarksons Research, trong quý đầu năm nay, các công ty đóng tàu Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng đóng tàu với tổng trọng tải 9,451 triệu tấn, chiếm hơn một nửa tổng số toàn cầu, trong khi thị phần của Hàn Quốc là 35,4%.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nắm giữ 70% đơn đặt hàng toàn cầu, Hàn Quốc là 17%. Tuy nhiên, Clarksons Research cảnh báo, thị phần của Trung Quốc có thể dao động trong thời gian tới.

Một yếu tố có thể góp phần làm tăng thị phần của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp đóng tàu là các đơn đặt hàng tàu chiến. Ngoài các tàu thương mại, Mỹ cũng đang hợp tác với Hanwha và các công ty tương tự để đóng và bảo dưỡng tàu hải quân.

Năm ngoái, Hanwha đã trở thành xưởng đóng tàu đầu tiên của Hàn Quốc đảm bảo các hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu béo bở từ Hải quân Mỹ.

Nhưng trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây với Mỹ, Hàn Quốc đã chỉ ra đóng tàu là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng có thể giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại song phương, điều này có khả năng phủ bóng đen lên triển vọng dài hạn của các xưởng đóng tàu Hàn Quốc.

Hơn nữa, các xưởng đóng tàu Hàn Quốc cũng gặp phải rào cản trong việc mở rộng quy mô nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu mới và cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

“Trung Quốc cũng có một số hạn chế về năng lực, nhưng quản lý sản xuất tốt cũng là một phần của cuộc cạnh tranh… Các đơn đặt hàng sẽ về bên có thể xây dựng nhanh chóng”, giáo sư Zeng Ji cho biết.

Tin bài liên quan