Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2013 của VKP là hơn 285,4 tỷ đồng

Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2013 của VKP là hơn 285,4 tỷ đồng

Nhựa Tân Hoá bên bờ vực phá sản

(ĐTCK) CTCP Nhựa Tân Hoá (VKP) sẽ tiến hành thủ tục phá sản nếu trong vòng 6 tháng tới không tái cấu trúc thành công. Đó là nội dung nghị quyết mà ĐHCĐ VKP vừa thông qua.

Cổ đông không còn tha thiết

Giám đốc VKP Nguyễn Thái Bình trình bày tại ĐHCĐ thường niên 2014: “Trong những tháng còn lại của năm 2014, Ban giám đốc trông chờ vào quyết định của đại hội lần này sẽ tìm ra được phương án tái cấu trúc Công ty, hoặc phải sử dụng phương pháp cuối cùng là... tuyên bố phá sản”.

Có thể thấy, Ban điều hành VKP trông chờ vào quyết định của ĐHCĐ, nhưng cổ đông tỏ ra không còn tha thiết với Công ty, khi HĐQT VKP phải triệu tập lần thứ hai mới đủ số cổ đông tham dự đại hội và nội dung nghị quyết được thông qua là: “Cổ đông uỷ quyền cho HĐQT thực hiện phương án tái cấu trúc Công ty trong vòng 6 tháng, nếu sau thời hạn này mà việc tái cấu trúc không thành công sẽ lập thủ tục phá sản Công ty”.

Thực tế, VKP đã phải tạm ngừng hoạt động từ đầu năm 2014 vì thiếu vốn. Tuy nhiên, hầu hết cổ đông chỉ biết điều này qua báo cáo của Giám đốc tại cuộc họp ĐHCĐ vừa qua.

Do phương án tái cấu trúc của HĐQT VKP không được công bố rộng rãi nên không biết HĐQT có giải pháp gì để cứu vãn tình thế hiện nay. Nhưng dù là giải pháp gì thì cũng phải có vốn. Có vốn mới có thể trả lương, mua vật liệu và trang trải các chi phí.

Năm ngoái, VKP đã từng rơi vào cảnh tương tự, chỉ khác là cổ đông có 3 lựa chọn: phát hành thêm cổ phiếu, bán tài sản để trả nợ và phá sản. Ngoài ra, cuộc họp năm ngoái không đưa ra thời hạn cụ thể cho từng phương án. Cuối cùng, cổ đông chọn phương án phát hành thêm cổ phiếu.

Phương án đưa ra là VKP sẽ phát hành 19,6 triệu cổ phiếu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) nhằm cấn trừ một phần công nợ. VKP nợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cả gốc và lãi tổng cộng gần 161 tỷ đồng, nhưng sau đó DATC đã mua lại số nợ này. Bên cạnh đó, VKP dự định bán 12,4 triệu cổ phiếu cho một cổ đông cá nhân với giá 2.000 đồng/CP để có vốn duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có bất cứ cổ phiếu mới nào được phát hành.

Lỗ 285,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 80 tỷ đồng

Cổ phiếu VKP chính thức giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vào ngày 19/6/2008 với giá 44.000 đồng/CP. 4 năm sau, VKP bị bãi yết do không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Sau một thời gian, cổ phiếu VKP được đăng ký giao dịch trên UPCoM, hiện có mức giá 1.800 đồng/CP.

Trong những năm qua, tình hình tài chính của VKP bị mất cân đối nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ban điều hành, tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2013 là 113,6 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính là 125,2 tỷ đồng), trong khi nợ phải trả gần 259,4 tỷ đồng, trong đó nợ DATC hơn 159,4 tỷ đồng và nợ khách hàng 39,6 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ ngắn hạn là 196 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ có 16 tỷ đồng.

Công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, nhưng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2013 đã hơn 285,4 tỷ đồng. Trong năm 2013, chỉ tiêu Công ty đưa ra là lỗ 10 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện tệ hơn rất nhiều với số lỗ gần 48 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2013 của VKP bị đơn vị kiểm toán đưa ra rất nhiều ý kiến ngoại trừ do hồ sơ, tài liệu kế toán không rõ ràng, không đầy đủ nên không thể kiểm tra được tính hợp lý của hàng tồn kho và tài sản cố định, đồng thời gặp khó khăn trong việc đối chiếu công nợ, xác định vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

Thực tế, các vị trí Giám đốc và Kế toán trưởng của VKP thay đổi liên tục trong mấy năm gần đây. Thậm chí có năm, chỉ trong vòng 3 tháng, VKP thay Kế toán trưởng mỗi tháng một lần. Đó là chưa kể, một số người cũ ra đi còn để lại hệ quả cho người sau.

Máy móc thì hư hỏng, dù đã sửa chữa nhưng cũng chỉ còn hoạt động được tối đa 70% công suất. Do thiếu vốn nên VKP chỉ mua được nguyên liệu của những đơn vị đồng ý bán chịu, tất nhiên với giá cao hơn, khiến giá đầu vào bị đẩy lên cao. Tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu đã thường trực từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VKP trong năm 2013 đã có lúc loé lên hy vọng. Năm qua, nhân viên của VKP có lúc tăng từ 80 lên 168 người. Công ty phải làm tăng ca, không chỉ gia công mà còn nhận đơn hàng trực tiếp từ khách hàng. Một số bạn hàng lớn đã quay trở lại như Cargill, Ewos, Đường Nivl, Gạo Anh Tài…

Mặc dù vậy, VKP vẫn “kẹt cứng” khi đến cuối năm, khoản lỗ tăng thêm gần 48 tỷ đồng như đã nêu trên. Làm sao để có vốn dường như là bài toán lớn nhất hiện nay của VKP, nhưng liệu có vốn có đảm bảo Công ty sẽ cải thiện được tình hình là câu hỏi không dễ trả lời.

Tin bài liên quan