Phân bón Cà Mau (DCM) nhận bàn giao Phân bón Hàn - Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 1/4/2024, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM - sàn HOSE) và Tập đoàn Taekwang (TKG) tiến hành Lễ ký kết thỏa thuận bàn giao Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt (KVF).
Phân bón Cà Mau (DCM) nhận bàn giao Phân bón Hàn - Việt

Đây là một trong những bước tiến quan trọng để Phân bón Cà Mau hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, cùng bà con phát triển bền vững hơn, thịnh vượng hơn.

Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại Tp.HCM. Tháng 12/2017 nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.

Phân bón Cà Mau với chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, kênh phân phối; đẩy mạnh xuất khẩu và kinh doanh quốc tế; chú trọng đến tiếp thị truyền thông trên các nền tảng kỹ thuật số đã giúp công ty chiếm thị phần tại tất cả các thị trường khu vực trong nước. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, Phân Bón Cà Mau chiếm đến 61%, đồng thời sản phẩm của công ty cũng đã có mặt trên 20 quốc gia trên thế giới.

Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu: Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm và vừa hoàn thành chuyển nhượng Nhà máy NPK Hàn Việt với công suất 360.000 tấn/năm - nhãn hiệu đã được khẳng định về chất lượng sản phẩm và bà con Việt Nam tin dùng nhiều năm qua.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, Phân bón Cà Mau cũng được UBND tỉnh Bình Định trao Chứng nhận đầu tư. Công ty sẽ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định với quy mô 3 ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Tăng cường sản lượng phục vụ thị trường cả nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh quốc tế cũng là một bước tiến trong 3 mũi chiến lược: Đầu tư, Phát triển bền vững và Chuyển đổi số mà Công ty tập trung năm 2024.

Cùng với bộ sản phẩm phân bón chất lượng, Công ty tạo điều kiện cho bà con tiếp cận gần hơn với sản phẩm phân bón chất lượng ở mức chi phí phù hợp hơn. Bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động cho hàng nghìn hộ nông dân tham quan nhà máy Đạm Cà Mau trong nhiều năm qua, PVCFC còn kết hợp với địa phương để triển khai đa dạng các “Mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao” và các hội thảo cập nhật kỹ thuật sản xuất mới.

Tin bài liên quan