Phiên giao dịch chứng khoán sáng 15/3: Tiền chảy mạnh vào nhóm chứng khoán, thị trường bật mạnh trở lại

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 15/3: Tiền chảy mạnh vào nhóm chứng khoán, thị trường bật mạnh trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên giảm hơn 13 điểm hôm qua (14/3), thị trường đã bật mạnh trở lại trong phiên sáng nay (15/3) lấy lại gần hết những gì đã mất nhờ nhận loạt tin hỗ trợ tích cực.

Trong phiên giao dịch hôm qua, chịu ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường chứng khoán khu vực trước tác động của việc sụp đổ một số ngân hàng ở Mỹ, chứng khoán Việt Nam cũng có phiên chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất hơn 13 điểm, bị đẩy sâu xuống dưới ngưỡng hỗ trợ là đường MA20. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp khi tâm lý của nhà đầu tư chưa được cải thiện để kích dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán như thời kỳ hoàng kim cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường nhận loạt tin tích cực hỗ trợ.

Ở bên ngoài, dữ liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với ước tính của giới phân tích và thấp hơn so với tháng 1 (tháng 1 lần lượt là 0,5% và 6,4%).

Dù còn cách xa mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra để hạ lãi suất, nhưng với việc lạm phát đang hạ nhiệt dần, cùng với việc một số ngân hàng là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ, hậu quả của việc lãi suất tăng cao quá nhanh khiến giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ bớt diều hâu hơn những gì mà ông Powell, Chủ tịch Fed vừa phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Kỳ vọng này giúp phố Wall có phiên giao dịch khởi sắc với các chỉ số chính tăng hơn 1%, chỉ số Nasdaq thậm chí còn tăng hơn 2%. Trong đó, đáng chú ý nhất trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với đà hồi phục mạnh.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng phản ứng tích cực với thông tin này khi đồng loạt mở cửa trong sắc xanh, có thị trường tăng tốt như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc khi lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên hôm qua.

Trong nước, cuối giờ chiều qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo ban hành quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành từ hôm nay (15/3).

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Đây là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau các đợt tăng liên tiếp cuối năm ngoái. Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ bơm vốn giá rẻ hơn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với loạt thông tin hỗ trợ tích cực cả trong và ngoài nước, chứng khoán Việt Nam đã bật tăng khá mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng nay với mức tăng hơn 11 điểm, có lúc có mức tăng 14 điểm, lấy lại hết những gì đã mất hôm qua. Sau phút hạ nhiệt, VN-Index đã bốc đầu tăng mạnh trở lại khi dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường. Toàn bộ các nhóm dẫn dắt đều có giao dịch tích cực, trong đó nhóm chứng khoán hút mạnh dòng tiền, kéo 9 mã tăng kịch trần với thanh khoản tốt.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 16,78 điểm (+1,61%), lên 1.056,91 điểm với mã 339 tăng, trong khi chỉ có mã 45 giảm, trái ngược hoàn toàn với phiên sáng qua. Tổng khối lượng giao dịch đạt 322,9 triệu đơn vị, giá trị 5.387,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với sáng qua. Tuy nhiên, phiên sáng nay giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 19,2 triệu đơn vị, giá trị 379,7 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 của phiên sáng qua.

Trong nhóm chứng khoán, các mã tăng trần có AGR, VCI, FTS, APG, SSI, VND, BSI, CTS, trong khi HCM mất sắc tím trong phút cuối phiên, còn VIX trước đó cũng lên mức kịch trần. Trong đó, VND và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt là 25,7 triệu đơn vị, đóng cửa 14.950 đồng và 24,3 triệu đơn vị, đóng cửa 20.350 đồng, đều không còn dư mua trần.

Trong khi đó, VCI khớp 7,4 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 29.200 đồng và còn dư mua trần gần 2 triệu đơn vị. VIX cũng được khớp hơn 6,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,4% lên 7.160 đồng.

Nhóm ngân hàng dù không có mã nào tăng kịch biên độ, nhưng tất cả đều có sắc xanh, trong đó có 6 mã tăng trên 3% là STB (+3,9% lên 25.350 đồng), VIB (+3,7% lên 21.000 đồng), BID (+3,4% lên 46.600 đồng), EIB (+3,4% lên 20.000 đồng), HDB (+3,1% lên 18.600 đồng) và TCB (+3% lên 27.100 đồng). Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 12,6 triệu đơn vị, tiếp theo là VPB khớp 10,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,5% lên 19.700 đồng; SHB khớp 8,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,2% lên 10.200 đồng.

Nhóm bất động sản xuất hiện 3 sắc tím tại NVT lên 7.610 đồng, SGR lên 14.150 đồng và DXG lên 11.350 đồng. Trong khi đó, dù không giữ được sắc tím trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, nhưng DIG cũng tăng mạnh 5,9% lên 11.650 đồng. Trong đó, DXG chính là mã có thanh khoản tốt nhất với 9,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới gần 4 triệu đơn vị. HQC dù khiêm tốn hơn nhưng cũng tăng mạnh 3,6% lên 3.700 đồng, khớp gần 7 triệu đơn vị. NVL cũng tăng tốt 3,7% lên 11.100 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng có giao dịch tích cực với NKG tăng 4,9% lên 16.200 đồng, HSG tăng 4,2% lên 16.200 đồng, TLH tăng 3,4% lên 7.040 đồng, HPG tăng 3,2% lên 20.950 đồng…, chỉ có 2 mã đứng tham chiếu là DTL và VCA. Trong đó, HPG là mã có sức hút nhất nhóm với thanh khoản 14,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau 2 mã chứng khoán có thanh khoản tốt nhất thị trường. HSG cũng khớp 9,3 triệu đơn vị, đứng trong Top có thanh khoản tốt nhất.

Sự tích cực cũng được thể hiện trên sàn HNX và UPCoM khi các chỉ số chính trên 2 thị trường này có diễn biến khá giống VN-Index, thậm chí HNX-Index còn tăng mạnh hơn.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,16 điểm (+2,05%), lên 206,71 điểm với mã 108 tăng và 33 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,7 triệu đơn vị, giá trị 707,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 30,2 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán trên sàn này cũng có sức hút lớn. Trong đó, SHS là mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trội so với phần còn lại trên sàn HNX với 21,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,5% lên 8.900 đồng. MBS khớp 2,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,7% lên 14.000 đồng. APS dù thanh khoản khiêm tốn hơn với hơn 1,1 triệu đơn vị, nhưng cũng tăng mạnh về giá với 7,9% lên 9.600 đồng, có lúc lên trần 9.700 đồng.

Các mã đáng chú ý và có thanh khoản tốt trên HNX đều tăng giá sáng nay. Trong đó, mã có thanh khoản tốt thứ 2 sàn là CEO tăng 6,6% lên 20.900 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị, sau rất nhiều so với mã đứng đầu là SHS. PVS là mã có thanh khoản tốt thứ 3 với 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 25.700 đồng.

UPCoM-Index đóng cửa tăng 0,87 điểm (+1,14%), lên 76,64 điểm với 157 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,9 triệu đơn vị, giá trị 233,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 61,3 tỷ đồng.

Sáng nay có 4 mã trên UPCoM có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR khớp 4,3 triệu đơn vị, cao nhất, đóng cửa tăng 1,9% lên 16.100 đồng. SBS cũng theo sóng chứng khoán khi tăng mạnh 6,6% lên 5.200 đồng, khớp 1,96 triệu đơn vị. C4G tăng 3,7% lên 11.100 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị. LMH khớp hơn 1,1 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 4.100 đồng.

Tin bài liên quan