Roche vừa đồng ý mua lại công ty nghiên cứu công nghệ sinh học InterMune ở California (Mỹ) với giá 8,3 tỷ USD

Roche vừa đồng ý mua lại công ty nghiên cứu công nghệ sinh học InterMune ở California (Mỹ) với giá 8,3 tỷ USD

Roche khuấy động năm 2014 bằng loạt thương vụ M&A

(ĐTCK) 2014 được xem là mùa bội thu của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu với hàng loạt những thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nổi đình nổi đám kể từ đầu năm đến nay. 

Theo đó, tổng giá trị các hợp đồng M&A trong các lĩnh vực dược phẩm, công nghệ sinh học và sản phẩm y tế được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, theo Mergermarket, một đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường M&A.

Một trong những tên tuổi nổi bật sở hữu nhiều thương vụ thâu tóm có giá trị lớn của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu trong năm nay là Tập đoàn Roche Holding AG của Thụy Sỹ. Gần đây nhất, Roche vừa đồng ý mua lại công ty nghiên cứu công nghệ sinh học InterMune ở Californie (Mỹ) với giá 8,3 tỷ USD. Thương vụ lần này được xem là canh bạc mạo hiểm của “gã khổng lồ” Roche khi InterMune đang là cái tên còn khá mới mẻ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cũng như loại thuốc điều trị ung thư phổi mà công ty nghiên cứu ra chưa thực sự thu về lợi nhuận.

Với mục tiêu khuếch trương quyền lực trong lĩnh vực chữa trị các căn bệnh rối loạn hô hấp, một trong những thị trường dược phẩm lớn nhất trên thế giới, InterMune rõ ràng là sự lựa chọn phù hợp dành cho Roche.

Vũ khí lớn nhất InterMune đang sở hữu hiện nay, đó là sản phẩm Esbriet, được dùng trong việc chữa trị tình trạng bệnh nguy cấp về phổi, gọi là xơ hóa phổi tự phát. Sản phẩm này đã được cấp phép sử dụng rộng rãi ở châu Âu và Canada, song chưa qua khâu kiểm duyệt ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau kết quả thử nghiệm tích cực vào đầu năm nay, cùng với sự giúp đỡ của Roche, chắc chắn Esbriet sẽ có mặt trên thị trường Hoa Kỳ sớm nhất vào tháng 11/2014.

Với mức độ ảnh hưởng lên đến 100.000 ca mắc bệnh ở Mỹ, xơ hóa phổi tự phát đang là căn bệnh đầy ám ảnh trên toàn cầu với rất ít loại thuốc chữa trị thành công. Những nhà nghiên cứu cũng không hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh từ đâu, nhưng họ tin rằng, yếu tố di truyền đóng một vai trò nhất định trong đó. Xơ hóa phổi tự phát là quá trình tích tụ mô sẹo trong phổi trở nên quá dày, khiến cho phổi không thể cung cấp oxy cho não và các cơ quan khí quản khác bên trong cơ thể. Đối tượng nhiễm bệnh thường tập trung vào người già hoặc trung niên với khoảng thời gian sống sót tối đa từ 3 đến 5 năm sau khi được chẩn đoán bệnh.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2014, “cơn lốc Thụy Sỹ” Roche vừa bỏ ra 725 triệu USD tiền mặt để thâu tóm công ty dược Seragon Pharmaceuticals, Inc. Seragon là công ty tư nhân, nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới Selective Estrogen Receptor Degraders (hay còn gọi là SERDs) nhằm ngăn chặn các thụ thể estrogen trong một số bệnh ung thư.

Kể từ thương vụ sáp nhập Tập đoàn Genentech với giá 46,8 tỷ USD vào năm 2009, Roche trở thành tên tuổi đầu ngành trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư với 3 sản phẩm bán chạy nhất kế thừa từ Genentech, gồm Avastin, Herceptin và Rituxan. Với mục tiêu “chuyên sâu hơn là mở rộng”, động thái kết nạp Seragon vào Tập đoàn sẽ bổ sung SERDs vào danh sách những loại thuốc điều trị ung thư vú khác mang thương hiệu Roche đang được bán trên thị trường như Perjeta và Kadcyla. Thương vụ M&A lần này cũng góp phần nâng cao độ phủ sóng của Roche ở mọi ngóc ngách có thể sinh lời trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư trên thế giới. 

Bên cạnh đó, đại gia ngành dược Thụy Sỹ vừa có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực chẩn đoán phân tử thông qua thương vụ mua lại công ty Genia Technologies Inc. ở thành phố Mountain View, California (Mỹ) với giá 125 triệu USD vào tháng 6/2014. Genia là công ty tập trung vào phát triển kỹ thuật trong việc giải mã di truyền (DNA) của con người, hứa hẹn tiềm năng cung cấp những loại thuốc phù hợp hơn với từng cá nhân riêng biệt.

Trước đó, vào đầu năm nay, những sản phẩm độc đáo của IQuum trong phân khúc chẩn đoán phân tử cũng đã thu hút sự chú ý của Roche với chi phí sáp nhập 450 triệu USD, mở màn cho chuỗi thương vụ M&A trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trong năm 2014. Thương vụ này cho phép Roche kết nối với hệ thống phòng thí nghiệm trong ống Liat™ của IQuum gồm The Liat™ Analyzer và Liat™ Influenza A/B Assay, với cam kết cho ra những kết quả chính xác và trung thực, được đóng dấu CE và  kiểm tra FDA.

Hiện Roche đang trong quá trình đàm phán mua lại 38,5% số cổ phần còn lại của công ty sản xuất thuốc lớn thứ 3 Nhật Bản Chugai Pharmaceutical Co. Nếu thành công, đây sẽ là bàn đạp giúp Tập đoàn thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Nhật Bản và giành thế chủ động trong việc phân phối các sản phẩm thuốc tại đây.

Tin bài liên quan