Đầu tư vào vàng, bên cạnh lợi nhuận thì cũng khá rủi ro, vì giá vàng biến động rất nhanh và mạnh.

Đầu tư vào vàng, bên cạnh lợi nhuận thì cũng khá rủi ro, vì giá vàng biến động rất nhanh và mạnh.

Sôi động cuộc đua thành lập sàn giao dịch vàng

(ĐTCK-online) Sự sụt giảm của TTCK đã thu hút nhiều NĐT đến sàn giao dịch vàng (SGDV), với kỳ vọng thu lợi nhuận không kém chứng khoán hay bất động sản. Chính điều này làm SGDV của Ngân hàng ACB liên tục nghẽn mạng trong những ngày đầu tháng 3/2008. Đáng chú ý, vào những thời điểm giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, đạt trên 1.000 USD/ounce, đã thôi thúc nhiều NĐT đến sàn đặt lệnh mua bán, kiếm lợi nhuận. Tính đến nay, sau 1 năm thành lập, SGDV ACB có 3.500 - 3.700 tài khoản, với mức bình quân khoảng 10.000 lệnh/ngày. Trong đó, có nhiều ngày, lệnh của NĐT giao dịch đạt mức kỷ lục, lên đến 400.000 lệnh/ngày. Sản phẩm vàng NĐT giao dịch tại SGDV ACB là nhãn hiệu SJC.

Khi nhu cầu của nhà đầu NĐT gia tăng mạnh, nhiều lúc ACB không đáp ứng đủ lượng vàng rút ra theo yêu cầu, buộc phải hạn chế số lượng. NĐT chỉ được rút 10 lượng/ngày. Để giảm sự phụ thuộc vào đơn vị sản xuất vàng miếng là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và đáp ứng nhu cầu NĐT, ACB cho biết, trong tháng 6/2008 sẽ tái ra mắt sản phẩm vàng mang nhãn hiệu ACB (trước đó, mang tên Bông lúa). Tham gia SGDV ACB, NĐT chỉ cần ký quỹ 7% giá trị giao dịch trước khi đặt lệnh mua - bán vàng. ACB hỗ trợ cho khách hàng vay tiền hoặc vàng còn thiếu trong mỗi lần giao dịch, nhưng Ngân hàng chỉ cho vay tối đa 93% giá trị giao dịch.

Chính những ưu đãi trên đã tạo thêm điều kiện cho NĐT đến SGDV. Nhu cầu NĐT trên sàn vàng không thua kém chứng khoán, trong khi hiện cả thị trường mới chỉ có SGDV Sài Gòn.

Chính điều này đã thôi thúc nhiều đơn vị lên kế hoạch thành lập SGDV trong năm 2008. Eximbank cho biết, trong tháng 5/2008, Ngân hàng sẽ chính thức ra mắt SGDV. Sàn vàng Eximbank sẽ có nhiều điểm khác biệt so với ACB và mở rộng điều kiện cho NĐT kinh doanh mặt hàng kim loại quý này. Tuy nhiên, kế hoạch đang trong quá trình xây dựng nên Ngân hàng chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể. Hiện Eximbank cũng là một trong những thành viên của SGDV Sài Gòn.

Theo đánh giá của Eximbank, trong bối cảnh thị trường còn nhiều cơ hội kinh doanh thì việc mở SGDV là cần thiết. Lâu nay, Eximbank vẫn được xem là một trong những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh vàng và ngoại tệ.

VietA Bank cũng cho hay, kế hoạch trong năm nay, Ngân hàng sẽ thành lập SGDV ngay tại trụ sở trên đường Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP. HCM. Theo VietA Bank, sản phẩm vàng dùng để giao dịch trên sàn cũng là nhãn hiệu SJC, vì thói quen của người dân lâu nay vẫn dùng vàng nhãn hiệu trên.

Sacombank đang hình thành kế hoạch thành lập SGDV trực thuộc Ngân hàng. Trước đó không lâu, Sacombank đã bắt tay với SJC để cùng hỗ trợ trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Đặc biệt, mới đây, Sacombank đã được cấp phép thành lập Công ty TNHH 1 thành viên Vàng bạc Đá quý Sacombank. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, dự kiến trong tháng 7/2008, công ty này sẽ chính thức ra mắt thị trường và sau đó là việc hình thành SGDV.

Đối với Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT cho hay, trong tương lai gần sẽ cho ra mắt nhãn hiệu vàng miếng PNJ - DongA Bank (sản phẩm kết hợp giữa PNJ và Ngân hàng Đông Á). Hiện PNJ cùng các cổ đông lớn khác đã thành lập Công ty Vàng quốc tế. Theo PNJ, đây chính là cơ sở để Công ty thành lập SGDV trong tương lai gần. Sản phẩm vàng giao dịch trên sàn này chính là vàng miếng PNJ - DongA Bank. Công ty Vàng quốc tế sẽ là nhà phân phối chính thức cho sản phẩm vàng miếng PNJ - DongA Bank.

Mặc dù là thành viên của SGDV Sài Gòn, nhưng SJC khó có thể đứng ngoài cuộc khi thị trường sắp có nhiều SGDV xuất hiện. Thông qua CTCK trực thuộc, SJC sẽ thành lập SGDV ngay tại sàn chứng khoán SJC. Dự kiến, trong tháng 5 tới, SGDV SJC sẽ ra mắt NĐT, nhằm cung cấp các dịch vụ kinh doanh vàng. Sàn vàng SJC sẽ có thêm nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành tham gia. NĐT tham gia SGDV SJC sẽ được rút vàng nhiều hơn tại SGDV ACB, vì SJC chính là đơn vị sản xuất vàng miếng mang cùng nhãn hiệu. Bên cạnh đó, SGDV SJC có kế hoạch kéo dài thời gian giao dịch cho NĐT đến 19 - 20h tối (hiện ACB chỉ mở cửa đến 17h trong ngày).

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành vàng, việc ra đời của nhiều SGDV sẽ tạo thêm cơ hội cho NĐT tham gia mua - bán. Tuy nhiên, ông này cho rằng, cũng như chứng khoán, bất động sản… đầu tư vào vàng, bên cạnh lợi nhuận thì cũng khá rủi ro, vì giá vàng biến động rất nhanh và mạnh. Mặt khác, giá vàng luôn phụ thuộc vào diễn biến của giá dầu, đồng USD, tình hình chính trị trên thế giới. Hiện các SGDV tại Việt Nam vẫn chưa kinh doanh theo sát giá thế giới, mà chỉ tham chiếu giá vàng thế giới để đưa ra mức giá phù hợp cho NĐT. Chẳng hạn như SGDV Sài Gòn hiện nay, giá mua bán là do cung cầu trong nước tự quyết định. SGDV Sài Gòn chỉ là nơi để NĐT tham gia giao dịch, chứ không quyết định được giá giao dịch. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho rằng, giá vàng trên SGDV Sài Gòn đôi khi có sự khác biệt so với giá bên ngoài thị trường là do tâm lý của NĐT quyết định. Hơn nữa, giá vàng trên SGDV được hình thành trên cơ sở khớp lệnh liên tục, trong khi giá vàng ngoài thị trường lại phụ thuộc vào ý chí của đơn vị niêm yết giá.