Sự trỗi dậy một trung tâm du lịch châu Á - Chương 2: Như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống

0:00 / 0:00
0:00
Khám phá Hà thành những ngày này, du khách từ phương xa ví Thủ đô của Việt Nam như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống. Từ thân cho đến ngọn, những cành cây xù xì, gân guốc bồng cựa quậy bật chồi non tươi mơn mởn, trong xanh như ngọc đón ánh nắng tinh khôi sau mùa đông lạnh giá thu mình.

Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ sáng tạo. Vòng quay sáng tạo không ngừng nghỉ đã tạo nên sự quyến rũ không nơi nào có được như vùng đất Kinh kỳ này. Hòa vào nhịp sống Hà thành thời gian dài bị kìm nén bởi Covid-19, những vị du khách từ phương xa ví Thủ đô của Việt Nam như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống.

Từ thân cho đến ngọn, những cành cây xù xì, gân guốc bồng cựa quậy bật chồi non tươi mơn mởn, trong xanh như ngọc, đón ánh nắng tinh khôi sau mùa đông lạnh giá thu mình. Lòng người rộn ràng, hân hoan, tươi trẻ. Sức sáng tạo cuồn cuộn, tạo nên những trải nghiệm độc đáo, mới lạ, hấp dẫn lòng người.

Song song theo kênh Bắc Hưng Hải, từ trục đường chính vào “Thủ phủ” gốm Bát Tràng của Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt nằm bên tay phải, hướng mặt ra dòng sông Hồng cuộn đỏ phù sa. Hơn cả một công trình có lối kiến trúc phá cách đầy ấn tượng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt hiện lên đầy ấn tượng với 7 khối kiến trúc kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại như những bình gốm được hình thành dưới bàn tay vuốt nặn tài tình của người thợ trên bàn xoay thủ công, trên mảnh đất rộng 3.300 m2.

Nghệ nhân, doanh nhân Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, người sáng lập và là chủ đầu tư Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cho biết, công trình được thiết kế với hai chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng, và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước.

Bên cạnh các gian trưng bày, trung tâm còn có các khu chức năng dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ...

Không dừng ở đó, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động vì cộng đồng với tiêu chí bền vững.

Doanh nhân Hà Thị Vinh cho hay: “Trung tâm sẽ là nơi người dân Bát Tràng tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Người Bát Tràng từ xưa đến nay giỏi nghề, tâm huyết, năng động, tháo vát, nhưng với mục tiêu hướng tới cộng đồng, Trung tâm sẽ giúp họ tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề; gia tăng cơ hội gặp gỡ khách hàng và cập nhật công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh”.

Bên cạnh không gian Tinh hoa làng nghề Việt, đến Bát Tràng, du khách còn gặp nhiều điều bất ngờ khi khám phá làng cổ hơn 700 năm. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm con đường làng nhỏ xinh, có khi chỉ vừa 1 - 2 người đi. Một điểm đến thú vị nữa, du khách không nên bỏ qua trong hành trình tham quan là đến thăm lò bầu cổ duy nhất còn sót lại của Bát Tràng, có tuổi đời gần 100 năm.

Chẳng những thế, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn hướng tới kết nối với các điểm tham quan di tích lịch sử, các điểm đến vệ tinh, homestay, nhà hàng, các cơ sở sản xuất gốm trong làng và khu vực lân cận nhằm mang tới cho du khách những tour, tuyến thú vị.

Trong làng gốm cổ, du khách cũng có thể khám phá nhiều ngôi nhà có kiến trúc đẹp, nay trở thành điểm tham quan, trưng bày gốm. Điển hình như ngôi nhà bằng gỗ của họa sĩ Mạnh Đức (con trai nhà văn Kim Lân) được thiết kế mô phỏng nhà dinh thự Vua Mèo (ở Hà Giang). Ngôi nhà có giếng trời lớn, xung quanh là các gian trưng bày.

“Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện nhằm hỗ trợ, phối hợp để đưa Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch tổng thể của xã Bát Tràng. Đây sẽ là điểm nhấn góp phần gia tăng trải nghiệm, đồng thời giúp du khách hiểu sâu hơn về Bát Tràng - Làng gốm, làng văn và một ngôi làng di sản độc đáo của Thủ đô Hà Nội”, ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cho biết.

Rời làng Bát Tràng ngược về quận Long Biên, nằm nép mình giữa phố nhỏ Phú Viên (Long Biên, Hà Nội), bất cứ ai chạm chân tới 282Workshop, sẽ phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, như đang lạc vào một quán cà phê vườn, một khu triển lãm gỗ hay một resort cao cấp.

Ít ai biết rằng, nơi đây được cải tạo từ nhà máy sản xuất mũ cối của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để lại. Các hạng mục đều sử dụng vật liệu tái chế. Qua bàn tay “phù thủy” của các kiến trúc sư, thợ mộc 282 Design, những vật vô tri, vô giác, thậm chí là phế thải cũng trở nên độc đáo, khác lạ và rất có hồn.

Kiến trúc sư, nhà sáng lập kiêm CEO 282 Design Huy Phạm cho hay: “Năm 2008, chúng tôi tiếp quản lại khu đất và cải tạo làm xưởng sản xuất đồ gỗ 282Design. Năm 2020, nhà máy chuyển vào Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (Quảng Bình) để nhường chỗ cho 282 Workshop như hiện tại”.

Đó là một không gian sáng tạo đúng nghĩa, nhằm tạo sân chơi dành cho các hoạt động thiết kế, thể thao, triển lãm kết hợp sản xuất nhẹ, khuyến khích con người sống lành mạnh và giao tiếp với nhau nhiều hơn.

Với cách ngăn chia không gian linh hoạt, 282Workshop cung cấp không gian nền tảng để các bạn trẻ, người sáng tạo đến có thể tự tùy biến những không gian của mình, tùy vào mục đích sử dụng và không giới hạn cho sự sáng tạo.

Nói các khác, 282Workshop với chức năng đa dạng có thể kết hợp nhiều mô hình hoạt động cộng đồng khác nhau. Người công nhân, nhân viên có thể chơi thể thao, tán gẫu sau những giờ làm việc. Học sinh, sinh viên có nơi để thực hành. Trẻ em có thể tách mình khỏi các thiết bị điện tử. Người sáng tạo có không gian để tổ chức sự kiện, giao lưu và kết nối…

Dù mới đi vào hoạt động năm 2020, nhưng 282 Design đã trở thành nơi ươm mầm, thực hành sáng tạo, một điểm hẹn của giới mộ điệu nghệ thuật, của nhiều nhà khởi nghiệp trẻ và những du khách đam mê khám phá khi tới Hà Nội.

Cũng hình thành từ Nhà máy in Công đoàn cũ trong những ngày đầu Covid-19 hoành hành, tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội) mê hoặc không kém, với những lớp gạch xù xì, cầu thang sắt thô ráp, khung cửa mái vòm, kính và gam màu trầm chủ đạo… Tổ hợp chia thành nhiều khu vực: thương mại, tổ chức sự kiện, hội họp, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo… thường xuyên tổ chức các sự kiện về văn hóa, khởi nghiệp, thiện nguyện phục vụ cộng đồng và du khách.

Điểm thêm một sắc màu tươi mới cho bức tranh du lịch Thủ đô là dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), với cụm 16 tác phẩm nghệ thuật dài gần 250 mét chạy dọc sông Hồn, ra mắt năm 2020. Trước khi dự án “chào đời”, cả chục năm, khu tập kết rác thải Phúc Tân tồn tại ở gần chân cầu Long Biên. Rồi qua bàn tay của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, rác thải biến thành những tác phẩm có hồn một cách diệu kỳ, làm cho những không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của thành phố được cân bằng trở lại. Từ đó, tái tạo sức sống mới ngay trên những không gian di sản chất chứa ký ức văn hóa, lịch sử đô thị bị lãng quên.

Hà Nội sở hữu gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Hà Nội có vùng ven đô, vùng ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...

Khi Covid-19 ập đến, du lịch là ngành kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng, những người làm du lịch Thủ đô đã tận dụng “khoảng lặng” đó để vẽ màu đêm cho du lịch Hà thành.

“Nét vẽ” đầu tiên mang tên “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện. Ngay khi đưa vào khai thác hồi cuối tháng 6/2020, “món ăn” mới lạ này lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách, đêm nào cũng cháy vé.

Thành công đó là động lực để nhà tổ chức tiếp tục cho ra mắt tour “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đoá hoa” đầu năm 2021. Lắng đọng, giàu cảm xúc, độ hot của tour tham quan này lớn đến nỗi, số lượng khách đăng ký trải nghiệm thường kín lịch trong vòng 1, 2 tháng kế tiếp. Lãnh đạo Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, đơn vị này đang tiếp tục xây dựng tour “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” để chuẩn bị cho mùa cao điểm đón du khách nước ngoài cuối năm nay.

Thành công của Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã “châm ngòi” để hàng loạt di tích trên địa bàn Thủ đô nhanh chóng thay đổi tư duy, làm mới mình thay vì thụ đồng, nằm chờ như trước kia. Đó cũng là lý do tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện ra mắt hồi tháng 10/2020. Chất chứa những câu chuyện ngàn năm, lối kể ấn tượng, đem đến cho du khách những cảm nhận mới mẻ, lắng đọng và tự hào.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang gấp rút hoàn thiện trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám, truyền tải lịch sử hình thành và phát triển trường đại học đầu tiên của đất nước, thông qua những hình ảnh đồ họa và hiện vật. Trưng bày với 2 không gian trong nhà và ngoài trời, thể hiện qua các pano giới thiệu, hình vẽ minh họa sinh động, ấn tượng, kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng, hình ảnh, âm thanh và các hoạt động trải nghiệm, nhằm diễn giải thông tin một cách đầy đủ và hấp dẫn tới khách tham quan.

Trong khi đó, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tái hiện lễ hội chùa cổ, xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - Đền Và - Đường Lâm”. Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tour tham quan, trải nghiệm “Về thời Hồng Bàng”. Bảo tàng Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công trưng bày, góp phần sớm đưa câu chuyện văn hóa, lịch sử của Hà Nội đến với công chúng...

Và kể về bức tranh đêm Hà Nội, không thể không nhấn đến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào cuối tuần. Những nét riêng mang đậm phong vị Hà thành, từ truyền thống văn hóa, lịch sử đến kiến trúc, cảnh quan, cây xanh, ẩm thực đã mời gọi du khách đến với “trái tim của trái tim Hà Nội”.

Mỗi dịp cuối tuần, từ trẻ nhỏ, đến nam thanh nữ tú, người lớn, rồi cả người già, khách du lịch hân hoan đến không gian đi bộ này thư giãn một cách đều đặn. Họ đã yêu, si mê không gian của những lễ hội, thoáng đãng, mát mẻ và trong lành giữa lòng Thủ đô biết nhường nào.

Từ thành công của phố đi bộ hồ Gươm và phụ cận, giữa năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục mở tuyến phố đi bộ thứ hai - phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) hoạt động các tối cuối tuần.

Sau đó, phố bích họa Phùng Hưng khai trương đúng dịp Tết Nguyên đán 2018 với 19 tác phẩm mô tả lại khung cảnh sinh hoạt, những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội trước năm 2000 trên vòm cầu đường sắt vốn đã bị ngủ quên nhiều năm lập tức thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp hình. Nay những không gian đi bộ đã được mở lại với “tấm áo mới” hấp dẫn hơn.

Dịp 30/4, 1/5 vừa qua, không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây mở cửa lập tức “thất thủ”, đến nay mỗi cuối tuần vẫn đông nghịt du khách. Bởi nhu cầu vui chơi, giải trí của “thủ phủ” kinh tế, văn hóa xứ Đoài quá lớn.

Tại Hà Nội, hàng loạt phố đi bộ khác cũng đang được các quận, huyện đề xuất như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3… nhằm tạo điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn cho người dân và du khách. Để các “thượng đế” từ ngàn dặm xa xôi đến “dải đất hình chữ S”, đến Hà Nội vui hơn, ở lâu hơn, hài lòng hơn.

Thấu hiểu khát khao khám phá những điều mới lạ của du khách, các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô đã “chế biến” hàng loạt “món mới” hấp dẫn, chiều lòng khẩu vị mới của các “thượng đế”. Hanoitourist tung tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, tour “Bác Cổ mùa hoa gạo”… Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) tung chùm 18 tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp. Công ty cổ phần Đồng Xuân ra mắt chương trình “Du lịch xanh trong thành phố xanh với phương tiện giao thông sạch”,...

Chỉ riêng dịp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), các hãng lữ hành như Hanoitourist, Vietfoot Travel, LUX Travel, Vietravel… đã xây dựng 28 tour du lịch Hà Nội và vùng phụ cận mới lạ, hấp dẫn. Các tour được các đại biểu tham dự SEA Games 31 và du khách đón nhận nồng nhiệt như: Khám phá Hà Nội nửa ngày (Lăng Bác - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Văn Miếu - hồ Hoàn Kiếm; hoặc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Văn Miếu - Bảo tàng Dân tộc học - hồ Hoàn Kiếm); tour “Lịch sử Việt Nam” (Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Hoàng thành Thăng Long); tour trekking chùa Hương; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour khám phá Làng cổ Đường Lâm (tuyến chùa Mía - đình Mông Phụ - đền thờ Phùng Hưng); tour ẩm thực đường phố Hà Nội; tour dự lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 và thăm Hà Nội; tour trải nghiệm Vườn quốc gia Ba Vì - Medi Thiên Sơn...

“Các sản phẩm du lịch Hà Nội giới thiệu dịp SEA Games 31 không chỉ là những tour khám phá Hà Nội, mà còn là những sản phẩm liên kết, cho thấy sự phong phú, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang tự hào cho biết.

Những nỗ lực không mệt mỏi của những người làm du lịch Thủ đô đã được đền đáp xứng đáng khi giờ đây, nhiều sự kiện đông nghịt du khách. Thậm chí, sự kiện mở màn Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” (tổ chức từ ngày 13 đến 15/5) đã đón hơn 60.000 du khách. Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2022 đón 65.000 lượt du khách. Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022, Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022… cũng tấp nập, hân hoan tiếng nói cười.

“Sau hai năm rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”, nhìn hình ảnh Hồ Gươm đông nghịt khách mỗi dịp cuối tuần, những người làm du lịch xúc động lắm. Du lịch đã hồi sinh thật rồi”, CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài rưng rưng. Thế nhưng, vị CEO cũng khẳng định, người làm du lịch vẫn chưa thể vui được. Bởi ngành kinh tế xanh vẫn còn đó những khoảng trống vô hình và hữu hình.

Khách nội địa đến Hà Nội đã vượt mục tiêu năm 2022

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 425,9 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, so với kế hoạch đặt ra đầu năm nay là đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng; ngành du lịch Thủ đô đã vượt mục tiêu đón khách nội địa, hoàn thành mục tiêu về tổng thu.

Chương 1: Phải lòng Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên

Chương 3: Khoảng trống sau cú vươn mình

Chương 4: Để du lịch hà nội thoát bẫy trung bình

Chương 5: Để Hà Nội là miền đất của những câu chuyện bất tận

Tin bài liên quan