PGS.TS Phan Đăng Tuất.

PGS.TS Phan Đăng Tuất.

Tái cấu trúc hay… rời khỏi "cuộc chơi"?

(ĐTCK-online) Đầu tư vào quá nhiều ngành nghề ngoài lĩnh vực truyền thống, bộ máy tổ chức cồng kềnh, xơ cứng, phân cấp, phân quyền nhưng không phân trách nhiệm… Đó là những "căn bệnh" tại một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay. Làm thế nào để loại bỏ các nhược điểm trên, giúp cỗ máy DNNN vận hành một cách linh hoạt, hiệu quả là nội dung cuộc trao đổi giữa ĐTCK với PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương.

DNNN nắm giữ nguồn lực lớn nhưng hiệu quả hoạt động lại chưa cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân gốc rễ?

Có thể nói, DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay xuất thân một cách "phi cấu trúc". Đó là sự dồn ép cơ hữu nhiều DN vào một tập đoàn. Thiết chế quản lý tại các đơn vị này không phù hợp với trình độ phát triển mới của xã hội.

Tôi được biết, có tập đoàn, không có vai trò, không can thiệp được gì nhiều đối với công ty con. Cá biệt có tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con mà công ty mẹ còn yếu thế hơn công ty con khi phải "nhường nhịn", "lựa lời" để tiện quản lý. Có thể nói, những vấn đề trên khiến việc vận hành của nhiều tập đoàn kinh tế không hiệu quả.

Những vấn đề như ông vừa nói có thể gặp ở các tập đoàn mới được thành lập gần đây. Còn những DNNN là các tổng công ty thì sao?

Cách thức tổ chức phổ biến, truyền thống tại các DNNN đến bây giờ không hiệu quả. Với các DNNN độc lập đã lủng củng, chưa nói đến các tập đoàn và trong tình hình mới càng bộc lộ những yếu kém. Tôi lấy ví dụ, có DNNN, một tổng giám đốc (TGĐ), một chủ tịch HĐQT, nhưng có đến 9 phó TGĐ; điều này dẫn đến sự manh mún trong quản lý. Như vậy, việc hình thành các tổng công ty, các tập đoàn với mục đích thống nhất quản lý về một đầu mối lại trở nên chia rẽ, cát cứ. Do đó, việc tái cấu trúc các DNNN là hết sức quan trọng và cần thiết.

Vậy theo ông, tái cấu trúc DNNN cần tập trung vào những vấn đề gì?

Có 3 vấn đề chính. Trước hết là tái cấu trúc lĩnh vực hoạt động kinh doanh của DN. DN cần luôn luôn xác định lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của mình là gì, đa dạng hóa theo hướng nào? Nếu đa dạng hóa đồng tâm thì các lĩnh vực mở rộng kinh doanh phải xoay quanh phục vụ ngành nghề chính. Chẳng hạn, DN đóng tàu thì mở rộng hoạt động sang ngành thép, chế tạo máy… Nếu đa dạng hóa phân tán thì lĩnh vực kinh doanh chính là đóng tàu, nhưng tham gia vào ngành bất động sản, tài chính.

Tôi không nhận xét đa dạng hóa theo hướng nào là đúng hay sai. Vấn đề là DN cần thích ứng trong từng thời điểm cho phù hợp. Chẳng hạn, DN đóng tàu đến một lúc nào đó không còn thu được lợi nhuận từ hoạt động này thì có thể đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác với điều kiện tiềm lực tài chính mạnh cũng như hiểu biết tương đối sâu về ngành nghề định chuyển sang. Vừa qua, không ít DN đã xác định sai định hướng kinh doanh khi đổ xô đi lập ngân hàng, công ty chứng khoán, làm bất động sản và  hiện nay đang có trào lưu làm sân golf, resot…

Vấn đề thứ hai là tái cấu trúc tài chính DN. Hoạt động tài chính là nhịp thở của DN với thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, bộ máy hoạt động tài chính của nhiều DN, nhất là DNNN hiện nay chỉ bó hẹp trong hoạt động kế toán chứ chưa phải là tài chính. Đó là thiết chế tài chính trì trệ không hấp thụ được những cơ hội tài chính từ các định chế tài chính trung gian mang lại. Việc tái cấu trúc tài chính sẽ giúp DN đa dạng hóa nguồn huy động vốn, tìm và sử dụng nhiều nguồn vốn để tránh rủi ro khi có biến cố. Đó không phải là phòng tài vụ như hiện nay, chỉ biết mỗi cửa đi… vay tín dụng. Tài chính tại các DN hiện chủ yếu vẫn là kết toán những số liệu chứ chưa nhìn về tương lai.

Vấn đề thứ ba cần tái cấu trúc là hệ thống quản trị. Ở các tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước ngoài không có nhiều phó TGĐ như ở Việt Nam, chỉ có các giám đốc điều hành một lĩnh vực nào đó và chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của TGĐ. Cần có sự tăng cường quản lý tập trung sao cho gọn nhẹ, phân tán quyền lực quản lý cho các công ty con. Tuy nhiên, cần kiểm soát hoạt động của công ty con một cách sát sao thông qua việc chu chuyển tài chính.

Trên đây là 3 vấn đề chính. Còn không ít vấn đề như: tái cấu trúc bộ máy nhân sự, hệ thống tiêu thụ… cần quan tâm trong hoạt động tái cấu trúc DN. 

Không ít DN đã nhận thức được sự cấp thiết của việc tái cấu trúc lại. Nhưng tại sao vẫn chưa có nhiều đơn vị thực hiện, thưa ông?

Qua thực tiễn tư vấn tái cấu trúc tại các DN, tôi thấy điều khó khăn nhất khi thực hiện hoạt động này là đụng chạm đến quyền lợi của những con người, những vị trí, chức danh cụ thể. Do đó, cần thực hiện rất khéo léo và kiên trì mới thành công. Khó khăn thứ hai là sự thiếu hụt trầm trọng nhân sự có tài năng, tâm huyết, trình độ tại các DN.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, tái cấu trúc là một xu hướng tất yếu. Các DN nói chung và DNNN nói riêng phải thực hiện tái cấu trúc nếu không muốn tụt hậu, bị loại khỏi cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu hiện nay.