Bà Dương Thu Hương.

Bà Dương Thu Hương.

Thanh khoản của NH không đáng ngại

(ĐTCK-online) Sau quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6%/năm lên 5%/năm, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng trên thị trường mở của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 25/9, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã có động thái giảm lãi suất hưởng ứng đầu tiên. Lãi suất đầu ra trong thời gian tới sẽ như thế nào là nội dung cuộc trao đổi của ĐTCK với bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Sau quyết định của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có thể được điều chỉnh giảm theo hướng nào, thưa bà?

Ngay sau quyết định của Thống đốc, 5 ngân hàng quốc doanh (bao gồm cả VCB) đã thống nhất giảm bớt 0,5% lãi suất cho vay. Chiều 26/9, Hiệp hội Ngân hàng cũng ra công văn kêu gọi các hội viên đồng thuận hưởng ứng dành một khoản vốn với lãi suất tương đối ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ tháng 8 đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng quốc doanh là 20%/năm, sau đợt này giảm còn 19,5%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần ở khoảng 20,5%/năm. Đó là khung như vậy, còn trên thực tế tùy từng khách hàng, mỗi ngân hàng sẽ có chính sách lãi suất khác nhau, tôi được biết, có những doanh nghiệp hiện ngân hàng chỉ cho vay với lãi suất 17%/năm. Việc giảm lãi suất cho vay, tôi tin, các ngân hàng sẽ có động thái hưởng ứng. Tuy nhiên, tùy điều kiện quy mô của từng ngân hàng, mà chính sách lãi suất sẽ có độ chênh khác nhau.

Lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên mức độ không đáng kể và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận vốn. Có ý kiến cho rằng, nếu NHNN không hạ lãi suất cơ bản thì các ngân hàng không buộc phải giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp khó vẫn hoàn khó?

Tuy lãi suất cơ bản đang là 14%/năm, song không có nghĩa các ngân hàng thương mại phải duy trì lãi suất cho vay 21%/năm. Giữa lãi suất cơ bản và trần lãi suất cho vay có khoảng rộng 7%, các ngân hàng thương mại có thể điều chỉnh lãi suất trong khoảng này và nếu có sự chia sẻ từ người gửi tiền để giảm lãi suất huy động, cũng như các bên tham gia thị trường, ngân hàng hoàn toàn có thể giảm mạnh lãi suất cho vay. Nếu duy trì lãi suất cao, khách hàng khó khăn không trả được nợ, nợ xấu tăng thì chính ngân hàng bị ảnh hưởng.

Bà đề cập đến việc giảm lãi suất đầu vào, liệu tới đây Hiệp hội có chủ trương để các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất nhằm tạo lập mặt bằng mới?

Trước đây, Hiệp hội đã kêu gọi đồng thuận giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng nhiều hội viên không ủng hộ, nhiều ý kiến lại cổ suý cho quan điểm "lạm phát thì lãi suất phải thực dương", giờ thực tế đã diễn ra như những gì Hiệp hội lo ngại. Lần này, Hiệp hội sẽ không tiến hành đồng thuận lãi suất như trước kia nữa, nhưng quan điểm của tôi là các ngân hàng nên giảm dần lãi suất huy động, nên đặt lợi ích toàn cục lên trên hết, kêu gọi người gửi tiền vào ngân hàng nên chịu thiệt một chút. Chẳng hạn, nếu trước đây lãi suất là 18 - 19%/năm, thì nay có thể điều chỉnh xuống 16 - 17%/năm thì đầu ra cho doanh nghiệp chỉ vào khoảng 18 - 19%/năm, trong khả năng chịu đựng được.

Giảm lãi suất như vậy ở thời điểm này, liệu các ngân hàng quy mô nhỏ có bị ảnh hưởng thanh khoản và có thể hoạt động ổn định, thưa bà?

Trong những lần chạy đua huy động lãi suất trước đây, tổng lượng tiền chạy vào hệ thống ngân hàng cũng không tăng mạnh như kỳ vọng, mà chủ yếu chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Nếu các ngân hàng đều đồng lòng giảm lãi suất thì sẽ không có tình trạng đó. Hơn nữa, với quyết định cho phép tín phiếu NHNN bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 được cầm cố để vay vốn, chiết khấu tại NHNN, được sử dụng làm công cụ cho nghiệp vụ thị trường mở do NHNN thực hiện theo quy định hiện hành, tôi tin, lãi suất trên thị trường mở sẽ giảm, cộng với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gần đây đã ổn định ở mức 12 - 13%/năm, tính thanh khoản của các ngân hàng do vậy không có gì đáng lo ngại.