Trong 2 thập kỷ qua, NHCSXH đã đưa dòng vốn chính sách đến hơn 42 triệu lượt hộ gia đình

Trong 2 thập kỷ qua, NHCSXH đã đưa dòng vốn chính sách đến hơn 42 triệu lượt hộ gia đình

Tín dụng chính sách chảy mạnh vì một nền kinh tế bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 20 năm mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách là hành trình đầy gian khó của cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Song, nhiều hơn cả là những nụ cười, niềm vui của họ khi nhìn đồng vốn đơm hoa kết trái, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với bao người.

Hành trình nhiều gian nan

Đầu năm 2002, riêng hộ nghèo chiếm tới gần 30% tổng hộ dân trên cả nước. Địa bàn phục vụ của NHCSXH phần lớn tập trung ở những nơi đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Nhiều xã miền núi chưa có đường ô tô đến được trụ sở UBND xã, cộng thêm sự khác biệt về văn hóa của 54 dân tộc, tập quán sản xuất tự cung tự cấp đã ăn sâu bám rễ nhiều đời ở các địa phương khiến nhiệm vụ “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” không dễ dàng.

Bởi vậy, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vận hành phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù với sự ủy thác một số nội dung công việc. NHCSXH đã nhiều lần cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng Tổ Tiết kiệm vay vốn, để làm tốt nhất công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, thay đổi tư duy phát triển kinh tế, lồng ghép nguồn vốn chính sách cùng các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Quan trọng hơn là giám sát đồng vốn, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích và thu hồi vốn để kịp thời chuyển dòng vốn ngày càng sâu rộng đến các đối tượng khác được thụ hưởng bình đẳng.

Tại nhiều địa phương, cán bộ tín dụng NHCSXH đã trở thành một trong những lực lượng chủ chốt, cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương hỗ trợ bà con làm kinh tế giảm nghèo. Câu chuyện “cõng” vốn lên bản, hay miệt mài theo những chiếc ghe mang vốn cho bà con vùng nước ngập đã trở thành dấu ấn trong lịch sử khai mở tín dụng chính sách.

Điểm giao dịch xã với ngày giao dịch cố định hàng tháng là một sáng kiến mang tính đột phá của NHCSXH, một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, để đưa tín dụng chính sách đến người dân kịp thời theo phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Để có những phiên giao dịch “đến hẹn lại lên” cũng ẩn chứa không ít hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống. Nhiều cán bộ đi làm cách nhà chỉ vài chục cây số nhưng có khi cả tháng không về thăm gia đình được vì ngày nghỉ trùng vào phiên giao dịch tại xã. Chưa kể, nhiều cán bộ phải hàng ngày một mình cưỡi xe máy băng qua nhiều cung đường hiểm trở để thực hiện công tác kiểm tra giám sát hộ vay...

Trong bối cảnh phát triển nhanh và mạnh của kinh tế đất nước, Chính phủ đã 5 lần nâng chuẩn hộ nghèo, cũng như mở rộng các đối tượng đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập, nhiệm vụ của NHCSXH càng nặng nề hơn. Đến nay, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, NHCSXH đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng rộng khắp trên 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vững bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về giảm nghèo

Trong hai thập kỷ qua, NHCSXH huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ vốn cho trên 44.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng số tiền đạt gần 994 tỷ đồng. Trong đó, 27.802 lượt hộ nghèo, 1.588 lượt hộ cận nghèo, 1.974 lượt hộ mới thoát nghèo đã có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất - kinh doanh (SXKD) với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu. Nguồn vốn cũng giúp cho 952 lao động có công ăn việc làm ổn định; 201 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động; 6.596 hộ trung bình, khá vay vốn để SXKD; 1.904 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 346 lượt học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.888 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn...

Dòng vốn chính sách đã góp phần quan trọng vào việc đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 1,95 triệu đồng/người vào năm 2002 lên 28 triệu đồng/người vào năm 2022.

Không riêng Mèo Vạc, dòng vốn tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 43,65% (năm 2016) giảm xuống còn 22,29% (cuối năm 2020), bình quân giảm 4,27%/năm.

Hiệu ứng của dòng vốn chính sách cũng đã được Tỉnh uỷ Hà Giang nhận thức rõ và đưa việc nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội vào 1 trong 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Hà Giang đến năm 2025 thành tỉnh phát triển về du lịch thương mại, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa.

Đặc biệt, cùng với việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và nhu cầu cấp thiết cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã dồn lực ủy thác vốn ngân sách địa phương qua NHCSXH để thực hiện nhiều đề án kinh tế mang tính động lực hứa hẹn những bứt phá mới cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện “cõng” vốn lên bản, hay miệt mài theo những chiếc ghe mang vốn cho bà con vùng nước ngập đã trở thành dấu ấn trong lịch sử khai mở tín dụng chính sách.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm; 82 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Tỉnh uỷ Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020, với trọng tâm là ủy thác vốn qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang để hỗ trợ người dân khơi dậy tiềm năng đất đai của tỉnh qua “Đề án cải tạo vườn tạp” và “Đề án phát triển bền vững cây cam sành”.

Đây cũng là nguyên nhân nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tăng đột biến trong năm 2021 và 2022, lần lượt là hơn 61,6 tỷ đồng và hơn 67,9 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương đến ngày 30/06/2022 lên trên 206,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những khó khăn từ đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được khắc phục cùng với việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ...

Xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là nơi có căn cứ địa Cách mạng Nước Oa trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 - 1973). Dãy Trường Sơn hùng vĩ là nơi bao bọc an toàn cho Cách mạng ngày ấy, song lại là thách thức đối với người dân trong phát triển kinh tế thời bình khi giao thông khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen tự cung, tự cấp.

Anh Đinh Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Tân cho biết, vào những năm đầu của thế kỷ 21, thôn 1 có 100% là hộ nghèo, trong đó 85% gia đình thiếu đói giáp hạt. Gia đình anh từng thuộc diện hộ nghèo trước năm 2008 cho đến khi anh được chính quyền và NHCSXH tuyên truyền vận động vay vốn để trồng keo, nuôi bò.

Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Tân đã có 75% hộ thoát nghèo và không phát sinh hộ tái nghèo. Nhiều hộ đã trở nên khấm khá và là tấm gương sáng cho người khác noi theo. Chẳng hạn, Trưởng thôn Hồ Thanh Tùng sau hai vòng vay vốn 20 triệu đồng rồi 50 triệu đồng, đã phát triển 5 ha keo, nuôi trâu và đến năm 2019 vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, anh tiếp tục vay 80 triệu đồng để đầu tư mở rộng đàn trâu tới 7 con. Cùng với vài ba lần thu hoạch keo trong những năm qua, anh đã có nguồn tài chính nuôi 3 người con ăn học đàng hoàng…

Theo báo cáo của NHCSXH, trong 20 năm qua, hơn 42 triệu lượt hộ dân đã được vay vốn với trên 814.000 tỷ đồng; góp phần chung tay cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 2,75% (năm 2020). Tất cả những nỗ lực ấy đã cộng dồn theo thời gian, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo mà thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, thách thức chặng đường giảm nghèo còn không ít khó khăn bởi phần lớn nghèo thuộc lõi nghèo, đặc biệt vùng trung du, miền núi phía Bắc là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (13,4%). Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (hệ số để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) (tương ứng 0,428 và 0,418), Đông Nam Bộ là vùng có hệ số GINI thấp nhất (0,322).

Để đẩy nhanh hành trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh trọng tâm giảm nghèo, NHCSXH tập trung vốn cho công tác giải quyết việc làm và sinh kế, cho vay học sinh, sinh viên, cùng các chương tín dụng nâng cao chất lượng sống. Đây sẽ là những động lực góp phần thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia, mà hơn cả là góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Tin bài liên quan