Trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc

Đây là dự thảo Nghị quyết quy định về việc chuyển giao tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng cho tỉnh Kiên Giang để lựa chọn và giao nhà đầu tư đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc triển khai kịp tiến độ.
Một góc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện hữu.

Một góc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện hữu.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 172/TTr – BTC gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Dự thảo Nghị quyết này gồm 5 điều, trong đó đáng chú ý nhất là Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thống nhất về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027; phân cấp cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Trình tự, thủ tục quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thực hiện như đối với dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo Nghị quyết là thống nhất việc thu hồi và chuyển giao nguyên trạng tài sản kết cấu hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc do Nhà nước đầu tư, quản lý từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, xử lý và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thu hồi và chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc do nhà nước đầu tư, quản lý về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, xử lý theo trình tự cụ thể.

Tại Tờ trình số 172, Bộ Tài chính cho biết là Thường trực Chính phủ đã xác định tổ chức sự kiện Hội nghị Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nhiệm vụ chính trị quốc gia quan trọng, với mục tiêu kép là tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững TP. Phú Quốc.

Tỉnh Kiên Giang đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều công việc để chuẩn bị khởi công thực hiện các dự án, công trình xây dựng phục vụ tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định.

Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của các bộ, ngành đối với đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang thì có vướng mắc liên quan đến việc chưa có quy định cụ thể về việc chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo quy định của Luật Đầu tư (đầu tư kinh doanh trực tiếp trong nước).

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, tổng thời gian thực hiện dự án mất 30 - 40 tháng.

Trong khi từ nay đến thời điểm bắt đầu các sự kiện của Hội nghị chỉ còn khoảng 19 tháng, đến sự kiện chính Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 (dự kiến vào tháng 10/2027) chỉ còn khoảng 29 tháng; cùng lúc phải triển khai đầu tư, xây dựng khoảng 30 công trình, dự án cần thiết; đồng thời, địa điểm xây dựng là vùng biển, đảo, thời tiết chỉ thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, thời gian còn lại chịu nhiều ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, mưa bão, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, thiết bị, thi công và nguồn cung cấp vật liệu xây dựng.

Do đó, việc triển khai các công trình, dự án theo trình tự, thủ tục quy định là không đảm bảo tiến độ để phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện và Tuần lễ Cấp cao APEC 2027.

Để đảm bảo tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng và hoàn thành các công trình, dự án cấp thiết phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, Bộ Tài chính cho rằng, cần áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai nhanh các công trình, dự án.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có trong danh mục hệ thống cảng hàng không, sân bay, trong đó, được xác định đạt cấp 4E; quy mô trong thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10 triệu khách/năm và đến năm 2050 đạt khoảng 18 triệu khách/năm.

Theo Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời kỳ 2021-2030 quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về hai phía đạt kích thước 3.500 m x 45 m; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.500 m x 45 m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 360 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.

Hiện đã có một nhà đầu tư trong nước đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đồng ý chủ trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc giai đoạn II theo phương thức PPP nhằm đưa sân bay này đạt cấp sân bay 4E; công suất nhà ga hành khách 18 - 20 triệu lượt khách/năm; công suất ga hàng hóa dự kiến 50.000 tấn/năm; quy mô nhà ga VIP dự kiến khoảng 6.000 m2; tổng số vị trí đỗ tàu bay phù hợp với công suất nhà ga hành khách.

Đề xuất này còn bao gồm việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1) đạt kích thước 3.500 m x 45 m; quy hoạch, đầu tư đường cất hạ cánh mới (đường cất hạ cánh số 2) có kích thước 3500 m x 45 m; các công trình phụ trợ hàng không có quy mô đáp ứng công suất khai thác của Cảng; thực hiện điều chỉnh vị trí Đài kiểm soát không lưu và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoạt động bay đồng bộ.

Nếu được lựa chọn là nhà đầu tư, nhà đầu tư này cam kết đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với công nghệ hiện đại nhất thế giới, hoàn thành dự án trong thời gian từ 16 - 18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tin bài liên quan