Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Trình Quốc hội sửa Luật Ngân sách nhà nước, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Sáng nay (12/5), Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 9, thảo luận tại hội trường về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Phiên thảo luận toàn thể về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 diễn ra vào sáng thứ Tư (14/5), cùng với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trước đó, hai nội dung này đã được thảo luận tại tổ trong tuần làm việc đầu tiên. Với sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu đều thống nhất rất cao với nội dung sửa đổi tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Một là, các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là, các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Nhưng, về nội dung cụ thể, theo một số ý kiến thảo luận tại tổ thì quy định “Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp” là chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính hiện nay.

Liên quan chặt chẽ đến tổ chức chính quyền, ngay sáng nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, cũng được trình Quốc hội ngay sau đó.

Tuần này, Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng khác về kinh tế, tài chính. Nửa cuối buổi sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ ra nghị trường sáng thứ Ba (13/5).

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Dự thảo này quy định, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Chiều thứ Tư (14/5) Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).Lần sửa đổi này, Chính phủ bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%; bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của Nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Một số nội dung được bổ sung mới như thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia ngân sách trung ương (70%) và ngân sách địa phương (30%). Bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Bổ sung quy định phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 02 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%).

Ngoài ra, còn có nhiều nội dung khác được hoàn thiện, bổ sung liên quan đến các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn, ứng trước dự toán về chi thường xuyên, phân định thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan: Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương…

Cũng như tuần làm việc thứ nhất, Quốc hội sẽ làm việc cả ngày thứ Bảy, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và nhiều nội dung khác về công tác xây dựng pháp luật.

Tin bài liên quan