Từ chất vấn và trả lời chất vấn, các biểu, cử tri có điều kiện rà lại "lời hứa" của các Bộ trưởng - Ảnh: Vnexpress

Từ chất vấn và trả lời chất vấn, các biểu, cử tri có điều kiện rà lại "lời hứa" của các Bộ trưởng - Ảnh: Vnexpress

Từ lời hứa đến hành động

(ĐTCK) Hoạt động chất vấn, giải trình kết quả thực hiện chất vấn sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội, cử tri nhìn vào, nếu lại có một cuộc lấy phiếu tín nhiệm tương tự diễn ra.

> Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sẽ có giải pháp căn cơ lâu dài cho nông nghiệp

Điểm lại “lời hứa” từ những ngành trọng yếu

Có thể là một sự sắp xếp tình cờ, nhưng ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội nước ta với 47 chức danh chủ chốt, là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày - một trong những nội dung được cử tri cả nước trông đợi nhất tại mỗi kỳ họp.

Điểm đặc biệt là không chỉ có các vị trí điều hành nằm trong danh sách chất vấn, mà các thành viên Chính phủ khác cũng phải chuẩn bị tinh thần được yêu cầu “giải trình thêm” bất cứ lúc nào. Ví như trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là những người chia sẻ “ghế nóng”… Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đó là để các Bộ trưởng “chia lửa” cho nhau, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của các vị này khi các vấn đề kinh tế hay xã hội luôn có liên quan mật thiết.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phát, câu trả lời mà Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nhất là lời hứa “Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, NHNN…” cũng chính là từ ý này: bất cứ vấn đề gì trọng yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, không bộ nào, ngành nào được đứng ngoài cuộc.

Trước đó, các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, NHNN… cũng đã có báo cáo kết quả giải quyết các nội dung chất vấn tại kỳ họp trước. Đã có những tín hiệu mừng từ các giải trình, nợ xấu đã bớt xấu, lãi suất đã giảm mạnh, thị trường bất động sản nhúc nhắc trở lại, đầu tư công đã đi vào quy củ hơn… Hay như ngày 12/6, trong công văn hỏa tốc gửi đến ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã giải trình về việc xử lý các nhóm cổ đông lớn của các ngân hàng yếu kém chống đối, thiếu sự hợp tác với biện pháp tái cơ cấu của NHNN. Theo đó, NHNN đã dự thảo quyết định trình Thủ tướng ban hành về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Nội dung cơ bản là NHNN sẽ được quyền yêu cầu các cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của các TCTD phải chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho NHNN hoặc TCTD được chỉ định. Nếu được thực hiện, đó sẽ là biện pháp rất mạnh trong việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Từ chất vấn đến trả lời chất vấn, từ lời hứa đến hành động, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước có điều kiện rà lại “lời hứa” của các Bộ trưởng sau độ lùi thời gian nhất định. Sự theo đến cùng và làm đến cùng những vấn đề được nêu ra sẽ thể hiện trách nhiệm giám sát của các đại biểu và trách nhiệm điều hành của các vị Bộ trưởng. Đó là một làn gió mới được trông chờ thổi vào đời sống kinh tế còn nhiều bĩ cực hiện nay.

Có thể hoạt động chất vấn, giải trình kết quả thực hiện chất vấn sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội, cử tri nhìn vào, nếu lại có một cuộc lấy phiếu tín nhiệm tương tự diễn ra.

Tuy nhiên, có một “cuộc bỏ phiếu” nữa cũng quan trọng không kém, đó là “cuộc bỏ phiếu lòng tin” của toàn xã hội với thực trạng kinh tế vĩ mô vào mỗi cuối năm khi nhìn vào những chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể, từ GDP, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… Nó đòi hỏi bộ máy điều hành cần biến lời hứa thành những hành động cụ thể, như luôn đối diện với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bất cứ lúc nào.