Vàng cong vênh xuất hiện ngày càng nhiều

Vàng cong vênh xuất hiện ngày càng nhiều

Số lượng vàng không đủ tiêu chuẩn lưu thông xuất hiện ngày một nhiều kể từ khi các doanh nghiệp thay đổi chính sách thu đổi vì Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC chưa được dập đúc trở lại.

Nếu như trước đây, Công ty SJC Miền Bắc (chi nhánh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nội) ít khi gặp phải loại vàng miếng bị cong vênh hoặc trầy xước bao vỉ. Nhưng hiện nay, có ngày công ty thu mua tới 300 lượng. "Thậm chí vào thời gian cao điểm, có hôm doanh nghiệp mua từ khách tới 500 lượng vàng cong vênh", Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc SJC Miền bắc cho biết. Công ty SJC Miền Bắc là chi nhánh duy nhất của SJC Sài Gòn tại Hà Nội, ngoài các chi nhánh ở Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM.

 

Do đặc tính mềm của vàng 9999, vàng miếng rất dễ bị cong vênh, móp méo nếu bảo quản không đúng cách

 

Hiện tượng vàng cong vênh tăng vọt, theo đại diện SJC Miền Bắc, diễn ra từ khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn có chính sách thu mua trở lại vàng cong vênh sau một thời gian tuyên bố ngừng mua, dù vẫn chưa được đập đúc bình thường.

"Trước đây cũng ít người để ý đến vàng cong vênh, nhưng sau sự kiện trên, bạn hàng và đại lý lớn ở các tỉnh đã đồng loạt gom vàng cong vênh mang đến bán lại cho chúng tôi", bà Hằng nói thêm. Tại chi nhánh SJC Miền Bắc của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, mỗi lượng vàng cong vênh được thu phí 100.000 đồng, cao gấp đôi mức công bố của công ty mẹ, nhưng vẫn thấp hơn so với một số đơn vị khác trên thị trường.

Bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn DOJI cũng cho biết thời gian gần đây, lượng vàng cong vênh, móp méo thu mua từ khách tăng mạnh. Trước đây doanh nghiệp chỉ mua dăm ba lượng vàng cong vênh mỗi ngày, nhưng nay con số lên tới hàng trăm. "Sau những ồn ào xung quanh vàng SJC cong vênh, nhiều người mang vàng SJC đến kiểm tra và bán luôn dẫn đến hiện tượng này", chị My giải thích.

Hồi giữa tháng 6, Tập đoàn DOJI có lúc công bố phí thu mua vàng cong vênh lên tới 500.000 đồng một lượng, tuy nhiên hiện nay đã giảm hơn một nửa. Ngoài SJC Miền Bắc và công ty phân phối lớn như DOJI, nhiều đại lý cho biết lượng vàng cong vênh thu mua cũng tăng nhẹ so với trước.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp đang tự xây dựng những tiêu chí riêng để giúp khách hàng và nhân viên của chính mình phân biệt thế nào là vàng không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Khi có những phàn nàn về cách thức thu đổi vàng cong vênh, lãnh đạo cao cấp của DOJI trực tiếp xem từng miếng vàng và yêu cầu các bộ phận chức năng đưa ra các chỉ tiêu, để tránh những phiền hà không đáng có cho khách.

Tại chi nhánh SJC Miền Bắc, công ty niêm yết rộng rãi bảng tiêu chuẩn ép bao để khách hàng nhận biết vàng cong vênh. Theo đó, miếng vàng được xem là cong vênh khi bị trầy xước, đóng các dấu hiệu bên ngoài, bị đốt cháy hay biến dạng.

"Trước đây, nhiều cửa hàng, đại lý ở các tỉnh đóng dấu riêng của họ, thường có hình tròn, vào miếng vàng SJC trước khi bán cho khách. Những miếng vàng như thế được xếp vào diện móp méo", bà Trần Như My từ DOJI giải thích. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến miếng vàng bị biến chất là nhiều người có thói quen mua vàng về chôn dưới đất. "Có lần chúng tôi gặp một trường hợp khách mang hàng chục lượng vàng mang đến bán mà vỏ bao đã mủn hết ra, miếng vàng cũng bị xỉn màu vì bị chôn lâu ngày", bà My cho biết.

Bên cạnh đó, do đặc tính mềm của vàng 9999, nên vàng miếng rất dễ bị cong vênh nếu khách bảo quản không đúng cách như cuộn tròn, bó chặt cả chuỗi. Một người trong nghề còn tiết lộ không ít vàng bị trầy góc, móp méo sau khi khách mang vào gửi ngân hàng. "Thường ở ngân hàng lượng vàng cất giữ rất lớn. Nếu họ bảo quản không đúng cách, chỉ cần mấy kg vàng xếp chồng lên nhau là cũng đủ gây ra móp méo, trầy xước rồi", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

 

Bảng tiêu chuẩn ép bao đối với vàng miếng, niêm yết tại Công ty SJC Miền Bắc.

 

Sau khi Nghị định 24 về Quản lý thị trường vàng đi vào hiệu lực từ ngày 25/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lấy lý do máy móc thiết bị dập đúc đã được Nhà Nước quản lý nên có lúc ngừng thu mua vàng cong vênh.

"Lượng vàng móp méo còn tồn đọng ở kho của công ty cũng đang rất nhiều mà chưa có hướng giải quyết. Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước xin phép được dập đúc số vàng cong vênh này mà chưa thấy hồi âm", ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC Sài Gòn cho biết. Đại diện SJC Sài Gòn cũng nói thêm rằng chưa biết công ty có thể còn thu mua vàng cong vênh được đến lúc nào, vì càng thu mua càng tồn đọng vốn.

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra giải pháp nào đối với việc dập đúc vàng cong vênh như SJC Sài Gòn đề nghị. Một đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ lo ngại nếu cấp quota dập đúc vàng cong vênh, doanh nghiệp có thể "lách luật" bằng cách dập thêm vàng miếng bên ngoài lượng quota được cấp phép. Tuy nhiên, đại diện của SJC Sài Gòn tại miền Bắc trấn an rằng nếu được cấp phép, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về số lượng vàng cong vênh, thậm chí phải ghi lại seri của từng miếng vàng để báo cáo trước khi dập đúc. "Hiện nay bất cứ miếng vàng cong vênh nào mang đến bán, chúng tôi cũng đều ghi lại seri để tập hợp và gửi lên Ngân hàng Nhà nước", bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc SJC miền Bắc cho hay.