Vietravel (VTR): Kế hoạch lợi nhuận10 tỷ đồng, tách Vietravel Airlines khỏi công ty mẹ tránh bù lỗ

Vietravel (VTR): Kế hoạch lợi nhuận10 tỷ đồng, tách Vietravel Airlines khỏi công ty mẹ tránh bù lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận Tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR) vừa công bố tài liệu công bố họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 25/5 tới đây.

Theo tài liệu này, kết thúc năm 2020, doanh thu của Vietravel giảm đến 80% so với cùng kỳ đạt 1.518 tỷ đồng và lỗ sau thuế 98,9 tỷ đồng.

Vietravel cho biết, năm 2020 là năm khó khăn thử thách chưa từng có đối với Công ty kể từ 25 năm thành lập. Việc đóng cửa biên giới ngăn chặn Covid-19 đã khiến lượng khách quốc tế đến giảm 80%, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% tương đương mức giảm 19 tỷ USD. Có khoảng 40-60% lao động ngành du lịch mất việc làm.

Trong bối cảnh chung đó, Vietravel đối mặt với áp lực lớn của đại dịch Covid-19, doanh thu chủ yếu đến từ mảng nội địa.

Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh lên 6.243 tỷ đồng, tăng 411% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng.

HĐQT trình phương án không chia cổ tức cho năm 2020 và cũng xin không chia cổ tức cho năm 2021 do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ.

Đáng chú ý, Vietravel có tờ trình lấy ý kiến về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Vietravel cho biết đây là hoạt động nhằm thực hiện cấu trúc công ty theo mô hình Holdings.

HĐQT xin được ủy quyền tìm kiếm đối tác, quyết định tỷ lệ chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần vốn góp, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến công việc trên.

Vietravel Airlines dự kiến còn bù lỗ trong hai năm đầu hoạt động
Vietravel Airlines dự kiến còn bù lỗ trong hai năm đầu hoạt động

Hiện Vietravel Airlines có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Vietravel nắm giữ 100% vốn. Dự án hàng không được tài trợ bằng đợt phát hành trái phiếu huy động vốn 700 tỷ đồng.

Vietravel cho biết sự cần thiết của việc tái cấu trúc. Hiện nay, hoạt động kinh doanh từ mảng lữ hành của Vietravel chưa phục hồi như dự kiến dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tương đối thấp, không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ các mảng đầu tư khác như Vietravel Airlines...

Năm 2021, Vietravel Airlines bắt đầu đi vào hoạt động, theo kế hoạch kinh doanh dự kiến vẫn lỗ trong hai năm đầu. Nếu giữ nguyên cấu trúc như hiện tại, Vietravel công ty mẹ sở hữu 100% vốn tại Vietravel Arilines, các khoản lỗ của Vietravel Airlines sẽ được hợp nhất với công ty mẹ Vietravel sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của toàn công ty.

Do đó, việc tái cấu trúc, tách Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel là việc cần thiết và phải thực hiện sớm.

Thông qua tái cấu trúc, Vietravel vẫn hoạt động bình thường nhưng không còn ảnh hưởng bởi khoản lỗ của Vietravel Airlines. Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ chi phối cổ phần tại Vietravel và cả Vietravel Airlines. Theo đó, 2 công ty này vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn, hỗ trợ phát triển theo mô hình hàng không lữ hành.

Như vậy, pháp nhân Vietravel Holdings sẽ nhận chuyển nhượng khoản đầu tư tại Vietravel Airlines.

Vietravel cho biết năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch giai đoạn 2021-2030 tập trung chính công tác tái cấu trúc lại bộ máy tổ chức theo từng mảng kinh doanh phù hợp hình thức tập đoàn để đảm bảo được hiệu quả. Đảm bảo an toàn tài chính cho toàn hệ thống, các đơn vị kinh doanh không âm.

Theo Vietravel, tất cả các giải pháp trong năm 2021 đều triển khai trong bối cảnh khủng hoảng do dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Vietravel tiếp tục đẩy mạnh trong tâm mảng nội địa. Xu hướng du lịch nội địa và gần nhà sẽ phổ biến trong năm 2021. Sau dịch Covid-19, nhu cầu khám phá những điểm đến hoang sơ, ít phổ biến sẽ tăng mạnh do tâm lý an toàn, tránh đám đông vẫn ảnh hưởng lớn đến du khách.

Bên cạnh đó, ở mảng hàng không, năm 2021, thị trường hàng không nội địa vẫn là thị trường trọng tâm. Thị trường hàng không quốc tế dự báo được mở lại vào cuối năm 2021 nhưng rất hạn chế và có thể phục hồi từ năm 2022. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như tại các quốc gia đối tác xuất khẩu của Việt Nam được cho là bệ đỡ cho tăng trưởng hoạt động thương mại của Việt Nam.

Tin bài liên quan