Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam
Xuất phát từ thực tế hoạt động báo cáo kiểm toán của các công ty niêm yết trong thời gian qua, tôi cho rằng, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 có bổ sung quy định về xử phạt hành chính đối với vi phạm có liên quan đến báo cáo kiểm toán là cần thiết. Tuy nhiên, nếu nói là xử phạt đối với hành vi vi phạm về báo cáo kiểm toán là hơi hẹp, vì sai phạm về báo cáo kiểm toán cũng chưa phải, nội dung vi phạm ở đây không chỉ liên quan đến báo cáo kiểm toán, mà còn liên quan đến hoạt động trong quá trình kiểm toán. Do đó, nên thay đổi thành xử phạt đối với hành vi vi phạm về kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán, kể cả hành vi trong quá trình thực hiện báo cáo kiểm toán.
Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Pháp chế CTCK An Bình
Trước hết, mức xử phạt được tăng cao đều nhưng không nhất thiết phải như vậy, mà cần phân định rõ loại vi phạm nào cần phạt nặng để thể hiện thái độ răn đe, phòng ngừa chung, còn loại nào cần phạt nhẹ để nhắc nhở, giáo dục. Hơn nữa, quy định phạt quá nặng không phải lúc nào cũng khả thi, mà không khả thi thì tính tuân thủ sẽ giảm. Ví dụ, Điểm a, Khoản 1, Điều 24 của dự thảo quy định, NĐT đặt lệnh mua - bán chứng khoán vượt quá số tiền, chứng khoán có trong tài khoản thì có thể bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng là quá nặng và không khả thi. Trên thực tế, nhà đầu tư không thể làm được việc này nếu không có sự tiếp tay từ CTCK, vì phần mềm nhận lệnh sẽ tự động không chấp nhận lệnh như vậy. Ở đây, cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, trong đó có trách nhiệm của CTCK và việc tuân thủ của nhân viên nghiệp vụ, không thể đưa ra cách xử phạt như vậy đối với NĐT. Trong nhiều trường hợp, NĐT khi viết phiếu lệnh có thể không nhớ rõ số dư của từng mã chứng khoán đang sở hữu hoặc có sự nhầm lẫn vô tình mà thôi.
Thứ hai, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân khi vi phạm quy định. Chẳng hạn, việc công bố thông tin không đúng sự thật thì theo dự thảo sẽ phạt cả DN và người lập ra thông tin. Như vậy, phải xác định rõ đây là hành vi của tổ chức hay của cá nhân? Theo tôi, đây là hành vi của tổ chức. Cá nhân chỉ bị xử lý khi họ vi phạm quy tắc hành nghề như đối với người hành nghề chứng khoán, kiểm toán…
Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó giám đốc CTCK VietinbankSC
Việc sửa đổi Nghị định 36 là cần thiết, nhưng tôi cho rằng, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK cần phải quy định rõ ràng, minh bạch để cơ quan quản lý có thể xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm.
Ngoài ra, để đảm bảo thống nhất giữa dự thảo Nghị định với các văn bản pháp luật có liên quan, các quy định về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng phải tuân thủ quy định Pháp lệnh Xử phạt trong lĩnh vực hành chính. Về hành vi thao túng thị trường cần phải làm rõ khái niệm "thao túng thị trường" để có mức phạt cụ thể, chi tiết...
Thực tế, nếu không có chế tài thực sự mạnh thì mức xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe, trong những tình tiết vi phạm nặng hơn cần phải truy tố trách nhiệm hình sự. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn sai mục đích thì ngoài việc xử phạt về mặt tài chính, cần phải hủy đợt phát hành, đảm bảo tính răn đe.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Trưởng ban Luật pháp, Công ty Quản lý quỹ SSI
Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng tình về dự thảo, vì cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 36. Tuy nhiên, việc nâng mức xử phạt tối đa lên 500 triệu đồng cần được cân nhắc, xem xét lại.
Tôi cho rằng, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có tính chất, mức độ nguy hiểm thấp hơn so với tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng quy định mức phạt ngang bằng mức phạt cho tội danh trong Bộ luật Hình sự là chưa công bằng. Do đó, tôi đề nghị mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thấp hơn mức tối đa 500 triệu đồng và nên chỉ bằng 1/3 đến 2/3 mức quy định trong dự thảo.