Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG

CTCK MB (MBS)

Trong quý I/2025, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HSX: HPG) ghi nhận tổng sản lượng đạt 2,7 triệu tấn (tăng 25% so với cùng kỳ) nhờ thép xây dựng tăng mạnh (tăng 30%). Bên cạnh đó, sản lượng thép HRC cải thiện (tăng 23%) nhờ đóng góp từ DQ2. Tuy nhiên, do áp lực đến từ thép Trung Quốc, giá thép xây dựng và HRC vẫn duy trì ở mức thấp, lần lượt giảm 5% và 1%.

Nhờ mức tăng trưởng sản lượng bù đắp cho sự sụt giảm giá bán, doanh thu đạt 37.000 tỷ đồng (tăng 15%). Biên lợi nhuận gộp cải thiện 0,3 điểm % lên 13,6% nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào giảm nhanh hơn giá bán thành phẩm. Do đó, lợi nhuận ròng quý I/2025 đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 15%), phù hợp với dự báo của chúng tôi và hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận năm 2025.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo doanh thu 2025-2026 thêm 2%/3% dự báo trước nhờ (1) điều chỉnh sản lượng tăng 6%/3% do nhu cầu nội địa phục hồi tốt, (2) điều chỉnh giá bán giảm 2%/3% do áp lực từ thép Trung Quốc. Sau điều chỉnh, doanh thu 2025-2026 tăng trưởng 12%/31%. Về biên lợi nhuận gộp, chúng tôi điều chỉnh giảm 2025-2026 lần lượt 1.2 điểm %/0,9 điểm %, còn 14,4%/14,6% do tác động từ giảm giá thép (biên gộp sau điều chỉnh tăng 1,1 điểm % và 0,2 điểm %).

Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng dự báo chi phí tài chính và chi phí bán hàng thêm 1%/2%, tương ứng đạt 4.460/5.257 tỷ đồng (tăng 12%/18%). Tổng hợp lại, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng 2025-2026 lần lượt 7%/6%. Lợi nhuận ròng 2025-2026 vẫn được kỳ vọng tăng trưởng mạnh 42%/31% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và biên lợi nhuận gộp cải thiện.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2% so với báo cáo trước. Chúng tôi kì vọng, việc áp thuế chống bán phá giá và sản lượng từ DQ2 sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của HPG trong giai đoạn 2025-2026. Sự điều chỉnh gần đây của thị trường khiến giá HPG về vùng hấp dẫn, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với HPG với giá mục tiêu 33,000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng giá tiềm năng 33% theo phương pháp FCFF và P/B (WACC: 11.6%). Rủi ro giảm giá gồm (1) giá thép Trung Quốc tiếp tục suy giảm và (2) thị trường bất động sản trong nước hồi phục chậm hơn kỳ vọng.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần 2.810 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ, tăng 16% so với quý trước), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 809 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ, tăng 8% so với quý trước). Tăng trưởng doanh thu đến từ cả sản lượng và giá bán cải thiện ở hầu hết các sản phẩm chủ lực so với cùng kỳ và quý trước, ngoại trừ axit H3PO4 ghi nhận sản lượng giảm do công ty ưu tiên tiêu thụ phân bón trong kỳ.

Biên lợi nhuận gộp đạt 35%, tăng 2,8 đpt nhưng giảm 1,8 đpt so với quý trước. Giá bán các sản phẩm chính tăng 5–16% so với cùng kỳ và tăng 3–9% so với quý trước. Biên gộp cải thiện mạnh so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng và cơ cấu sản phẩm tích cực, tuy nhiên giảm nhẹ so với quý trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá bán.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 152 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ, giảm 14% so với quý trước), tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần đạt 5,4% (giảm 0,7 đpt so với cùng kỳ, giảm 1,8 đpt so với quý trước). Mức giảm chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ, sau khi ghi nhận mức đỉnh vào quý 3/2024. Bên cạnh đó, các chi phí bán hàng và quản lý khác cũng được kiểm soát hợp lý trong bối cảnh doanh thu tăng mạnh, giúp tỷ lệ SG&A/doanh thu thuần duy trì xu hướng giảm so với cùng kỳ và quý trước.

BSC dự phóng doanh thu đạt 10.939 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 3.343 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ). BSC hiện giữ nguyên dự phóng trong thời gian tới. Chúng tôi duy trì quan điểm như báo cáo cập nhật gần nhất rằng: nhu cầu hoá chất phục hồi, chủ yếu nhờ vào sản lượng trong bối cảnh giá bán phục hồi chậm hơn; đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TNG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 17.500 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 7,1x dựa trên triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may. TNG chủ động đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để ứng phó với thuế nhập khẩu của Mỹ, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với nhu cầu hàng may mặc trong ngắn hạn. Biên lợi nhuận có thể thu hẹp với giá nguyên phụ liệu nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng.

Luận điểm đầu tư: Chủ động ứng phó với thuế nhập khẩu của Mỹ: TNG chủ động đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhằm gia tăng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại một số thị trường. Tuy nhiên, TNG vẫn đang đối mặt với không ít thách thức từ biến động của thị trường toàn cầu.

Biên lợi nhuận gộp có thể giảm: Giá xơ, sợi dệt nhập khẩu có dấu hiệu tăng trở lại từ đầu năm 2025, trong khi giá nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam tiếp tục đà giảm. Bên cạnh đó, một số khách hàng đề xuất giảm giá bán trong bối cảnh thuế nhập khẩu của Mỹ tăng.

Áp dụng công nghệ hiện đại để tối ưu chi phí: TNG đang ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động trong bối cảnh tăng lương cho nhân công để thu hút lao động chất lượng cao.

Cơ cấu lại các khoản vay để hạn chế rủi ro về tỷ giá: TNG đã chủ động cắt giảm các khoản vay bằng đô la Mỹ, chỉ duy trì vay ngoại tệ cho những khoản thanh toán phục vụ việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GMD

CTCK SSI

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) ấn tượng với sản lượng container đạt 1,3 triệu TEU, tăng 30% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi hoạt động tích trữ hàng hóa của các doanh nghiệp để tránh rủi ro thuế quan. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 583 tỷ đồng, tương đương LNTT cốt lõi tăng 57%. Công ty kỳ vọng kết quả tương tự trong quý II/2025.

Tác động tiềm năng của thuế quan: Sản lượng hàng hóa đến Mỹ của GMD hiện chiếm khoảng 15% tổng sản lượng. Trong ngắn hạn, công ty sẽ được hưởng lợi từ hoạt động tích trữ hàng hóa, giúp sản lượng tăng mạnh trong quý 1 và dự kiến sẽ tiếp diễn trong quý 2. Tuy nhiên, trong trường hợp thuế đối ứng không được đàm phán thành công để giảm xuống từ mức đề xuất 46%, chúng tôi kỳ vọng áp lực lên sản lượng và kết quả kinh doanh sẽ bắt đầu có tác động từ nửa cuối năm 2025.

Giá xếp dỡ hàng hóa dự kiến tăng 10 -15% trong nửa cuối năm 2025 đối với cảng nước sâu. 3 kịch bản thuế quan: Dựa trên 3 kịch bản thuế quan 10%/20%/30%, chúng tôi điều chỉnh LNTT lần lượt là 0%/-15%/-22% từ ước tính trước.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan, và điều chỉnh giá mục tiêu xuống 58.800 đồng/cp – tương đương tiềm năng tăng giá là khoảng 15%. GMD vẫn là cổ phiếu yêu thích của chúng tôi trong ngành vận tải với chất lượng tài sản tốt và tài chính mạnh để ứng phó với những cú sốc ngắn hạn.

Tin bài liên quan