10 xu hướng báo cáo phát triển bền vững

10 xu hướng báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Lĩnh vực lập báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp đang ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, khiến nó trở thành một hoạt động quan trọng để theo kịp các tiêu chuẩn đang thay đổi cũng như kỳ vọng của công chúng có liên quan.

>> Báo cáo thường niên tốt nhất 2013

Vậy các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp đang hướng đến những giá trị mới nào? Dưới đây là 10 xu hướng.

Nhiều định lượng hơn

Dữ liệu thực vốn là tiêu chuẩn để báo cáo các lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng không dừng lại ở đó, doanh nghiệp cần thỏa mãn các bên liên quan quan trọng bằng việc áp dụng Nghị định thư về hiệu ứng nhà kính (GGP) cũng như Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Theo đó, các con số từng tránh giờ bắt buộc phải được cung cấp nhiều hơn cho các bên liên quan. Đâu đó, các công ty phần mềm đang viết những chương trình thu thập dữ liệu phát triển bền vững toàn cầu và ngày càng có nhiều hơn những công ty cung cấp dịch vụ bảo đảm và tư vấn lập báo cáo phát triển bền vững. Các công ty này sẵn sàng tư vấn dữ liệu, cung cấp dữ liệu so sánh cũng như dựa vào dữ liệu để đưa ra bảo đảm cho các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

So sánh nhiều hơn

Khi báo cáo phát triển bền vững trở thành tiêu chuẩn của các ngành nghề và ngày càng sánh ngang với báo cáo tài chính thì tính chất có thể so sánh sẽ là quan trọng nhất. Và khi các doanh nghiệp báo cáo về cùng một loại thông tin, theo cùng một cách, công chúng có liên quan (bao gồm các nhà đầu tư) sẽ dễ dàng hơn trong việc so sánh chúng với nhau trên từng khía cạnh. Các doanh nghiệp với vị thế của một khách hàng quan trọng cũng sẽ muốn các nhà cung cấp của họ đưa ra các dữ liệu có thể so sánh về tính bền vững để có thể cạnh tranh trong kinh doanh. Vì những lý do này mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia các cuộc khảo sát về tiêu chuẩn hóa, chẳng hạn như Dự án công khai các-bon (CDP).

 10 xu hướng báo cáo phát triển bền vững ảnh 1

Toàn diện hơn

Số lượng các nhóm hoạt động xã hội tìm kiếm chủ đề quan tâm của họ trong các báo cáo phát triển bền vững liên tục tăng qua các năm. Các nhóm này quan tâm đến các tổ chức khác nhau và chủ đề quan tâm của họ cũng đa dạng, như nước, các-bon hay chất thải điện tử… Cùng với đó, ngày càng có nhiều tổ chức đưa ra các giải thưởng, xếp hạng về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với những tiêu chí không nằm ngoài sự quan tâm của các nhóm hoạt động xã hội. Và tất nhiên, muốn có thứ hạng cao, doanh nghiệp phải minh bạch hơn, trên nhiều khía cạnh hơn, hay nói cách khác là báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp phải toàn diện hơn.

 

Chuẩn hóa và bảo đảm hơn

Sự bảo đảm của bên thứ ba có nghĩa là độ tin cậy hay tín nhiệm và đây là nhân tố then chốt trong tính bền vững. Theo Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, bạn được phép “tự phong” thứ hạng của mình, nhưng bạn sẽ không nhận được một dấu “+” sau thứ hạng đó, trừ khi nó được xác thực bởi một ai đó. Do đó, những công ty muốn thể hiện mình là người dẫn đầu, phải biết tìm kiếm sự bảo đảm cho báo cáo của mình. Một nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán/bảo đảm lớn sẽ biết cách làm việc đó. Họ có con người và phương pháp để đánh giá độ tin cậy của một báo cáo phát triển bền vững, trên cơ sở những tiêu chuẩn được xây dựng bởi các hiệp hội quốc gia (như CICA của Canada hay CICPA của Mỹ).

 

Yêu cầu với chuỗi cung nhiều hơn

Kể từ khi dữ liệu về khí thải các-bon của các nhà cung cấp được bao gồm trong Nghị định thư về hiệu ứng nhà kính, các công ty lớn ngày càng mong đợi các nhà cung cấp của họ quản lý được tình trạng phát thải các-bon. Yêu cầu mà các công ty lớn đặt ra cho các nhà cung cấp của mình về vấn đề khí thải CO2 và các dữ liệu bền vững khác sẽ tiếp tục lan tỏa trong chuỗi cung cho đến khi có nhiều hơn các công ty tập hợp và báo cáo về dữ liệu của họ. Khi những dữ liệu báo cáo này được tổ chức với tính so sánh cao, kèm sự bảo đảm, các khách hàng doanh nghiệp sẽ không chỉ tính đến yếu tố bền vững trong quyết định mua của mình mà còn tăng lợi nhuận kỳ vọng khi coi đó là một lợi thế cạnh tranh. Các báo cáo phát triển bền vững, khi đó, cũng sẽ trở thành một điều kiện tiêu chuẩn trong đàm phán hợp đồng.

 

Hữu hình hơn

Bạn sẽ thấy các biểu tượng về phát triển bền vững và các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững xuất hiện ở khắp nơi. Đó là bởi, các công ty tập trung hướng đến sự cạnh tranh trong yếu tố bền vững sẽ tiếp tục dẫn đầu và nâng cao chuẩn mực cho lĩnh vực của họ. Cùng với đó, các website về phát triển bền vững đang được đẩy mạnh, song song với các ấn bản thương mại và báo chí; các tổ chức bảo đảm (như JD Power cho xe hơi) đang phát triển các nhãn “phát triển bền vững” mới cho khách hàng của mình; các hiệp hội chuyên nghiệp đang định hình; các chương trình cấp chứng nhận mới đang được kiểm nghiệm; và các doanh nghiệp đang bổ nhiệm vị trí quản lý cho công tác lập báo cáo phát triển bền vững…

 

Chiến lược hơn

Trước đây, các công ty đưa ra báo cáo phát triển bền vững đầu tiên của họ vì một "thảm họa" quan hệ công chúng, hoặc vì đối thủ cạnh tranh giành được một giải thưởng về phát triển bền vững. Nhưng càng về sau, việc lập báo cáo phát triển bền vững càng là một công việc chủ động của doanh nghiệp, để nâng cao hay làm lại thương hiệu. Việc lập báo cáo giúp các công ty tạo được mối liên kết có ý nghĩa với các bên có liên quan, đồng thời tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Và với mục đích đó, việc chọn khách hàng nào để thu hút, lựa thông tin gì để sử dụng đang trở thành những vấn đề của chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đối với ngày càng nhiều doanh nghiệp, chiến lược phát triển bền vững và chiến lược kinh doanh nói chung sẽ là một.

 

Tích hợp hơn

Các doanh nghiệp đang bắt đầu tìm cách ghép báo cáo thường niên của mình với báo cáo phát triển bền vững. Trong hầu hết trường hợp, cho đến giờ, kết quả là không mấy ấn tượng. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi các công ty gắn phát triển bền vững vào chiến lược, hoạt động và sản phẩm của mình. Khi yếu tố bền vững hòa quyện vào mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp thì việc chúng không tách rời nhau trong các báo cáo cũng là lẽ đương nhiên. Nó cũng tiện cho việc theo dõi của chính doanh nghiệp lẫn các bên liên quan và được khuyến nghị bởi các tổ chức quản lý thị trường chứng khoán trên thế giới.

 

Tương tác hơn

Khi việc làm báo cáo phát triển và công nghệ cho phép, các tổ chức sẽ có thể đối thoại trực tiếp hơn với công chúng có liên quan thông qua nhiều hình thức, từ khảo sát trực tuyến cho đến các cuộc đàm luận trên mạng xã hội. Những công ty dành thời gian lắng nghe và đáp ứng lợi ích của các bên liên quan sẽ có nhiều thuận lợi hơn để lập được các báo cáo thiết thực và hiệu quả. Và quan trọng hơn, ngoài báo cáo, các cuộc trò chuyện với các bên liên quan có thể cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích, giúp tăng hiệu quả kinh doanh nói chung.

 

Tất cả cho một thay đổi lớn

Các báo cáo tài chính được chuẩn hóa đã gia tăng mạnh mẽ số người sẵn sàng sở hữu và giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ diễn ra tương tự với các báo cáo phát triển bền vững minh bạch và chuẩn hóa. Kết quả sẽ là một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của xã hội rằng, các tác động môi trường và xã hội của doanh nghiệp là có thể định lượng được. Nó cũng đem lại cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân khác một cách để chọn lựa sản phẩm, dịch vụ - sự đền đáp cho những hành động có trách nhiệm. Lợi ích của sự phát triển này sẽ thuộc về… tất cả mọi người.

10 xu hướng báo cáo phát triển bền vững ảnh 2