Lợi nhuận của Afiex chủ yếu tới từ hoạt động kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Lợi nhuận của Afiex chủ yếu tới từ hoạt động kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Afiex (AFX): Cơ hội và thách thức hậu thoái vốn Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Gần 2 năm kể từ khi Nhà nước thoái vốn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang - Afiex (mã AFX) vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt trong việc tái cấu trúc.

Chuyển biến

AFIEX được biết tới là một trong những doanh nghiệp đầu ngành khu vực phía Nam hoạt động trong 2 lĩnh vực là lương thực và thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Trước khi thoái vốn, AFIEX được đánh giá cao khi sở hữu quỹ đất rất lớn tại An Giang và Cần Thơ phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, với thời hạn sử dụng đến sau năm 2040, thậm chí xa hơn, nhiều diện tích đất là đất lâu dài.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, dù được đánh giá rất cao, nhưng trong một thời gian dài, AFIEX rơi vào giai đoạn khủng hoảng, từ vị thế một trong những thương hiệu nông sản lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, dần dần thoái trào và mất vị thế vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Những chuyển biến tại AFIEX diễn ra từ đầu năm 2021 khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái ra 51% vốn và Sau đó, PVI tiếp tục thoái vốn khỏi AFIEX, thay thế bởi nhóm cổ đông là nhóm nhà đầu tư chuyên về tái cấu trúc doanh nghiệp. Việc có những cổ đông chiến lược mới được kỳ vọng Afiex sẽ có nhiều thay đổi sau giai đoạn dài rơi vào khủng hoảng trước đó.

Một trong những động thái của nhóm cổ đông mới là tập trung vào tái cấu trúc lại nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh của AFIEX, bên cạnh kết nối và mở rộng lại quy mô hoạt động sau giai đoạn co hẹp từ thời chịu sự quản lý của Nhà nước trước đó. Số lượng đại lý và đối tác kinh doanh gia tăng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 424,1 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng mạnh các khoản phải thu từ các đơn vị bán hàng và đại lý phân phối, bao gồm Green Buy Vietnam, LOCBTH Việt Nam, Thiên Kim Việt Nam,….

Ban lãnh đạo AFIEX cho biết, đây là đều là các khoản công nợ từ các đại lý, đối tác bán hàng có khả năng thu hồi tốt và các khoản phải thu như vậy thường là đặc thù của ngành sản xuất và kinh doanh nông sản nói chung. Các sản phẩm chủ lực hiện nay đều là các sản phẩm có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường như gạo ST25, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho gia cầm nhận được sự quan tâm đông đảo của đối tác.

Việc tái cấu trúc và đẩy mạnh mở rộng quy mô hoạt động sau giai đoạn khó khăn trước đây buộc AFIEX phải bổ sung thêm các nguồn vốn mới. Từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022, Afiex đã tăng vay nợ 13,6 lần, tương ứng tăng thêm 397 tỷ đồng, lên 426,5 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chỉ chiếm 6,7% tổng nguồn vốn), chủ yếu là các nguồn vốn vay ngân hàng, được đảm bảo bởi các tài sản là hệ thống sản xuất sẵn có AFIEX.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, lợi thế quan trọng cho AFIEX là do công ty này sở hữu quỹ đất lớn ở miền Tây, và định hướng của AFIEX là tiếp tục phát triển vùng nuôi trồng thủy sản và gia súc và phát triển lĩnh vực kho bãi, logistics trong lĩnh vực nông sản.

Được biết, riêng tại Cần Thơ, Afiex đang sử dụng và quản lý khu đất rộng 309 m2 tại số 34 - 36 Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long; khu đất 1.030 m2 tại phường Bình Khánh; khu đất 5.900 m2 tại xã Mỹ Khánh; khu đất 2.730 m2 tại xã An Hòa; khu đất 2.341 m2 tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn; khu đất 761 m2 tại phường Mỹ Thạnh; khu đất rộng 37.888 m2 tại ấp Long Hòa, xã Long Giang; khu đất 24.959 m2 tại ấp Bình Tây 1, Phú Bình và hai khu đất tại ấp Vĩnh Mỹ có tổng diện tích 26.332 m2; 455 m2 tại xã Hòa An. Ngoài ra, Công ty cũng sở hữu hơn 10 khu đất thuê với tổng diện tích gần 500.000 m2 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của AFIEX ghi nhận 997,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 27,1 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước.

Thách thức hiện nay, mảng nông sản và thức ăn chăn nuôi cũng còn đối mặt nhiều khó khăn khi nền kinh tế năm tới được dự báo ở mức độ ảm đạm hơn so với trước. Việc áp lực lãi vay tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng sẽ đặt Ban lãnh đạo mới của AFIEX nhiều câu hỏi khó hơn phải giải.

Cùng với đó là các thách thức cộng thêm đối với doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng các mặt hàng nông sản/thuỷ sản xuất khẩu - khi mà yêu cầu về chất lượng hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn; Nhất là để có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan tại những thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu), UKVFTA (Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Bắc Ailen) và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Tin bài liên quan