Kênh giao dịch hàng hóa vẫn còn rất mới mẻ với nhà đầu tư

Kênh giao dịch hàng hóa vẫn còn rất mới mẻ với nhà đầu tư

Ẩn số thị trường hàng hóa năm 2012

(ĐTCK) Ngay những ngày đầu năm 2012, thị trường hàng hóa đã gặp những phiên chao đảo mạnh.

Mặc dù giao dịch hàng hóa phái sinh xuất hiện sau TTCK, nhưng đến nay, theo số liệu thống kê của Liên đoàn các sàn giao dịch trên thế giới (World Federation of Exchanges - WFE), quy mô thị trường này đã lớn hơn gấp nhiều lần so với TTCK. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của thị trường hàng hóa là rất lớn.

Kênh đầu tư này cũng cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các kênh truyền thống. Thứ nhất, nhờ có nghiệp vụ giao dịch ký quỹ mà nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường giá lên hoặc giá xuống. Thứ hai, thông qua việc cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận. Thứ ba, kênh đầu tư vào hàng hóa phái sinh là một trong những kênh đầu tư có chức năng bảo toàn được giá trị tài sản trong giai đoạn lạm phát đang tăng cao như hiện nay. Ngoài ra, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh có tính toàn cầu hóa rất lớn, vì vậy, sự tương quan với thế giới sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhiều khả năng tìm kiếm cơ hội, mà không sợ sự lai dắt bất thường của các thị trường cục bộ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam , kênh giao dịch hàng hóa vẫn còn rất mới mẻ với nhà đầu tư. Ngoài những khó khăn nội tại của các sàn, năm 2012, yếu tố kinh tế vĩ mô được nhận định sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động đầu tư của thị trường. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn buộc Chính phủ phải sử dụng các chính sách tiền tệ chặt chẽ để bình ổn kinh tế vĩ mô. Điều này tác động đến dòng vốn của nhà đầu tư tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện các giao dịch truyền thống, tức là mua bán giao ngay hoặc thỏa thuận dựa trên các mối quan hệ. Mức độ giao dịch phổ biến và có liên quan tới hàng hóa phái sinh vẫn chỉ dừng lại ở các hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Điều này một phần xuất phát từ thói quen của doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, do doanh nghiệp bị hạn chế về vốn nên họ phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng và các đối tác thu mua, trong đó chủ yếu là các đối tác nước ngoài.

Trong giai đoạn 2006 - 2007, có nhiều doanh nghiệp mà chủ yếu là doanh nghiệp cà phê Việt Nam tham gia giao dịch trên các sàn quốc tế như Sàn giao dịch hàng hóa London (Liffe) và Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn New York (Ice). Do mới làm quen, thiếu thông tin và chưa có nhiều kinh nghiệm giao dịch nên nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy bi quan và xem thị trường hàng hóa phái sinh như là một thị trường đầu cơ.

Tác động của các chính sách, nhận định và biến động ở các thị trường mang tính liên thông ảnh hưởng rất lớn đến thị trường hàng hóa trên thế giới. Ngay những ngày đầu năm 2012 này, thông tin Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng của 9 nước thành viên Khu vực đồng euro đã khiến giá trị đồng tiền chung châu Âu sụt giảm mạnh, kéo theo giá của hàng loạt mặt hàng như vàng, dầu… lao dốc, thị trường nông sản “đỏ lửa”. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá ca cao giao sau giảm 57 USD/tấn, tương đương giảm 2,45%, xuống còn 2.269 USD/tấn. Giá ngô, gạo, giá đậu tương đều giảm từ 1 - 2%. Giá cà phê arabica giảm gần 4%.

Với việc đưa phần mềm MT5 vào giao dịch, giá hiển thị tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam trong năm nay được kỳ vọng sẽ theo sát giá thế giới. Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị nắm bắt thật chắc thông tin về thị trường thế giới, đồng thời tham khảo những nhận định, đánh giá của các hiệp hội ngành hàng trong nước để từ đó có quyết định hợp lý khi giao dịch. Bên cạnh đó, với giao dịch hàng hóa, nhà đầu tư nhất định phải học thói quen tuân theo kỷ luật chốt lời, cắt lỗ và chọn một nhà môi giới có uy tín để gửi gắm tài sản của mình.