Petrolimex đang phải chịu áp lực bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho các cơ sở phân phối xăng dầu tư nhân.

Petrolimex đang phải chịu áp lực bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho các cơ sở phân phối xăng dầu tư nhân.

Áp lực với những đầu tàu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Petrolimex lỗ trong 6 tháng đầu năm và vẫn đứng trước nguy cơ bị tác động tiêu cực, EVN có tình hình tài chính không mấy sáng sủa, còn tại PVN, một số mỏ dầu khí lớn đang trên đà suy giảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021 (một số nội dung có cập nhật số liệu của năm 2022) gửi đại biểu Quốc hội.

Đây là báo cáo định kỳ hàng năm, nhưng năm nay có riêng một mục "Đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc ngành lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2021".

Áp lực và chịu thiệt

Năng lượng, vận tải, viễn thông, du lịch là bốn lĩnh vực xuất hiện trong phần được coi là có biến động lớn tại báo cáo.

Ở lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được nhắc đến đầu tiên với thực tế là sản lượng khai thác dầu từ năm 2016 - 2021 trên đà suy giảm (dự kiến năm 2022 là 8,21 triệu tấn, năm 2023 là 7,49 triệu tấn).

Năm 2021, theo số liệu hợp nhất, doanh thu của PVN đạt 381.989 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 51.700 tỷ đồng, vượt 3,02 lần kế hoạch, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2020. Năm nay, ước tính, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 457.937,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 69.462 tỷ đồng.

Theo báo cáo, hiện PVN gặp một số khó khăn, vướng mắc như một số mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định, đang trên đà suy giảm tự nhiên; biến động địa chính trị, tranh chấp quốc tế và tình hình phức tạp trên biển Đông; xu hướng chuyển dịch năng lượng và năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh, mạnh đã ảnh hưởng đến huy động khí, sản xuất điện của PVN và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển mỏ khí; biến động giá cả nguyên vật liệu tác động mạnh tới chi phí đầu vào của sản xuất và chi phí của các dự án đầu tư, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư…

Vẫn trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được nhắc đến với tổng doanh thu và thu nhập năm 2021 là 170.969 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 3.124 tỷ đồng. Ước tính năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 263.900 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện Petrolimex khó khăn về nguồn cung do vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu bên ngoài hạn chế bán hàng, tạo áp lực bù đắp sản lượng thiếu hụt lên Tập đoàn. Trong khi đó, chi phí thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán theo quy định của Nhà nước, dẫn tới kết quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Các yếu tố tác động từ thị trường thế giới chủ yếu là sự biến động của giá dầu và các yếu tố chính trị, lạm phát vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn, khó dự báo trong năm 2022 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cái tên tiếp theo được điểm danh tại báo cáo với lưu ý về một đặc điểm đặc biệt của hệ thống năm 2021 là sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, giảm 1,47% so với năm 2020. Một trong các lý do là điện sản xuất từ điện mặt trời, điện gió tăng cao đã được truyền tải trực tiếp vào lưới phân phối cấp cho phụ tải.

Theo số liệu hợp nhất, tổng doanh thu đạt 441.715 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2020); lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 17.991 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2020).

Năm 2022, theo báo cáo năm 2021, với tình hình giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng đột biến, mặc dù đã thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất điện của EVN, chi phí khâu truyền tải, phân phối và phụ trợ năm 2022 (các chi phí đều giảm chỉ bằng 92,8 - 95,7% so với năm 2021), nhưng trong điều kiện chi phí mua điện ngoài EVN (chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 74,5% trong giá thành điện thương phẩm) tăng 12,1%, dẫn đến tình hình tài chính năm 2022 của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Dự án đầu tư ra nước ngoài khởi sắc

Về tình hình thực hiện đầu tư ra nước ngoài, Bộ trưởng Tài chính thông tin, đến ngày 31/12/2021, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư 137 dự án ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Năm 2021, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 43,63 triệu USD tại 21 dự án, chủ yếu tại các dự án của PVEP/PVN (18,88 triệu USD), Viettel (15 triệu USD), TCT Hợp tác kinh tế QK4 (3,38 triệu USD); Tập đoàn Cao su Việt Nam - VRG (2,92 triệu USD).

Dầu khí, viễn thông và trồng, chế biến mủ cao su tiếp tục là ba lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, chiếm 96% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.

Về kết quả sản xuất - kinh doanh, theo báo cáo năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 7.786,56 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020. Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD (tăng 90% so với năm 2020). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD (tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020).

Tuy nhiên, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020). Các dự án trong lĩnh vực viễn thông chiếm tỷ trọng lớn trong số dự án thua lỗ (8 dự án viễn thông bị lỗ với tổng số lỗ là 293,32 triệu USD), chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các dự án tại thị trường Myanmar của Viettel là 246,98 triệu USD do thị trường Myanmar có chính biến, tỷ giá biến động mạnh và lỗ kinh doanh tại thị trường Tanzania là 43,93 triệu USD do chính sách thắt chặt quản lý thông tin thuê bao của chính phủ và các loại thuế, phí cao).

Đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,1 triệu USD (giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020).

Bộ trưởng Tài chính nhìn nhận, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài có sự chuyển biến tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020 (tương ứng tăng 40% và 90%), số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng so với năm 2020 (gấp 2,4 lần năm 2020). Kết quả thu hồi vốn về Việt Nam của các dự án tăng mạnh so với năm 2020 (tăng 261 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020).

826 doanh nghiệp lãi 205.045 tỷ đồng

Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp này là 1.671.574 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.508.768 tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng).

Tổng tài sản toàn khối là 3.749.867 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Có 90/826 doanh nghiệp (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng.

Phấn đấu năm 2025 có ít nhất 25 doanh nghiệp tỷ đô

Tại báo cáo, Chính phủ xác định đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

- 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận các nguyên tắc quản trị của OECD.

- Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước.

- Có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD...

Tin bài liên quan