Bạc Liêu hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển năm 2030, Bạc Liêu sẽ thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.
Bạc Liêu hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch

Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua hôm 28/7, với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo Quy hoạch là Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Định hướng đến năm 2050, Bạc Liêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá toàn diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bền vững 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nhanh kinh tế xanh, ngày càng dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn đổi mới sáng tạo không ngừng.

Với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch, Bạc Liêu dự kiến đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khổi...), tiếp tục tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Đến năm 2030, sản xuất năng lượng sạch đóng góp 70 - 75% chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thêm hàng năm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt 12.161 MW điện gió, 6.000 MW điện mặt trời và 30 MW điện sinh khối.

Dự kiến, 44 dự án điện gió mà tỉnh đã trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch Điện VIII (với tổng công suất 7.810,6 MW), Dự án điện khí LNG 3.200 MW; Dự án Khu phức hợp năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm công nghệ cao quy mô 500 ha tại huyện Hòa Bình sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động trong kỳ quy hoạch tỉnh đến năm 2030; các dự án điện khí và điện mặt trời còn lại có thể chậm hơn vào sau năm 2030.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, công suất phát nguồn điện gió của Bạc Liêu hiện là 469,2 MW, trong khi tiềm năng có thể khai thác lên khoảng 13.000 MW trong những năm tới. Bạc Liêu sẽ khuyến khích đầu tư các dự án điện gió ven biển kết hợp với phát triển du lịch, các dịch vụ tham quan, tắm biển nhân tạo, ẩm thực, du lịch sinh thái. Phát triển ngành điện dọc khu vực ven biển còn góp phần kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Về chính sách, giải pháp thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng, Bạc Liêu đã bố trí đủ diện tích đất đai cho các dự án điện dự kiến, khoảng 6.500 ha, phân bố chủ yếu dọc bờ biển thuộc các địa phương như TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, kể cả bố trí ở khu vực biển ven bờ để giảm áp lực lấy đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Đồng thời, khuyến khích phát triển các dự án sản xuất năng lượng tái tạo không nối lưới, trực tiếp phục vụ nhu cầu năng lượng cho sản xuất, dịch vụ mà không cần đầu tư ngay lưới truyền tải.

Góp ý cho vấn đề này, PGS-TS. Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng, Quy hoạch mới chỉ nói đến các trại điện gió dọc bờ biển và biển gần bờ, nhưng cũng cần xem xét tiềm năng từ các dự án đầu tư điện gió ngoài khơi (offshore).

Đồng tình với định hướng phát triển các dự án điện tái tạo không nối lưới để phục vụ các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đại diện Bộ Công thương cho rằng, Bạc Liêu cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư phát triển các ngành khác để tăng phụ tải, khai thác hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, Quy hoạch sau khi được hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt, sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển của địa phương một cách bài bản, khoa học, hiệu quả và khả thi.

Theo ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

Tin bài liên quan