Bán công ty chứng khoán kiểu… "cho không"

Bán công ty chứng khoán kiểu… "cho không"

(ĐTCK) Thời gian gần đây, nhu cầu chuyển nhượng sở hữu tại CTCK vẫn lớn, nhưng điều này không đúng với những CTCK có tình hình tài chính bết bát.

1 tháng, 3 CTCK đổi chủ

Chỉ trong tháng 5, đã có tới 3 CTCK công bố thông tin về việc thay đổi sở hữu của cổ đông lớn. Cụ thể, Chứng khoán VIT “thay máu” 100% số cổ đông đang sở hữu. Theo đó, 3 cổ đông cũ là CTCP Tập đoàn VIT (chiếm 63,02% vốn), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (chiếm 36,55% vốn) và ông Nguyễn Trí Quang (chiếm 0,43% vốn) bán cổ phần cho 3 NĐT mới là: CTCK Arts Securities Co Ltd (Nhật Bản, mua 19,9% vốn), Công ty TNHH Việt Nam Investment Partners (mua 75,1% vốn), ông Phạm Đình Quý (mua 5% vốn). Tại CTCP Chứng khoán Hùng Vương, bà Nguyễn Thị Lan Anh bán toàn bộ số cổ phần đang sở hữu, chiếm 14,94% vốn điều lệ cho ông Tong Chin Hen. Với việc mua này, ông Tong Chin Hen đã nâng số cổ phần nắm giữ lên hơn 2,28 triệu cổ phần (45,51% vốn điều lệ) Chứng khoán Hùng Vương. Trường hợp còn lại là CTCP Chứng khoán Châu Á, cổ đông lớn là Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh giải pháp đã bán toàn bộ 21,86% vốn điều lệ cho CTCP Thương mại và Dịch vụ Hoàn Lộc Việt.

Bán công ty chứng khoán kiểu… "cho không" ảnh 1

Thực tế, tình trạng chuyển dịch cổ đông, thành viên góp vốn tại các CTCK đã diễn ra khá mạnh mẽ từ hơn 2 năm trở lại đây, chủ yếu rơi vào nhóm CTCK có quy mô vốn nhỏ, nằm ngoài Top 20 CTCK có thị phần môi giới lớn. Kinh tế khó khăn khiến nhiều ông chủ muốn tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính, thoái bớt vốn đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ như chứng khoán, dẫn đến nhu cầu chuyển nhượng cổ phần ở các CTCK tăng lên.

 

CTCK yếu bán kiểu... “cho không”

Hai năm trước, giấy phép hoạt động một CTCK “sạch” được các ông chủ định giá hàng chục tỷ đồng. Ở thời điểm này, nhu cầu mua lại CTCK vẫn lớn, bởi giấy phép hoạt động CTCK không chỉ có giá vì cơ quan quản lý không cấp mới CTCK, mà còn vì nhiều tổ chức lớn muốn sử dụng CTCK như một công cụ để làm đẹp báo cáo tài chính, hoặc tổ chức trung gian để xử lý các kỹ thuật liên quan đến luồng tiền. Chưa kể, nhiều NĐT, nhất là NĐT nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội từ TTCK. Tuy nhiên, điều này không đúng với những CTCK có tình hình tài chính quá bết bát.

Trao đổi với ĐTCK, một NĐT cho biết, ông đang cân nhắc mua CTCK với giá tượng trưng về làm. Tất nhiên, việc mua CTCK phải đi kèm với điều kiện là ông thỏa thuận được với chủ cũ của CTCK cũng như các chủ nợ để giải bài toán tồn tại cho CTCK. Theo vị này, hiện không quá khó để tìm được một CTCK làm ăn thua lỗ, nhất là CTCK về bản chất đang bị âm vốn chủ sở hữu do phải chịu các nghĩa vụ tài chính tiềm tàng, nhưng do đặc điểm của các khoản này (ví dụ ủy thác đầu tư, trung gian cho vay khách hàng…) nên đến nay vẫn chưa hạch toán vào báo cáo tài chính.

“Trong quá khứ, nhiều chủ CTCK muốn duy trì công ty chỉ để chờ cơ hội bán được giấp phép kinh doanh, chứ xác định không thu hồi được vốn góp. Nay giấy phép CTCK không còn “hot” nữa, nên trên thị trường đã có hiện tượng cổ đông của CTCK yếu chấp nhận bán rẻ CTCK để giải phóng nghĩa vụ tài chính tiềm tàng”, vị này nói.

 

Nhiều rủi ro khó lường

Tất nhiên, ở những CTCK vẫn cầm cự được, đặc biệt là có tình hình tài chính lành mạnh, thì giấy phép thành lập CTCK vẫn có giá, nhất là đối với các NĐT nước ngoài khu vực châu Á. Nhưng như thế không có nghĩa là việc mua lại những CTCK nhóm này không tiềm ẩn những rủi ro.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, Chủ tịch HĐQT một CTCK (trong diện kiểm soát đặc biệt) đang kêu trời vì vướng họa. Theo đó, cuối năm 2011, nhóm cổ đông do ông làm đại diện mua lại vốn tại công ty này, khi đó có tình hình sổ sách kế toán tương đối sạch (dù thua lỗ gần hết vốn chủ sở hữu). Do tập trung vào môi giới vốn, nên về cơ bản, hoạt động của CTCK sau khi được nhóm cổ đông mới tiếp cận duy trì được tình trạng lấy thu bù chi. Nhưng chiến lược mới chưa thực hiện được bao lâu thì CTCK này phát sinh vấn đề.

Đầu năm 2013, Công ty ông nhận được khiếu nại của khách hàng liên quan đến sự việc từ cuối năm 2009. Theo khiếu nại này, khách hàng đã nộp vào tài khoản 10 tỷ đồng năm 2009, sau đó ủy quyền toàn phần cho môi giới thực hiện giao dịch theo chỉ định. Nhưng qua “bàn tay ảo thuật” của môi giới, số tiền của khách hàng trong tài khoản chỉ còn 1 tỷ đồng, dù môi giới vẫn báo cáo hàng ngày về số tiền 10 tỷ đồng cho khách. Sự việc chỉ vỡ lở khi môi giới này nghỉ việc hồi năm 2012. Trong trường hợp này, lỗi không do cổ đông mới gây ra, nhưng CTCK vẫn phải đau đầu tìm cách thương lượng, vì dù ai sở hữu, thì vẫn là một pháp nhân, vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vấn đề là, CTCK đã thua lỗ gần hết vốn chủ, lấy đâu ra 9 tỷ đồng để bồi thường cho khách hàng?