Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) - Ảnh: M.Minh

Băn khoăn giá khởi điểm đấu giá biển xe ô tô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng tình với việc thí điểm đấu giá biển xe ô tô song một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về giá khởi điểm bao nhiêu là hợp lý...

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội sáng 26/10, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh An Giang) chia sẻ một số quan điểm liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo ông Sinh, vấn đề ông băn khoăn là với mức giá khởi điểm đang đề xuất là 40 triệu đồng đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 20 triệu đồng đối với các tỉnh thành còn lại, chắc chắn sẽ phát sinh vấn đề là một số biển số rất đẹp có giá rất cao sẽ không được ai mua.

"Trường hợp này thì phương án xử lý những biển số đó sẽ thế nào? Sẽ nhập kho đấu giá hay sao? Như vậy rất lãng phí", ông Sinh nói.

Vấn đề băn khoăn thứ hai của vị đại biểu là với mức giá khởi điểm chênh lệch nói trên giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành còn lại, có thể sẽ dẫn đến tình trạng là một số người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đổ xô về các tỉnh để tham gia đấu giá biển số xe với mức giá khởi điểm chỉ bằng một nửa.

"Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm. Để giải quyết, cá nhân tôi cho rằng chỉ nên áp dụng một mức giá khởi điểm để công dân ở tỉnh, thành phố lớn hay huyện nhỏ nếu có nhu cầu và khả năng thì đều có thể mua ở tại địa bàn mình sinh sống", ông Sinh khuyến nghị.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị thống nhất chọn một giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số xe ô tô; đồng thời thống nhất nội dung: Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm; đấu giá trực tuyến; trình tự, thủ tục đấu giá phải theo các quy định pháp luật về đấu giá.

"Nếu không quy định cụ thể biển số đó được gắn cho bao nhiêu chiếc xe sẽ dẫn đến tình trạng người dân có thể gắn một biển số đẹp đã mua đấu giá lên nhiều xe thì rất khó cho cơ quan quản lý".

(Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu)

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng băn khoăn trong dự thảo Nghị quyết không quy định rõ “thế nào là biển số xe đẹp” và có danh mục “biển số xe đẹp”.

Bà Yến cho rằng, cần “thành lập hội đồng quyết định và đưa ra danh mục biển số xe đẹp” để người có nhu cầu lựa chọn biển số và tham gia đấu giá.

Tại tổ thảo luận khác, đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nêu quan điểm, việc quy định giá khởi điểm theo vùng 1 (40 triệu đồng) và vùng 2 (20 triệu đồng) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc.

Chung quan điểm với đại biểu Trình Lam Sinh ở trên, ông Gia cũng đề nghị chỉnh sửa giá khởi điểm áp dụng thống nhất trên toàn quốc và mức khởi điểm đó bằng mức lệ phí nộp vào khi tham gia đấu giá, mức đó là bao nhiêu thì cần có phương pháp tính toán phù hợp để đảm bảo mọi người dân đều có quyền bình đẳng lựa chọn biển số tham gia đấu giá.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu tại tổ sáng 26/10 (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu tại tổ sáng 26/10 (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Ngoài ra, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề xuất quan tâm điều chỉnh tên gọi nghị quyết gọn rõ hơn; cần mở rộng kho biển số đưa ra đấu giá; phương pháp tính giá khởi điểm cần phù hợp để tăng thu ngân sách; làm rõ phương pháp xác định “biển đẹp”, biển theo sở thích; bên cạnh đấu giá hình thức trực tuyến, cần chọn các biển đặc biệt nhiều người quan tâm để đưa ra đấu giá trực tiếp; quan tâm tăng điều tiết nguồn thu từ đấu giá cho địa phương; làm rõ xử lý các trường hợp bất khả kháng; bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; bổ sung trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên; đề xuất thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2023 và sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trong khi đó, đại biểu Trần Công Phàn (Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đoàn Bình Dương) băn khoăn những số nào đạt tiêu chí là đẹp để mang ra đấu giá? Ai quyết định biển số nào là đẹp? Biển xe có nhất thiết phải gắn với xe không hay là chưa có xe ô tô cũng có thể tham gia đấu giá biển xe ô tô?... Những vấn đề này rất khó lượng hóa nhưng là việc phải làm.

Trước đó, sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo chương trình kỳ họp, sáng 2/11 Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết này, trước khi ấn nút thông qua vào chiều 15/11.

Tin bài liên quan