Bảo Việt: Vươn lên tầm cao mới

Bảo Việt: Vươn lên tầm cao mới

(ĐTCK) Giữ vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với 24% thị phần, đồng thời thuộc tốp đầu khối bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt luôn chứng tỏ bản lĩnh vững vàng kể cả trong thời gian khó.

Trong khó khăn, mảng bảo hiểm vẫn tăng trưởng ổn định với mức cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường, góp phần gia tăng lợi nhuận cho Tập đoàn Bảo Việt. Với đà này, Bảo Việt đang trên con đường hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2012 như đã từng chinh phục đỉnh Fansipan thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn tới những tầm cao mới. ĐTCK có cuộc trò chuyện với TS. Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt.

Trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, không ít DN phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, liệu Tập đoàn Bảo Việt có hoàn thành kế hoạch kinh doanh?

Trong bối cảnh tăng trưởng của thị trường bảo hiểm năm 2012 giảm sút rõ rệt so với tốc độ tăng trưởng của năm 2011, Bảo Việt vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định, vững chắc về doanh thu và lợi nhuận, giúp Bảo Việt gia tăng về thị phần. Đây là kết quả của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa tập trung, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp và năng suất của hệ thống phân phối. 

Hiện Bảo Việt chiếm lĩnh khoảng 29% thị phần mảng bảo hiểm nhân thọ

9 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu từ hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ đạt 4.393 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6%, cao hơn mức bình quân của thị trường; LNTT đạt 303 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2011. Bảo Việt giữ vị trí số 1 của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với 24% thị phần.

Tổng doanh thu từ hoạt động bảo hiểm nhân thọ đạt 3.719 tỷ đồng tăng trưởng 13,8%; LNTT đạt 503 tỷ đồng, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng doanh thu bảo hiểm nhân thọ vượt mức tăng trưởng bình quân của thị trường, góp phần gia tăng thị phần của Bảo Việt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đạt 29%. Doanh thu khai thác mới đạt 765 tỷ đồng, tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Với diễn biến tình hình thị trường và tiến độ triển khai các giải pháp tới cuối năm, Bảo Việt sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và dự kiến hoàn thành kế hoạch lợi nhuận kinh doanh. 

Mới đây, hơn 80 cán bộ Bảo Việt đã chinh phục đỉnh Fansipan thành công, thể hiện quyết tâm vượt qua thử thách, đoàn kết, năng động, vươn tới những tầm cao mới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

 

Thị trường bảo hiểm càng khó khăn thì hình ảnh của Bảo Việt càng được nhắc đến nhiều như một thương hiệu điển hình mang lại niềm tin cho người tham gia bảo hiểm. Dù đang ở vị thế của người dẫn đầu thị trường trên cả hai mảng bảo hiểm phi nhân thọ lẫn bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt vẫn nhận thức được thách thức trên thị trường hiện nay và có những giải pháp, hướng đi phù hợp?

Là DN hoạt động đầu tiên tại thị trường Việt Nam từ năm 1965, Bảo Việt có nhiều lợi thế với kinh nghiệm tích luỹ được sau gần 50 năm phát triển. Bảo Việt luôn trong nhóm đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm, sản phẩm dịch vụ đa dạng, kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc, ổn định. Hơn thế, Bảo Việt còn được biết đến là một thương hiệu uy tín, minh bạch, thân thiện và trách nhiệm với cộng đồng, điều này đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận thông qua nhiều giải thưởng danh giá.

Trước những thách thức của phát triển, chiến lược của Bảo Việt trong thời gian qua là tập trung xây dựng “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới”. Nền tảng mới được thiết lập trên cơ sở xây dựng hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, công khai và minh bạch; xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tập trung; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động và thực hành tiết kiệm chi phí; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, cũng như chú trọng phát triển các thị trường trọng điểm; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý rủi ro. Một Bảo Việt thể hiện dưới một thương hiệu thống nhất, tập trung và phát huy lợi thế sức mạnh của cả tập đoàn trong phục vụ nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng. Đây là nền tảng quan trọng để Bảo Việt tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ khách hàng và tạo đà tăng trưởng mạnh hơn trong các bước phát triển chiến lược tiếp theo.    

 

Dù doanh thu phí bảo hiểm trên thị trường luôn có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm, nhưng không thể phủ nhận rằng người dân hiện vẫn chưa thực sự tin dùng bảo hiểm. Là “người anh cả”, Bảo Việt chắc hẳn từng trăn trở về vấn đề này?

Mặc dù doanh thu của thị trường bảo hiểm luôn tăng trưởng ổn định từ 15% tới 20% trong 5 năm qua, tuy nhiên tỷ lệ phí bảo hiểm so với GDP dưới 2%. Bình quân 100 người dân thì mới có 5 người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Điều này thể hiện thị trường mới phát triển ở giai đoạn đầu, thu nhập và việc “tin dùng” bảo hiểm chưa cao. Đây vừa là cơ hội và vừa là thách thức đối với các DN bảo hiểm.

Là DN bảo hiểm dẫn đầu với vốn đầu tư chi phối của Nhà nước, Bảo Việt nhận thức rõ vai trò trong phát triển thị trường, phục vụ người dân trước tiên bằng việc luôn tiên phong đưa ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng; cung cấp các dịch vụ khách hàng vượt trội như cứu hộ xe cơ giới, trung tâm dịch vụ, trả lời khách hàng phục vụ 24/24, đề cao và tuân thủ các chuẩn mực chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh của thị trường. Bảo Việt cũng là DN chủ chốt và tích cực trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo đề án triển khai bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ - một lĩnh vực có nhiều khó khăn và phức tạp - với doanh số hiện nay là 98 tỷ đồng và dự kiến 120 tỷ đồng cho kế hoạch cả năm 2012. Bảo Việt cũng luôn chủ động và tích cực tham gia nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới khác do Chính phủ khuyến khích phát triển. 

Do thị trường mới phát triển, nhiều khách hàng chưa hiểu rõ và chưa có nhu cầu về bảo hiểm, một số khác mặc dù mua bảo hiểm nhưng cũng chưa hiểu thật rõ quyền lợi bảo hiểm. Do vậy, việc truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của việc mua bảo hiểm là rất cần thiết. Bảo Việt đã đẩy mạnh truyền thông về bảo hiểm thông qua đội ngũ tư vấn viên sâu qua mạng lưới sâu rộng trên toàn quốc, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầu tư vào hoạt động của trung tâm phục vụ khách hàng. 

 

Năm 2013, dự kiến thị trường bảo hiểm sẽ như thế nào? Bảo Việt sẽ vượt khó ra sao, thưa ông?

Năm 2012, những khó khăn của nền kinh tế đã có những tác động trực tiếp đến lĩnh vực bảo hiểm, do vậy thị trường bảo hiểm đã có tốc độ tăng trưởng giảm sút đáng kể so với năm 2011, dự kiến chỉ đạt tăng trưởng ở mức 12 - 13%. Năm 2013, với các dự báo về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và các khó khăn hiện hữu của kinh tế thì mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm cũng khó có thể khả quan hơn 2012. Đây là một thách thức đối với các DN bảo hiểm và lĩnh vực kinh doanh chủ chốt bảo hiểm của Bảo Việt nói riêng. Tuy nhiên, những giải pháp của Chính phủ trong triển khai Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm tới 2015 định hướng tới năm 2020, các giải pháp tái cấu trúc sẽ giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh và tạo đà cho sự phát triển của DN và thị trường.     

Bảo Việt: Vươn lên tầm cao mới ảnh 2

Là một công ty đại chúng, Bảo Việt luôn đáp ứng cao nhất nhu cầu minh bạch thông tin của cổ đông và thị trường. (Ảnh trên: bà Nguyễn Thị Phúc Lâm (giữa), Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt nhận Giải đặc biệt trong Cuộc bình chọn báo cáo thường niên của các DN niêm yết năm 2012)

Đối với Bảo Việt, năm 2013 sẽ là một năm bản lề quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện chiến lược tới 2015. Với các thành tựu và kết quả đã đạt được trong việc xây dựng “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới” sau một chặng đường 5 năm kể từ khi cổ phần hóa, Bảo Việt sẽ có những bước đi vững chắc hơn nữa trong triển khai thực hiện giai đoạn chuyển đổi “mô hình kinh doanh” với trọng tâm tập trung vào việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là đối với khách hàng cá nhân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị, công nghệ thông tin; hoàn thiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa tập trung và phát triển thương hiệu, chiếm được lòng tin của khách hàng.