Có thể cùng một bộ sofa, nhưng đặt ở các vị trí showroom, đơn vị phân phối khác nhau thì giá cả cũng khác nhau. Ảnh: Kim Đức

Có thể cùng một bộ sofa, nhưng đặt ở các vị trí showroom, đơn vị phân phối khác nhau thì giá cả cũng khác nhau. Ảnh: Kim Đức

Bát nháo thị trường sofa

(ĐTCK) Cũng như thị trường nội thất nói chung, thị trường sofa Việt Nam hiện nay, các showroom cũng có không ít chiêu trò để lừa gạt người tiêu dùng.

Đắt không... "xắt ra miếng"

Thị trường sofa Việt Nam hiện nay có nhiều chủng loại, sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ khác nhau, từ hàng nội địa, đến hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, hay cao cấp hơn là Ý, Đức… Các sản phẩm nhập khẩu thường có giá cao, thậm chí có bộ sofa có giá lên tới cả trăm triệu đồng.

Trong khi đó, đa số khách hàng mua sofa có điều kiện kinh tế khá giả và thường có tâm lý sính ngoại, nên sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua bộ sofa. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại rất thiếu thông tin và khiến thức về mặt hàng này, nên đa số lựa chọn theo cảm tính.

“Giá càng cao hàng càng chất lượng”, “nơi nào càng sang trọng thì nơi đó sẽ có sản phẩm tốt”… Đây là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng Việt Nam khi đi mua sofa. Chính vì vậy, khi bước vào một cửa hàng được bày trí sang trọng, thấy những bộ sofa được trưng bày bắt mắt và có giá cao ngất ngưởng, nhiều người cho rằng, bộ sofa đó sẽ đặc biệt và tốt.

Bát nháo thị trường sofa ảnh 1

Thật khó để phân biệt đâu là nhập khẩu khẩu từ Ý, Đức với hàng nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Kim Đức

Theo một số nhà phân phối, tại thị trường Việt Nam hiện nay, không ít người bán hàng lợi dụng điều này để bán những bộ sofa tầm trung, hoặc thấp cấp với giá cao, thậm chí có showroom còn bán hàng nhái, hàng giả.

Theo các đơn vị này, ngoài chi phí sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, giá bán của một bộ sofa còn đến từ nhiều yếu tố khác như thuế, chi phí vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng của đơn vị bán hàng. Sofa là mặt hàng cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích, nên chi phí thuê mặt bằng trong giá bán của sofa cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Đặc biệt, với những nhà phân phối thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại cao cấp, thì mức giá sản phẩm còn cao hơn, thậm chí gấp mấy lần bộ sofa được bày bán tại các showroom khác, dù chất lượng 2 bộ sofa này tương đương nhau.

Thực tế, cùng một sản phẩm với mẫu mã, chất lượng và chức năng như nhau, nhưng không phải showroom nào cũng đồng một giá. Chẳng hạn, cùng một bộ bàn ăn có mẫu mã, chức năng, màu sắc như nhau, hãng nội thất PTCasa giá khác, Hùng Túy, Nội thất Xinh và nhiều đơn vị khác lại có giá khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Ngọc Cường (Nội thất xinh) cho hay: “Có thể những hãng cung cấp nội thất lớn có những bộ sofa rất giống chúng tôi, nhưng theo thương hiệu, họ đẩy giá lên rất cao, “đánh” vào thị phần khách tiêu dùng có thu nhập cao. Có thể những bộ giống hệt nhau, nhập ngoại cùng một công ty, nhưng về nước là giá khác nhau, thậm chí có đơn vị bán giá cao gấp 3 - 4 lần chúng tôi, lên đến hơn 300 triệu đồng/bộ”.

Làm sao để không bị mua hớ?

Theo anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội), người có thâm niên 10 năm kinh doanh sofa, trên thị trường sofa hiện nay có khoảng 90% là sản phẩm nhập từ Trung Quốc qua hai đường tiểu ngạch và chính ngạch. Tuy nhiên, nhiều showroom nhập hàng Trung Quốc về sau đó hô biến thành hàng Malaysia, hàng Ý để đẩy giá lên cao gấp 4 - 5 lần.

Đánh giá về chất lượng sản phẩm, đại diện Showroom Eurohome cho biết, nếu so sánh bộ sofa cùng hình dáng, có xuất xứ từ Trung Quốc, thì sản phẩm đến từ Malaysia chất lượng hơn hẳn. Bởi họ có đội ngũ thợ lâu năm, lành nghề, hầu hết da bò được nhập khẩu từ Ý - quốc gia có trình độ thuộc da số 1 thế giới. Ngoài ra, công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiêu chuẩn từ Đức, Ý - 2 quốc gia đứng đầu về sản xuất sofa. Vì vậy, việc lên bố cục, kết cấu làm sao để thoải mái nhất cho người dùng đều được nhà sản xuất tính toán vô cùng cẩn thận.

Cụ thể, khung sofa được làm từ kim loại hoặc gỗ dầu Malaysia - loại gỗ cứng, tính đàn hồi cao, được đánh giá là "dù có ngâm nước 10 năm cũng không lo bị hỏng", tạo nên kết cấu bền chắc. Qua xử lý mối mọt, chống thấm, khung gỗ lại càng bền bỉ hơn. Chỉ may được nhập từ Ý - loại chỉ may cao cấp rất dai, khó sờn, giúp sofa không bị bung/bục chỉ.

Trong khi với sofa Trung Quốc, vẫn có thể là da thật 100%, nhưng sản phẩm lại kém về độ tinh tế và thoải mái, do hạn chế về công nghệ xử lý thuộc da, khiến độ bền của da kém hơn, cảm nhận khi sờ vào miếng da không thực sự thích như sofa Malaysia. Khung gỗ tạp, không được xử lý mối mọt cẩn thận, nên sau một thời gian sử dụng đã có dấu hiệu hư hại. Ngoài ra, hàng Trung Quốc còn hạn chế về mặt công nghệ, không đầu tư thiết kế, sản phẩm được sản xuất không có chứng nhận ISO.

Vị đại diện này cho biết thêm, điều quan trọng nhất khiến sofa Trung Quốc khó lòng bắt kịp sofa Malaysia đó chính là mục đích sản xuất. Nếu như Malaysia sản xuất đặt tiêu chí chất lượng, thẩm mỹ lên hàng đầu, thì mục tiêu hàng sản xuất tại Trung Quốc lại là giá. Đó là lý do sofa Malaysia có giá khoảng 30 - 50 triệu đồng, trong khi sofa Trung Quốc nếu bán đúng giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng/bộ.

Để phân biệt sofa nhập khẩu Malaysia, hay Trung Quốc, anh Tuấn cho biết, sofa Malaysia nhập khẩu nguyên chiếc đều phải có giấy tờ chính hãng và luôn kèm theo chứng minh nguồn gốc CO (Certificate Or Original), các giấy tờ chứng minh liên quan là hàng nhập khẩu từ Malaysia, bao gồm: Packing list, vận đơn tàu biển... Nếu showroom không cung cấp được các giấy tờ này, người tiêu dùng phải cảnh giác.

Ngoài xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ để không bị mua hớ, anh Tuấn cho biết, người tiêu dùng cũng nên quan tâm đến chế độ bảo hành. Chính sách bảo hành của showroom, đơn vị phân phối cũng có thể giúp khách nhận định chất lượng sản phẩm. Những đơn vị bán hàng sofa Malaysia chính hãng luôn rất tự tin về chất lượng sản phẩm, nên có chế độ bảo hành tốt hơn.

“Một điểm nữa mà người tiêu dùng nên biết, đó là sofa Malaysia ở phần đáy luôn có khóa kéo để khách hàng kiểm tra khung gỗ bên trong, trong khi sofa Trung Quốc thường ít khi làm điều này. Trên thực tế, khi bước vào một showroom sang trọng, ánh đèn lung linh, trang trí bắt mắt, người mua rất khó để nhận diện được đâu là sofa Trung Quốc, đâu là sofa Malaysia. Vì vậy, hãy thật cảnh giác khi lựa chọn sofa và đơn vị phân phối”, anh Tuấn đưa ra lời khuyên.

Ở góc độ khác, theo nhận định của giới chuyên gia nội thất, hiện tại, một số hãng nội thất đang đẩy mạnh các chiến dịch marketing dòng sản phẩm sofa nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng của Ý, Đức, Malaysia, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, khi mua những sản phẩm này, người tiêu dùng cần rất thận trọng, bởi bên cạnh giá tăng cao do phải gánh chi phí quảng bá lớn, thì sự mập mờ về nguồn gốc cũng dễ khiến khách hàng mua hớ.

“Nhiều doanh nghiệp phân phối hiện nay nói họ có chứng nhận xuất xứ, chất lượng (COCQ), nhưng thực chất như thế nào cũng không ai biết được. Bởi không ít đơn vị lách bằng cách nhập một số ít sản phẩm từ các hãng lớn của Ý, Đức… để lấy số COCQ, còn lại là nhập từ Trung Quốc và khi khách hàng hỏi nguồn gốc, họ đưa COCQ số hàng đã nhập từ Ý, Đức ra”, ông Đức nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan