Suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm lượng đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm lượng đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Bức tranh đa diện

(ĐTCK) Đảo chiều có lẽ là từ được giới chuyên gia kinh tế nhắc tới nhiều nhất trong năm 2008. Từ thị trường chứng khoán, giá dầu, giá vàng, sắt thép... đến các chỉ tiêu, chính sách kinh tế vĩ mô đều đảo chiều. Chưa bao giờ những con số đầu năm và cuối năm lại ở hai bờ đối nghịch như vậy.

Lạc quan

Đầu năm 2008, giá xăng, dầu thế giới tăng liên tục. Mức đỉnh 147 USD/thùng được xác lập vào tháng 7 cùng với nhiều dự báo về việc giá dầu thế giới có thể lên tới 200 USD/thùng vào cuối năm 2008. Nhiều nhà nhập khẩu xăng dầu Việt Nam đã "ôm" một lượng xăng dầu lớn dự trữ tại thời điểm này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2007 lên cơn sốt với lượng vốn khổng lồ được rót ồ ạt vào thị trường, bất chấp nhiều cảnh báo về nguy cơ bong bóng. Thị trường đầu năm 2008 được tiếp sức của những "bản vẽ" lên tới 2.000 điểm của các công ty nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng không ngần ngại công bố một dự báo đầy sắc màu về kinh tế Việt Nam với nhiều điểm nóng phải đối mặt. Song, trong cả hai kịch bản, mức tăng trưởng GDP cao là 8% và thấp là 7,5% cho năm 2008.

Uỷ ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái  Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) hồi tháng 3/2008 còn kỳ vọng Thái Lan và Việt Nam là những điểm sáng trong khu vực, cho dù đã nhắc tới áp lực lạm phát tăng cao. Ông Amarakoon Bandara, đại diện UNESCAP đã dự báo năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 8,2% do đầu tư tăng cao kết hợp với việc mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Cũng ngay từ những tháng đầu năm 2008, lượng thép tiêu thụ ở trong nước cao hơn so với cùng kỳ năm 2007 khiến giá được đẩy lên hàng tuần và kéo dài đến hết tháng 6/2008. Giá phôi thép thế giới và khu vực có những thời điểm được chào bán tới 1.200 - 1.250 USD/tấn. Hiệp hội Thép Việt Nam chủ động khuyến nghị doanh nghiệp trong ngành đề phòng giá tăng. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phòng ngừa cho kế hoạch cuối năm.

Đảo chiều

Doanh nghiệp ngành thép đau đầu khi giá thép trên thị trường thế giới sụt giảm nhanh dẫn đến giá thép trong nước thấp hơn giá nhập khẩu cả trăm USD/tấn. Cùng lúc, gói 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư khiến thị trường thép gần như đóng băng. Có doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn vì thực tế đảo chiều so với dự báo.

Thị trường chứng khoán cũng đảo chiều... ngoạn mục. Cơ hội bứt phá trong năm 2008 như nhiều dự báo không những không đạt được, mà trượt dài trong sự thấp thỏm của giới đầu tư. So với mức đỉnh điểm, thị trường đã giảm tới 71%.

Cảnh báo sớm

Cũng khó thể bàn luận hơn về con số dự báo và thực tiễn của năm 2008. Bức tranh tổng thể cho thấy yếu tố phức tạp và khó dự báo của thị trường. Ngay cả những tổ chức nghiên cứu kinh tế chuyên nghiệp cũng không thoát khỏi cảnh "trở tay không kịp".

Tuy nhiên, trong bản dự báo của WB hồi đầu năm 2008 về kinh tế Việt Nam, các dấu hiệu của một nền kinh tế quá nóng: cán cân vãng lai đã thâm hụt ở mức đáng ngại; lạm phát gia tăng; giá tài sản tăng cao; vấn đề bong bóng trên thị trường bất động sản; tín dụng ngân hàng tăng ở mức rất cao… đều đã được điểm đến.

Cũng ngay trong tháng 5/2008, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã lên 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trong năm, trong đó kịch bản kém thuận lợi là tổng thu nhập quốc nội sẽ chỉ tăng 6,6-6,7%, lạm phát lên tới 22,3%. So với kịch bản cơ bản, mức tăng GDP sẽ là 7,2% và mức lạm phát trung bình kỳ sẽ là 19,4%, khó khăn được dự báo là khá lớn và khá sớm.

Trong dự báo cho năm 2009, các chuyên gia kinh tế đang nhấn mạnh nhiều đến chất lượng, thay vì tốc độ tăng trưởng. Cơn bão khủng hoảng được cho là tác động chậm hơn tới Việt Nam, song sẽ kéo dài hơn. Ba kịch bản cho năm 2009 được các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự liệu không ít bất ổn. 

Kịch bản tăng trưởng ở mức trung bình là kịch bản chủ đạo và có nhiều khả năng xảy ra nhất. Ở kịch bản này, kinh tế thế giới suy giảm trong năm 2009, nhưng có những dấu hiệu hồi phục vào cuối năm. Tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm lượng đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam (tương ứng giảm 16% và 14%). Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng vào những dấu hiệu hồi phục của kinh tế thế giới vào nửa cuối năm 2009 sẽ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong nước, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm có thể đạt khoảng 6,5%.