NĐT đang đợi câu trả lời dứt khoát trong việc mua CP của CTCP Xi măng hạ Long từ Tập đoàn Sông Đà

NĐT đang đợi câu trả lời dứt khoát trong việc mua CP của CTCP Xi măng hạ Long từ Tập đoàn Sông Đà

Cắc cớ trong vụ mua bán cổ phần Xi măng Hạ Long

(ĐTCK-online) Một số nhà đầu tư bức xúc phản ánh với Báo ĐTCK về việc họ chuyển nhượng cổ phần (CP) CTCP Xi măng Hạ Long sau hơn 3 tháng vẫn chưa được thanh toán tiền. Điều đáng nói là phía sau sự chuyển nhượng CP của các cá nhân này là chủ trương của 2 tập đoàn lớn: Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong việc mua và bán lại phần vốn góp tại CTCP Xi măng Hạ Long.

Chưa mua đứt, bán đoạn!

Trong email gửi về ĐTCK, nhà đầu tư L.M.C cho biết, tháng 5/2010 thông qua CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI), nhiều nhà đầu tư đã bán CP của CTCP Xi măng Hạ Long cho Tập đoàn Sông Đà. Có rất nhiều cá nhân bán trong đợt này, mỗi người ít nhất 270 CP (mệnh giá 100.000 đồng/CP). Về thủ tục mua bán, PVFI đã yêu cầu những người bán điền đầy đủ thông tin vào mẫu hồ sơ chuyển nhượng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì về việc mua bán và thực hiện thanh toán tiền mua CP nói trên. “Mới đây, Xi măng Hạ Long đã có nghị quyết phát hành CP tăng vốn điều lệ và ngày 10/8 là chốt quyền. Vậy nhưng, đến bây giờ chúng tôi vẫn không biết là hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện hay chưa và chúng tôi có còn quyền mua số CP phát hành thêm hay không”, nhà đầu tư N.M.C nói.

CTCP Xi măng Hạ Long có vốn điều lệ  982 tỷ đồng, được thành lập vào năm 2007 với công suất thiết kế (dây chuyền 1) là 5.500 tấn clinker/ngày-đêm, tương đương 2,07 triệu tấn xi măng PCB 40/năm. 5 cổ đông chính của DN này là Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng  công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC), Công ty Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI), CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sudico. Xi măng Hạ Long ra đời với mục đích đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các công trình, dự án của Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí. Xi măng Hạ Long đã đi vào sản xuất từ tháng 4/2010.   

Theo www.ximanghalong.vn

Ngày 20/8, phóng viên Báo ĐTCK đã có làm việc với đại diện PVFI. Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Phó giám đốc Ban dịch vụ tài chính, PVFI cho biết, những ngày gần đây, Công ty nhận được rất nhiều điện thoại của các nhà đầu tư hỏi về việc chuyển nhượng CP của Xi măng Hạ Long. Tổng giá trị CP Xi măng Hạ Long chuyển nhượng qua PVFI vào khoảng 65 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/CP và giá bán cho Tập đoàn Sông Đà là 120.500 đồng/CP). Đến thời điểm này, PVFI cũng chưa biết giải thích như thế nào với các cổ đông bởi PVFI cũng chỉ là đơn vị trung gian thực hiện ủy thác đầu tư và giúp NĐT thực hiện giao dịch này.

Như vậy, các nhà đầu tư không trực tiếp bán CP cho Tập đoàn Sông Đà mà bán thông qua PVFI. Không chỉ PVFI, Tập đoàn Dầu khí cũng đã có hai công văn yêu cầu Tập đoàn Sông Đà thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền mua CP theo những gì đã cam kết.

Mới đây nhất, ngày 10/8/2010, PVFI đã có Công văn số 476/PVFI-DVTC đề nghị Tập đoàn Sông Đà sớm ký hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán để PVFI hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư. Đến ngày 10/8, Tập đoàn Sông Đà vẫn chưa hoàn tất hợp đồng mua CP của Xi măng Hạ Long và đến ngày 20/8, khi làm việc với phóng viên Báo ĐTCK, đại diện PVFI cho biết, vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ Tập đoàn Sông Đà, nên cũng không biết là hợp đồng đã được ký hay chưa.

 

Tập đoàn Sông Đà nói gì?

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Văn Tuấn, Kế toán trưởng Tập đoàn Sông Đà cho biết, hiện nay Tập đoàn Sông Đà đã nhận được đề nghị và bản thân Tập đoàn cũng có chủ trương mua lại CP của CTCP Xi măng Hạ Long của một số cổ đông thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đến thời điểm này, hợp đồng mua bán vẫn chưa được ký kết do một số vấn đề hai bên chưa đàm phán xong.

Theo ông Tuấn, hợp đồng chưa được ký kết nên mọi quyền lợi phát sinh từ việc sở hữu CP của Công ty Xi măng Hạ Long, các cổ đông cũ vẫn được hưởng. Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với HĐQT CTCP Xi măng Hạ Long, ông Tuấn đã đề xuất DN này xem xét lùi thời hạn phát hành. Một phần là do TTCK diễn biến không tích cực, ảnh hưởng đến sự thành công của đợt phát hành, phần khác cũng là để xử lý dứt điểm việc mua bán CP của Tập đoàn Sông Đà với một số cổ đông thuộc Tập đoàn Dầu khí. Theo đánh giá của ông Tuấn, Xi măng Hạ Long được đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, tuy nhiên do mới đi vào hoạt động nên còn rất nhiều khó khăn.

Hiện chưa biết vấn đề khúc mắc chưa đàm phán xong giữa Tập đoàn Sông Đà và PVFI là gì, nhưng không ít người nghi ngờ vấn đề liên quan đến giá cổ phiếu. Trong khi thị trường niêm yết đang sụt giảm nghiêm trọng, giá CP các DN cùng ngành xi măng đang có mức giảm đáng kể.

Mức giá 12.500 đồng/CP của một DN xi măng mới đi vào vận hành như Xi măng Hạ Long liệu có phải là lý do khiến Tập đoàn Sông Đà suy nghĩ lại? Theo tìm hiểu của ĐTCK, việc mua lại CP của Sông Đà tại CTCP Xi măng Hạ Long nhằm nắm quyền chi phối DN này. Tuy nhiên, với việc ký hợp đồng sau khi Xi măng Hạ Long chốt quyền phát hành thêm thì Tập đoàn Sông Đà sẽ không được thực hiện quyền và sẽ không thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu.

Nhà đầu tư đang đợi câu trả lời  trong việc mua CP của CTCP Xi măng hạ Long từ Tập đoàn Sông Đà. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến câu chuyện này.