Nỗi lo nợ xấu
Báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng vẫn được kiểm soát theo quy định. Tuy nhiên, cơ cấu nhóm nợ có sự dịch chuyển đáng kể, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng ở nhiều ngân hàng.
Chẳng hạn, tại Techcombank, đến cuối quý I/2025, số dư nợ xấu tăng 9,6% so với đầu năm, với gần 7.800 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,23%.
Tổng nợ xấu tại MB tính đến cuối quý I/2025 là 14.681 tỷ đồng; trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 4.599 tỷ đồng lên 4.942 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng từ 3.380 tỷ đồng lên 4.552 tỷ đồng (tăng 34,7%) và nợ có khả năng mất vốn tăng từ 4.606 tỷ đồng lên 5.187 tỷ đồng (tăng 12,6%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 1,62% vào cuối năm 2024 lên 1,84% vào cuối tháng 3/2025.
Đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu tại VietABank là 0,63%, giảm so với mức 1,37% hồi đầu năm. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại tăng hơn 4,3 lần trong 3 tháng đầu năm, từ gần 333,7 tỷ đồng lên gần 1.452 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ.
Trong khi đó, tại Saigonbank, tính đến 31/3/2025, tổng nợ xấu tăng 18% so với đầu năm, lên gần 685 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ mức 2,66% lên 3,28%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng 62%, lên gần 137 tỷ đồng so với mức trên 84 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2024.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cũng thừa nhận, nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, những tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng chủ yếu trích lập dự phòng rủi ro để xử lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp. Dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.
Xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn
Cũng theo ông Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tuy nhiên, không có nội dung về thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, tạo khoảng trống pháp lý trong việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ.
“Các tổ chức tín dụng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Song, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng”, ông Hùng nhận xét.
Giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng thương mại cổ phần dẫn chứng về khó khăn lớn nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm, đó là các động sản như ô tô. Tài sản này bên cạnh việc di chuyển nhiều nơi, gây khó khăn cho việc xác định tài sản đang ở đâu thì còn liên quan đến việc chủ xe cho thuê và ngân hàng không thể yêu cầu người thuê xe giao nộp tài sản đảm bảo này.
“Thậm chí, nhìn thấy xe đậu ngay bên đường đối diện ngân hàng cũng không thể thu giữ được”, vị giám đốc nói.
Tại VietinBank, ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc cho biết, khi cho vay, tài sản đảm bảo thường là bất động sản và chủ yếu vướng mắc khi thu hồi nợ xấu cũng là bất động sản. Ví dụ, bất động sản có hiện trạng thực tế thay đổi, sai khác, chênh lệch so với thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhà ở được xây dựng trên hai thửa đất khác nhau và không chia tách được, hoặc bất động sản không có lối đi... Có những trường hợp gần 20 năm ngân hàng vẫn chưa xử lý được.
Thông tin được ông Hùng đưa ra, kể cả các bản án liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo đã có hiệu lực thì công tác thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.
Gỡ nút thắt trong xử lý tài sản đảm bảo
Nhận định được TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đưa ra, biến động thuế quan có thể tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước, khiến nợ xấu tăng nhẹ, đồng thời có thể làm giảm nhu cầu vay tín dụng, khiến tín dụng tăng chậm hơn dự kiến. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi không được như kỳ vọng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng như cầu tín dụng.
Ông Lực cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 này để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giúp việc xử lý nợ xấu thuận lợi hơn.
Chuyên gia này kiến nghị, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (2025) nên quy định cho phép mở rộng đối tượng mua - bán nợ theo hướng: Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp phép cho một số công ty mua - bán nợ đáp ứng được các điều kiện về năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, công nghệ, chuẩn mực đạo đức, quy trình nội bộ... và những công ty này sẽ được bổ sung vào định nghĩa “tổ chức mua bán, xử lý nợ” trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
“Quy định này sẽ có thêm một số tổ chức có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong Luật, tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội cho hoạt động xử lý nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Về xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản, TS. Lực cho rằng, cần luật hóa điều này bởi Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn hiện nay vẫn chưa sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế xử lý đối với quyền khai thác khoáng sản được thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc triển khai xử lý đối với các tài sản đảm bảo này thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt đối với các trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc giấy phép khai thác khoáng sản bị hết thời hạn.
Liên quan đến việc tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Luật Phá sản, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần có quy định nhằm đảm bảo hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo không bị gián đoạn trong trường hợp bên vay là pháp nhân chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để trì hoãn, trốn tránh trách nhiệm.
TS. Lực cũng nhấn mạnh về “thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Tòa án”. Theo đó, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo là một chủ trương đúng đắn, nhưng cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Cụ thể, nên phân nhóm các vụ việc: Thứ nhất, đối với các tranh chấp liên quan đến các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba thì Tòa án xem xét công nhận và cho thi hành án ngay; thứ hai, nên xem xét mở rộng việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng để giảm chi phí cho các tổ chức tín dụng và bên vay, phù hợp với đề án cải cách hoạt động tư pháp.
“Cần bổ sung quy định đảm bảo nhất quán với các văn bản pháp luật khác, cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với Luật Kinh doanh bất động sản 2023”, ông Lực kiến nghị.