“Thuê” tiền làm số dư tài khoản
Sau 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, từ cuối tuần qua, TAND TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan tới Ngân hàng TMCP Maritime Bank (MSB), trong đó, các bị cáo đã thuê tài chính để chứng minh năng lực tài chính trong hoạt động kinh doanh, nhưng khi tiền về tài khoản, các bị cáo đã rút ra. Ba bị cáo Hoàng Nghĩa Hiển (SN 1972, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Thị Đặng (SN 1958, quận Tân Phú, TP. HCM, Giám đốc Công ty TNHH Dương Hùng) và Nguyễn Thị Ngọc Tín (SN 1956, trú tại quận 5, TP. HCM) bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2 cán bộ ngân hàng Vũ Ngọc Quỳnh (SN 1985, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), Trần Thị Tố Oanh (SN 1984, trú tại quận Tân Bình, TP. HCM) bị truy tố vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, vào tháng 2/2010, MSB chi nhánh Cầu Giấy có đơn tố giác vi phạm liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán số tiền 12 tỷ đồng cho Công ty TNHH Dương Hùng. Tiếp đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1967, trú tại quận 11, TP. HCM) có đơn tố cáo Nguyễn Thị Đặng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 12 tỷ đồng thông qua hình thức thuê tiền làm số dư trong tài khoản Công ty TNHH Dương Hùng để chứng minh khả năng tài chính với đối tác.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan tới Ngân hàng TMCP Maritime Bank
Kết quả điều tra cho thấy, tháng 1/2008, Nguyễn Thị Đặng thành lập Công ty Dương Hùng, do Đặng làm Giám đốc. Tháng 9/2009, Hiển vào TP. HCM gặp Đặng và Tín bàn bạc việc thuê 15 tỷ đồng đưa vào tài khoản Công ty Dương Hùng. Hiển lo việc làm chứng thư bảo lãnh ngân hàng và thông qua hình thức này để rút tiền từ tài khoản, Tín ứng trước phí thuê tiền.
Thông qua một số đối tượng môi giới, Đặng và Tín gặp chị Bích để thỏa thuận cách thức thuê tiền. Theo đó, Công ty Dương Hùng thuê tiền nhằm chứng minh năng lực tài chính với đối tác, không được rút ra nếu chưa được sự đồng ý của chị Bích. Ngày 29/1/2010, Đặng, Tín cùng chị Bích đến làm thủ tục mở tài khoản tại MSB chi nhánh Hồ Chí Minh đứng tên Công ty Dương Hùng theo nguyên tắc sử dụng đồng chữ ký, gồm chữ ký của Đặng và chữ ký của chị Bích. Đồng thời, nộp cho MSB Biên bản họp HĐTV với nội dung, mọi giao dịch đồng thời phải có 2 chữ ký của Đặng và Bích, đề nghị ngân hàng theo dõi tài khoản ngay sau khi phát sinh số dư 12 tỷ đồng và sau 31 ngày tự động trích chuyển vào các tài khoản theo chỉ định của chị Bích.
Án tù cho kẻ lừa đảo
Có chút vốn liếng cùng với việc huy động từ người thân, chị Bích đem 12 tỷ đồng này cho Công ty Dương Hùng “thuê” nhằm thu lời cao. Phóng tay cho những người lạ “thuê” số tiền lớn như vậy, đương nhiên chị Bích tính toán đến biện pháp phòng ngừa, tránh việc đối tác “cuỗm” luôn số tiền đó. Ban đầu, chị Bích yêu cầu mở tài khoản đồng sở hữu, tuy nhiên, với tài khoản này, thì Đặng, Tín không thể sử dụng để yêu cầu ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh, do đó mới có việc mở tài khoản Công ty Dương Hùng và yêu cầu mọi giao dịch phải có đồng thời 2 chữ ký.
Với sự am hiểu về các nghiệp vụ ngân hàng, Hiển biết rằng, với tài khoản đồng chữ ký, mọi biến động tài khoản phải có đủ 2 chữ ký, nhưng nghiệp vụ bảo lãnh lại không yêu cầu 2 chữ ký. Chỉ cần đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh là đủ. Thông thường, ngân hàng khá chặt chẽ trong việc cấp chứng thư bảo lãnh, bởi đây là nghiệp vụ tín chấp và ngân hàng phải chi tiền ra trước rồi mới thu hồi từ khách hàng sau. Tuy nhiên, với chứng thư bảo lãnh ký quỹ 100%, ngân hàng cứ “yên tâm” trong việc phát hành, bởi sau khi thanh toán cho bên thụ hưởng bảo lãnh, ngân hàng chỉ việc khấu trừ từ tài khoản của khách hàng.
Ngày 29/1/2010, tiền của chị Bích về tài khoản. Ngày 1/2/2010, các đối tượng đã có mặt ở Hà Nội, đến MSB chi nhánh Cầu Giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản. Ngày 4/2/2010, các đối tượng yêu cầu MSB chi nhánh Cầu Giấy phát hành chứng thư bảo lãnh ký quỹ 100% cho hợp đồng mua bán thép, theo đó, Võ Quý Ngọc bán cho Công ty Dương Hùng 1 triệu kg thép trị giá khoảng 12,7 tỷ đồng. Cũng chính vì hình thức ký quỹ nên cán bộ ngân hàng Vũ Ngọc Quỳnh đã không thẩm định kỹ hồ sơ. Phần xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, hồ sơ bảo lãnh thiếu một số giấy tờ so với Quy chế phát hành bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được ban hành kèm theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, như báo cáo nhanh tình hình tài chính, hóa đơn, chứng từ có liên quan…
Sáng ngày 5/2/2010, nhóm Tín, Hiển, Đặng và Ngọc yêu cầu MSB chi nhánh Cầu Giấy thanh toán bảo lãnh cho Ngọc với lý do Công ty Dương Hùng chưa thanh toán. Tại đây, các đối tượng rút trót lọt 3 tỷ đồng và tiếp tục tới MSB Trung Yên rút tiếp 9 tỷ đồng thì bị bắt.
Do phát hiện sớm, số tiền đã được thu hồi gần hết. Đại diện của chị Bích tại phiên tòa cho biết, chỉ còn 960 triệu đồng chưa thu hồi được và yêu cầu được nhận lại số tiền cũng như lãi phát sinh của số tiền này kể từ ngày 15/4/2010 đến nay. Nguyên nhân là do chị Bích đã phải đi vay ngân hàng khác để có tiền cho Đặng “thuê”, MSB đã thiếu trách nhiệm để các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của chị Bích, nên MSB phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong khi đó, đại diện MSB vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, MSB không phải là bị hại trong vụ án này. MSB đã làm đúng các quy định của ngành ngân hàng về giao dịch tài khoản, phát hành chứng thư bảo lãnh. Ngân hàng chỉ biết tài khoản là của Công ty Dương Hùng, không có trách nhiệm phải biết nguồn tiền từ chị Bích hay từ ai khác. Cho nên, việc đại diện theo pháp luật của Công ty yêu cầu phong tỏa tài khoản, đề nghị Ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh là đúng quy định.
Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại chiều 14/8, với việc bị cáo Đặng và Tín bị Tòa tuyên cùng mức án 14 năm tù, bị cáo Hiển bị tuyên 12 năm tù. Hai cán bộ ngân hàng là Quỳnh và Oanh bị xử 24 tháng án treo.
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện tố tụng là câu chuyện khác về rủi ro khi liều lĩnh tham gia thị trường tín dụng phi chính thức. Cho tới nay, chưa có một quy định nào về việc cho “thuê” tiền, luật pháp chưa có quy định điều chỉnh hoạt động này nhưng cũng không cấm. Đương nhiên, mọi người có quyền làm những gì pháp luật không cấm, chị Bích cũng không vi phạm pháp luật. Chỉ có điều, những doanh nghiệp như Công ty Dương Hùng, trong suốt 2 năm sau khi thành lập, như cáo trạng đã xác định, không có hoạt động kinh doanh, không phát sinh doanh thu, căn nhà trụ sở Công ty đã bị ngân hàng phát mãi… nay đi “thuê” tiền để chứng minh khả năng với đối tác, để có thể ký kết hợp đồng, lập dự án này nọ không phải là điều mà thị trường mong muốn và pháp luật cũng không khuyến khích.
Mắc mứu của một vụ lừa đảo
Trong một vụ án khác, bị cáo Dương Thị Hường (SN 1965, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị Viện KSND TP. Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức án đề nghị là 14 – 16 năm tù giam. Theo cáo trạng, Hường là Giám đốc CTCP chế biến XNK nông lâm sản Trường Sinh, có trụ sở ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thông qua anh Ngô Việt Anh, chị Phan Thu Hà quen biết với Hường. Hường giới thiệu công ty của Hường góp vốn đầu tư với CTCP Đầu tư thương mại Thăng Long, chủ dự án tòa nhà chung cư TINCOM (Pháp Vân, Hà Nội) và muốn bán lại căn hộ với giá 16 triệu đồng/m2, thanh toán trước 50%, phần còn lại thanh toán cho chủ đầu tư khi chuyển tên người mua vào hợp đồng chính. Để người mua tin tưởng, Hường cho xem “Hợp đồng góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ” giữa Công ty Trường Sinh và Công ty Thăng Long có chữ ký đóng dấu của 2 bên kèm theo bản thiết kế khu chung cư. Sau đó, Hường ký bán 2 căn hộ cho Phan Thu Hà và bà Vũ Kim Xuyến (mẹ Ngô Việt Anh) với số tiền 1,827 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 căn hộ này trùng với 2 căn hộ mà Hường đã ký bán cho anh Hoàng Ngọc Hùng trước đó, cùng với giá 1,827 tỷ đồng. Sau khi ký bán, Hường không chuyển tên người mua vào hợp đồng chính, nên bị người mua đòi lại tiền. Hường đã viết giấy khất nợ, giấy cam kết hoàn trả tiền cho anh Hùng, chị Hà, nhưng vẫn không trả tiền.
Tại phiên tòa, Hường một mực không thừa nhận hành vi lừa đảo, bán căn hộ “ma” cho anh Hùng, chị Hà và khai rằng, các hợp đồng, biên nhận, giấy khất nợ, giấy cam kết hoàn trả tiền là do Hường bị Ngô Việt Anh ép ký theo hướng lừa đảo. Hường khai trong quá trình làm ăn, Hường đã vay của Việt Anh hơn 1 tỷ đồng với lãi suất cao. Vì muốn nhanh chóng thu hồi được nợ, nên Ngô Việt Anh đã cùng với một số người “cài bẫy” đưa chị ta vào “tròng”.
Sau 2 lần trả hồ sơ, trong phiên tòa mới nhất vào ngày 10/8/2012, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Một trong những vấn đề được đặt ra là bản “Hợp đồng góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ” giữa Công ty Trường Sinh và Công ty Thăng Long mà các bị hại khai là Hường đã cho xem. Đây là chứng cứ chứng minh hành vi gian dối nhằm mục đích lừa đảo của Hường. Tuy nhiên, chứng cứ này không có trong hồ sơ vụ án.
Đâu là sự thật trong vụ án này còn chờ các cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra, xét xử làm rõ. Nhưng diễn biến của vụ án khiến không ít chủ DN vừa và nhỏ phải giật mình bởi hệ lụy của tín dụng đen. Có điều, biết thì biết, nhưng lắm khi vẫn phải “đưa chân” bởi vốn ngân hàng vẫn là cửa hẹp.