Các vướng mắc cơ bản như cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu vẫn được nhắc tới nhiều nhất - Ảnh: Hoài Nam.

Các vướng mắc cơ bản như cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu vẫn được nhắc tới nhiều nhất - Ảnh: Hoài Nam.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Những kiến nghị không mới

(ĐTCK-online) Tại Diễn đàn DN Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Olivier Jacquet, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cảnh báo: "Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng mức lạm phát, đồng thời tạo ra các giải pháp bền vững trong dài hạn cho quốc gia".

Một trong các giải pháp đó, theo các chuyên gia, là việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Lợi thế giảm dần

Lại một lần nữa, các vướng mắc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam được các chuyên gia kinh tế quốc tế phản ánh từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy không mới, nhưng các vướng mắc cơ bản như cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục hành chính phiền hà vẫn là những nội dung được nhắc tới đầu tiên và nhiều nhất.

Điểm mới tại diễn đàn lần này là việc công bố kết quả điều tra, nghiên cứu ở một số lĩnh vực cụ thể như môi trường kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, hay những cản trở hành chính đối với DN trong lĩnh vực ngân hàng, khai thác khoáng sản, đất đai, thuế...

Theo đánh giá về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật Bản vừa được Văn phòng Jetro Hà Nội thực hiện đầu năm nay, Việt Nam vẫn có lợi thế về điều kiện xã hội và chính trị ổn định, lao động giá rẻ, nhưng chi phí đầu tư như thuê văn phòng, thuê nhà ở, phí vận tải vẫn cao.

Ông Hiroyuki Moribe, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội nhận xét, tại Việt Nam, ngoài những khó khăn như thủ tục hành chính rườm rà, cơ sở hạ tầng kém phát triển, các DN Nhật Bản còn gặp khó khăn trong việc mua phụ tùng và nguyên vật liệu từ trong nước, chi phí trả lương cho nhân viên tăng lên, thị phần của đối thủ ngày càng tăng, sự mất ổn định của tỷ giá giữa đồng tiền trong nước và USD, thủ tục thông quan hải quan phức tạp.

Đặc biệt, ngoài những kiến nghị về ưu đãi đầu tư, các chuyên gia cũng yêu cầu phải rõ ràng và áp dụng thống nhất ở cả cấp trung ương và cấp địa phương về ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như tăng nặng hình phạt và xử lý nghiêm đối với hành vi buôn bán hàng giả.

 

Bình ổn giá - lưu ý hệ quả

Eurocham tại Việt Nam và cộng đồng DN châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để bảo vệ sự bình ổn giá của một số mặt hàng thiết yếu và để ngăn chặn lạm phát thời gian qua. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư 104 do Bộ Tài chính đề xuất về bình ổn giá nếu được thực hiện sẽ bao gồm nhiều sản phẩm thuộc diện bình ổn giá, mà không phải là sản phẩm thiết yếu cho người dân.

"Nếu Chính phủ áp đặt một mức giá trần bắt buộc, các nhà cung cấp sẽ không cung cấp hàng hóa ra thị trường hay bán cho khách hàng thuộc các quốc gia khác. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hàng hóa hoặc có thể dẫn đến việc bán hàng 'chợ đen' với mức giá cao hơn. Kinh nghiệm cho thấy, 'mệnh lệnh kiểm soát' là các biện pháp kinh tế không khả thi", ông Olivier Jacquet cảnh báo.

Hơn nữa, theo ông Olivier Jacquet, các DN đầu tư vào Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả "núi" yêu cầu hành chính mới (hệ quả của Thông tư 104), bao gồm việc bắt buộc báo cáo cho các cơ quan chính quyền Việt Nam. Tất cả điều này là trái với tinh thần và mục tiêu của Đề án 30 và là bước lùi trong phát triển thị trường, sẽ làm tăng thêm chi phí và sự không chắc chắn đối với khu vực tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.

"Do đó, chúng tôi đề xuất, nên đặt dự thảo Thông tư 104 sang một bên và tập trung nỗ lực tìm kiếm các biện pháp thay thế để kiểm soát giá cả, đồng thời đảm bảo Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường", ông Olivier Jacquet nói.

Bà Jocelyn Tran, Chủ tịch Amcham Việt Nam cho biết, trong 6 tháng qua, Amcham đã liên tục bày tỏ quan ngại đối với Chính phủ về bản dự thảo Thông tư 104 nhằm triển khai quản lý giá cả. "Chúng tôi tin rằng, việc quản lý giá cả đã không thực hiện được và mang tính phản tác dụng. Bên cạnh cách tiếp cận tổng quát phi thị trường đối với việc định giá, thông tư này đã tạo ra những gánh nặng mới về thủ tục hành chính đối với DN trong toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối của nhiều loại sản phẩm. Thông tư cũng buộc các DN phải tiết lộ những điều được coi là bí mật DN", bà Jocelyn Tran nói.

Bà Jocelyn Tran khuyến nghị, thay vì quản lý nhà nước về giá cả, Chính phủ nên quan tâm đến việc tự do hóa chuỗi cung cấp đối với việc phân phối sản phẩm, nhằm làm cho việc phân phối sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn và đó cũng là phương thức hữu hiệu hơn để giúp cho các sản phẩm có giá cả dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang làm hết sức mình để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng DN trong và ngoài nước.