
Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
1.
Nửa thế kỷ trước, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, 492 đại biểu Quốc hội đã được bầu bởi hơn 23 triệu cử tri ở cả hai miền Nam, Bắc.
Quốc hội khóa VI này, trong Kỳ họp thứ nhất đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường từ đó đến nay, xa hơn nữa là từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, như đánh giá của một số vị từng giữ trọng trách ở cơ quan lập pháp, Quốc hội đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Các khóa Quốc hội là một quá trình liên tục, kế thừa và phát triển, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khoá trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội khóa sau.
Được cử tri cả nước bầu ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở mức độ nguy hiểm nhất, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có thể được coi là “nhiệm kỳ lịch sử”, khi số kỳ họp bất thường còn nhiều hơn cả kỳ họp bình thường. Để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có những chính sách được xem xét, quyết định một cách “thần tốc” chưa từng có tiền lệ, phòng làm việc của các cơ quan Quốc hội xuyên đêm sáng đèn đã không còn là chuyện hiếm.
Khi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu trước Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng (nay là Phó thủ tướng) nhiều lần nhấn mạnh rằng, những kết quả đáng ghi nhận về kinh tế, xã hội cả trong thời chống dịch cũng như giai đoạn phục hồi sau đó, đều có đóng góp rất lớn của Quốc hội, với tinh thần luôn đồng hành với cơ quan hành pháp, phúc đáp kịp thời yêu cầu của thực tiễn cuộc sống trong giai đoạn đầy biến động.
2.
Xây dựng pháp luật luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, thì chủ trương “vừa chạy vừa xếp hàng” vẫn được vận dụng hết sức linh hoạt.
Ngay sau Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ chín - kỳ họp được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần đề cập là “kỳ họp lịch sử”.
Người đứng đầu cơ quan hành pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh, đây là kỳ họp mà Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét nhiều văn bản nhất, quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này (11 luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và 32 luật, nghị quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội).
Bên cạnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định 45 nội dung về lập pháp, 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Rất có thể còn có thêm nội dung nữa được bổ sung vào chương trình.
Nếu chỉ nhìn vào danh mục các dự án luật được trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, có thể không tránh khỏi chút băn khoăn.
Luật Chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín (tháng 2/2025), lần này cũng sẽ lại được đưa ra nghị trường. Rồi, hàng loạt luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)… cũng mới được sửa đổi chưa lâu, lại tiếp tục được gom vào một luật để tiếp tục gỡ vướng.
Cùng một kỳ họp vừa sửa đổi Hiến pháp vừa bấm nút hơn 30 dự án luật, chắc chắn không tránh khỏi cập rập. Có những lúc, dù chưa có tờ trình chính thức của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phải tiến hành thẩm tra (cả trong ngày nghỉ) để kịp thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội.
Nhưng, đất nước đang ở giai đoạn vô cùng đặc biệt. Ở Kỳ họp bất thường lần thứ chín (tháng 2 năm nay), Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Kỳ họp thường lệ lần thứ chín này, các vấn đề được đặt lên bàn nghị sự đều tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, từ không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh, cho đến gỡ vướng cho hàng ngàn dự án, rồi thí điểm chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội, luật hóa nhiều chính sách đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Xây dựng pháp luật luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, thì chủ trương “vừa chạy vừa xếp hàng” vẫn được vận dụng hết sức linh hoạt. Nhưng, dù các ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng làm việc “xuyên đêm sáng đèn”, thì khâu chuẩn bị đầu tiên vẫn bắt đầu từ cơ quan hành pháp. Bởi thế, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong sửa đổi các đạo luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt thể chế. Sự “thần tốc” ấy cũng nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, theo lời người đứng đầu Chính phủ.
3.
Trải qua không ít thăng trầm ngay từ đầu nhiệm kỳ này, nền kinh tế đứng trước “mệnh lệnh” tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Dù đã “phá lệ” tới 9 lần trong một nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn đang đứng trước bộn bề công việc, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận xét, thể chế vẫn đang là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Đã là điểm nghẽn thì nhất định phải gỡ, gỡ toàn diện và quyết liệt, như đề xuất của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội. Tất nhiên, dù có họp sớm hơn 2 tuần, dù có thời gian dài nhất trong nhiệm kỳ thì vẫn phải xác định thứ tự ưu tiên, mà một trong số đó là cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế - như thông điệp từ bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi đón nhận thông tin Đảng và Nhà nước đã chính thức xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy đã phản ánh như thế ở phiên họp tháng 4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội khóa XV, với sự đổi mới không ngừng trong một nhiệm kỳ đặc biệt, chỉ có thể nỗ lực hơn nữa để nhân lên niềm vui này, từ những quyết sách kịp thời, đúng đắn, kéo gần hơn khoảng cách từ cuộc sống tới nghị trường.