Sau 50 năm thống nhất đất nước, với công cuộc Đổi mới và chính sách mở cửa, hội nhập, Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất Đông Nam Á, trở thành một đối tác thương mại và đầu tư ngày càng quan trọng trên toàn cầu. Đó cũng là cảm nhận chung của đại sứ các nước tại Việt Nam.
![]() |
Ngài Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. |
Việt Nam đang trở thành đối tác ngày càng hấp dẫn trong thương mại và đầu tư.
- Ngài Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Sự chuyển đổi kinh tế đáng chú ý của Việt Nam trong những thập kỷ qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động và cởi mở nhất trong khu vực. Việt Nam đang trở thành đối tác ngày càng hấp dẫn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu.
Vương quốc Anh tự hào được tham gia hành trình này. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, đạt khoảng 7,1 tỷ bảng Anh vào năm 2024. Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam có hiệu lực vào năm 2021 đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra một chương mới trong mối quan hệ kinh tế của hai nước chúng ta. Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ quan hệ đối tác thương mại và đầu tư mạnh mẽ, minh bạch và bền vững với Việt Nam.
Hai nước đang cùng nhau phát triển các sáng kiến trong các ngành công nghiệp chủ chốt của tương lai, như phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng, trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo, cũng như đổi mới giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
![]() |
Bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam. |
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.
- Bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam
Chỉ trong vài thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một cường quốc kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á. Bắt đầu với sự nghiệp “Đổi mới" vào những năm 1980 và mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã phát triển để trở thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng trên toàn cầu.
Thương mại song phương giữa Đức và Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt hơn 20 tỷ USD năm 2024. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.
Việt Nam đã phát triển thành một trung tâm đầu tư quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức tại ASEAN, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống hơn như sản xuất và hóa chất, cũng như trong các lĩnh vực hướng đến tương lai như điện tử, tài chính và công nghệ thông tin.
Từ năm 2025 trở đi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Đức và Việt Nam hứa hẹn rất nhiều triển vọng. Quan hệ đối tác này không chỉ quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia, mà còn đóng vai trò là liên minh chiến lược trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp. Trong thời đại bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, Đức và EU là những đối tác đáng tin cậy bên cạnh Việt Nam.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Đây là minh chứng cho thấy, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã phát triển từ quan hệ thương mại ban đầu thành sự hợp tác sâu sắc và năng động trong nhiều lĩnh vực.
Sự kiện này không chỉ nêu bật thành công về kinh tế của Việt Nam, mà còn cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa trong mối quan hệ song phương, tạo cơ hội cho cả hai quốc gia trong những năm tới. Đức sẵn sàng hỗ trợ quá trình hiện đại hóa đang diễn ra của Việt Nam thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ và trao đổi giáo dục.
![]() |
Ngài Denny Abdi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam. |
Phát triển thế hệ trẻ sẽ là nền tảng cho hợp tác trong tương lai.
- Ngài Denny Abdi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam
Kể từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam ghi nhận sự phát triển thực sự ấn tượng. Được thúc đẩy bởi việc khởi động các cải cách và sự nghiệp “Đổi mới" vào năm 1986, tiếp theo là việc gia nhập ASEAN năm 1995 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng này, hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam cũng cải thiện đáng kể. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 16,7 tỷ USD vào năm 2024, gấp đôi so với con số 8,07 tỷ USD vào năm 2020.
Sự hợp tác của hai nước đang trải rộng trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, dệt may, thiết bị điện, phụ tùng và linh kiện ô tô. Với việc nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3/2025, tiềm năng hợp tác kinh tế sâu sắc và đa dạng hơn giữa hai nước là rất lớn.
Phát triển thế hệ trẻ sẽ là nền tảng cho hợp tác trong tương lai, mở ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, kinh tế số và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và thịnh vượng chung cho hai quốc gia.
![]() |
Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam. |
Tăng cường quan hệ đối tác trong khung khổ Quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu.
- Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Trong những thập kỷ qua, sự chuyển đổi của Việt Nam thực sự đáng chú ý. Kể từ khi thực hiện cải cách, Việt Nam đã nổi lên như một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, kết hợp sự cởi mở với thị trường toàn cầu với tầm nhìn phát triển rõ ràng. Pháp là đối tác lâu năm và đáng tin cậy trong hành trình này của Việt Nam.
Là một trong những quốc gia đầu tiên hỗ trợ cải cách của Việt Nam, Pháp đã huy động hơn 3 tỷ euro thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để tài trợ cho các dự án hạ tầng, phát triển bền vững và khả năng phục hồi khí hậu như đường sắt, tàu điện ngầm (tuyến tàu điện ngầm Hà Nội số 3) và năng lực phát triển năng lượng xanh.
Pháp cũng cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ chuyên gia và nhà hoạch định chính sách người Việt Nam. Tại Việt Nam, các tổ chức đào tạo như Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý đang nỗ lực hàng ngày để đào tạo thế hệ giám đốc điều hành tiếp theo của Việt Nam - những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo.
Có gần 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, đưa Pháp trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn mới - giai đoạn tập trung vào cả việc thúc đẩy và làm giàu cho tăng trưởng - Pháp và các công ty của mình đã sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác trong khung khổ Quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu.
![]() |
Ngài Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. |
Thụy Điển cam kết là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong chuyển đổi số.
- Ngài Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam
Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng. Khi đất nước tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc cải cách quản lý công và chuyển đổi số được xác định là thiết yếu để đảm bảo quản lý mạnh mẽ và hiệu quả trong tương lai.
Thụy Điển cam kết mạnh mẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong việc hỗ trợ đổi mới và chuyển đổi số bền vững. Các công ty Thụy Điển là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực bền vững và giải pháp xanh. Hiện có hơn 70 công ty Thụy Điển hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Thụy Điển sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thông qua những nỗ lực hợp tác này, Việt Nam có thể mong đợi một tương lai với một hệ thống quản lý mạnh mẽ, hiệu quả và minh bạch. Điều này không chỉ giúp đất nước tiến tới tầm nhìn đầy tham vọng vào năm 2045, mà còn đảm bảo để những lợi ích từ sự phát triển được lan tỏa tới tất cả công dân, tạo ra một xã hội thịnh vượng và bao trùm.
![]() |
Ngài Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. |
Thương mại song phương đạt khoảng 15 tỷ USD/năm và có triển vọng tăng trưởng hơn nữa.
- Ngài Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam
Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, trong khi Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Những mục tiêu này được hỗ trợ bởi sự quyết tâm của hai chính phủ, các doanh nhân năng động và những công dân có tinh thần phấn đấu ở cả hai quốc gia.
Tăng trưởng và phát triển kinh tế ở cả Ấn Độ và Việt Nam đều được thúc đẩy bởi việc xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc, mở rộng các dự án sản xuất và phân phối điện, sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa hướng tới tương lai, ngoại thương, ứng dụng các giải pháp số, đổi mới sáng tạo, các công nghệ mới nổi như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Các lĩnh vực này cũng định hướng cho các nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Thương mại song phương giữa hai nước hiện đạt khoảng 15 tỷ USD/năm và có triển vọng tăng trưởng hơn nữa. Thực tế cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng tăng nhờ khả năng cạnh tranh.