
Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội
Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, không nửa vời
Trực tiếp báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ chín vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái quát, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
“Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 4 tháng đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế”, người đứng đầu Chính phủ nêu những con số tích cực.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít hạn chế cần được xử lý quyết liệt, như hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2025 có 68.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,9%. Trong khi đó, có 89.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9%.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chỉ đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (12,27%). Sức mua trong nước phục hồi, nhưng còn chậm, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Mỹ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Cho rằng, thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm với quyết tâm rất cao, trong đó có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó là bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.
Hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cũng là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập.
“Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tính thêm nguồn lực cho phát triển
Trình Quốc hội nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013
Sáng nay (7/5), Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Không chỉ đề xuất Quốc hội điều chỉnh một số nội dung về ngân sách, mà tại kỳ họp này, Chính phủ cũng có thêm những kiến nghị cả về cơ chế để dồn sức cho tăng trưởng.
“Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha”, Thủ tướng thông tin.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc. Giao Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Nghị quyết số 170/2024/QH15. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Vẫn nằm trong giải pháp về nguồn lực, điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, cũng là giải pháp được Thủ tướng đề cập.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
“Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo. Đồng thời, thực hiện cắt giảm chi tương ứng khi thu không đạt dự toán”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị.
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện một số chủ trương lớn về sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông trong hệ thống trường công lập…, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần thiết trình Quốc hội xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành NSNN năm 2025.
Một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất là cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo báo cáo của Chính phủ, nhu cầu kinh phí cần bố trí khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2025, bảo đảm mức bố trí đạt 3% tổng chi NSNN. Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 25.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024. Đồng thời, trình Quốc hội cho phép giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện. Trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 theo phê duyệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng chưa đảm bảo mức bố trí ít nhất 3% chi NSNN năm 2025 cho nhiệm vụ nêu trên, thì trình Quốc hội cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
Các khoản này gồm chi đầu tư phát triển ngoài phạm vi Luật Đầu tư công chưa phân bổ năm 2025 (thanh toán xử lý bù giá cho Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư), nguồn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn chưa phân bổ của các nhiệm vụ thực hiện chính sách, chế độ.
Nhất trí về chủ trương, song Chủ nhiệm Phan Văn Mãi lưu ý, để bảo đảm việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, đề nghị Chính phủ rà soát trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phân bổ cho các nhiệm vụ đã rõ, có nội dung chi theo thẩm quyền. Đối với nhiệm vụ còn lại, giao Chính phủ khẩn trương có phương án phân bổ, giao dự toán chi tiết, bảo đảm việc thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo nghị trình, sáng 22/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Cử tri và đại biểu lo ngại về giá vàng
Biến động mạnh và khó dự đoán của giá vàng trong thời gian vừa qua có thể kéo theo lạm phát, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và đời sống kinh tế nói chung. Đây là một trong nhiều lo lắng của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng đánh giá, giá vàng trong nước đang trải qua những biến động khó lường, với những đợt tăng phi mã lên đỉnh lịch sử rồi lại sụt giảm nhanh chóng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có thời điểm ở mức rất cao, tạo ra không ít lo ngại về những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Sự bất ổn này không chỉ gây rủi ro lớn cho người dân nắm giữ vàng, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính và tâm lý nhà đầu tư.