Cần “van, khóa” để chống thâu tóm hợp tác xã

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên hạn chế quyền chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vẫn cần có “van”, có “khoá” để tránh trục lợi, thâu tóm.
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Thực tế đã có hiện tượng thâu tóm

Đạt được sự thống nhất cao về nhiều vấn đề lớn, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được nhiều ý kiến đánh giá cao tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (diễn ra từ ngày 5 đến 7/4).

Tiếp thu ý kiến đại biểu, trong đó có sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo đã dành riêng một điều quy định về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Theo đó, Điều 81 quy định, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhằm hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Một vấn đề khác cũng đã được tiếp thu là quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định tại Điều 78 cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu. Tuy nhiên, Dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ông Thanh giải thích, quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”.

Phương án này cũng nhằm hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Bên cạnh một số vị đại biểu tán thành, có ý kiến cho rằng, lập luận trên chưa thực sự thuyết phục. Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, vốn của các thành viên hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

“Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế quyền tài sản, không được mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện, thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Mà nếu đã hạn chế, thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa”, ông Lâm lo ngại.

Theo đại biểu Lâm, không nên giới hạn quyền mua bán, chuyển nhượng của các thành viên đóng góp tài sản để hình thành nên tài sản của tổ chức kinh tế tập thể. Khi chuyển nhượng này thay đổi tính chất của hợp tác xã, thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp, thay vì cấm hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã.

“Lúc đó coi như là kết nạp thành viên mới thôi, có gì đâu. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên, thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả”, ông Lâm lập luận.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu thực tế khi làm việc với Saigon Coop là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước rất nhiều và “cũng đã có hiện tượng chui vào trong đó rồi chuyển nhượng, chuyển đổi và thâu tóm”. Vì thế, Dự thảo luật quy định cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu, còn chưa cho chuyển ra ngoài.

“Chúng tôi đã cố gắng đưa ra ‘van’, ra ‘khóa’, quy định làm sao để chống hiện tượng trục lợi, thâu tóm hợp tác xã. Tới đây, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để xử lý”, ông Thanh cho hay.

Mua thuốc, vật tư y tế sẽ “dễ thở” hơn

Cũng trong ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). “So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, dự thảo trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết.

Liên quan đến mua thuốc, vật tư y tế - vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, ông Toàn thông tin, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau khi làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế - cơ quan soạn thảo.

Cụ thể, Điều 23 về chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”.

Điều 28 về hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”.

Chương V quy định về “mua sắm tập trung, mua thuốc”, trong đó Điều 56 quy định bao quát các trường hợp mua hóa chất, trang thiết bị y tế, gồm quy định rõ về thời hạn đấu thầu hóa chất đi kèm sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay là 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực. Quy định việc lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ y tế để đảm bảo tính hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tham gia thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng, vẫn cần phải tính toán thêm về đấu thầu thuốc. “Thuốc liên quan tới tính mạng, không thể chậm trễ. Có nhiều bệnh viện năng lực, mua thuốc rất đơn giản, phù hợp giá cả thị trường. Thế nhưng, cuối cùng cứ phải chờ sở đấu thầu, trình các ban, ngành”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu thực tế và nhấn mạnh, như vậy là bất cập, vì thế, cần xem xét quy định đấu thầu tập trung thế nào cho phù hợp trong lần sửa đổi này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), người có nhiều năm công tác trong ngành y đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện với hàng hóa số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm (chứ không chỉ với số lượng lớn), vì như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, còn quá ít, từng đơn vị mua thì không ai bán cả. Hơn nữa, như vậy mới đảm bảo có thuốc hiếm như thuốc chữa bệnh chảy máu, thuốc để sử dụng trong ghép tế bào gốc... để phục vụ bệnh nhân ở tất cả bệnh viện, qua đó giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo đại biểu Trí, quy trình mua sắm gói gọn lại chỉ có 2 loại: đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp quốc gia lựa chọn nhà thầu, mà quan trọng nhất là chất lượng và giá (tức giá trần); sau đó, cơ sở y tế có nhu cầu căn cứ đấu thầu tập trung đã có đó để lựa chọn nhà thầu với số lượng phù hợp cơ sở của mình và giá không cao hơn giá trần.

Góp ý về đàm phán giá, đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu, Điều 28 quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc là biệt dược hoặc là thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế, bởi thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực ung thư, máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm... thường chỉ có 1 đến 2 hãng sản xuất hoặc là bán hàng tại Việt Nam. Tương tự, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch ở mỗi lĩnh vực cũng hạn chế nhà cung cấp. Thiết bị y tế, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh.

“Cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất, điều này có lợi cho cả bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế, bởi chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh”, ông Khảm phát biểu.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lên bàn nghị sự

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 2/3 thời gian của hôm nay (7/4) được dành để thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thời gian qua, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo đã được thực hiện nghiêm túc, nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân. Sơ bộ đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý, chất lượng góp ý lần này rất tốt. Sau hội nghị này, căn cứ kết quả lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm.

Tin bài liên quan