Yêu cầu hàng đầu đối với mỗi kiểm toán viên là tính độc lập trong hoạt động và tinh thông nghiệp vụ.

Yêu cầu hàng đầu đối với mỗi kiểm toán viên là tính độc lập trong hoạt động và tinh thông nghiệp vụ.

Cảnh báo tình trạng lỏng lẻo trong hoạt động kiểm toán

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện cả nước có 140 công ty kiểm toán (CTKT) đang hoạt động với 4.600 người làm việc, hơn 1.500 người có chứng chỉ kiểm toán viên. Năm 2007, các CTKT đã cung cấp trên 20 loại dịch vụ cho 18.000 khách hàng với doanh thu 1.200 tỷ đồng. Mặc dù luôn được đánh giá là số lượng công ty còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng nền kinh tế, nhưng bản thân chất lượng dịch vụ của các CTKT cũng như mỗi kiểm toán viên cũng đang là vấn đề nhức nhối. Điều này là do bất cập của những quy định hiện hành.

CTKT theo mô hình "hợp tác xã"

Theo quy định, chỉ cần có 3 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ trở lên là có thể thành lập CTKT. Do là ngành dịch vụ có điều kiện đặc thù nên không yêu cầu vốn lớn. Hiện xuất hiện tình trạng mỗi CTKT có 3 kiểm toán viên, họ cố kết lại thành lập CTKT chỉ nhằm mục đích có tư cách pháp nhân. Dựa trên quan hệ của mình, kiểm toán viên sẽ tự tìm khách hàng và ký hợp đồng. Như vậy, mỗi báo cáo kiểm toán chỉ do một người thực hiện, mà không có quy trình giám sát rủi ro. Kiểm toán viên có khi đồng thời là giám đốc CTKT ký vào bản báo cáo đó. Như vậy, sẽ mất đi tính khách quan, trung thực, độc lập trong báo cáo kiểm toán.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cách làm trên dễ dẫn đến những thỏa thuận ngầm giữa kiểm toán viên và DN để thông qua báo cáo kiểm toán. Hoặc do không có quy trình kiểm soát rủi ro, nên các CTKT có thể đưa ra những báo cáo kiểm toán có quá nhiều điểm ngoại trừ. Ông Hải cho rằng, những quy định hiện nay tương đối thông thoáng cho việc thành lập CTKT, nhưng đối với CTKT được chấp thuận nhất định phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, bởi nếu thực hiện việc kiểm toán không tốt tại các DN niêm yết, công ty đại chúng sẽ gây thiệt hại khôn lường cho NĐT.

Trong lĩnh vực kiểm toán, yêu cầu hàng đầu đối với mỗi kiểm toán viên là tính độc lập trong hoạt động và tinh thông nghiệp vụ. Độc lập để có thể đưa ra những kết luận khách quan trong mỗi báo cáo tài chính, giỏi về nghiệp vụ để phát hiện những khuất lấp trong báo cáo tài chính. Nhưng với nhiều CTKT, nhất là công ty nhỏ theo mô hình "hợp tác xã" như hiện nay thì phần lớn kiểm toán viên đều thiếu hai tố chất này.

Vì sao?

Những câu chuyện trên xảy ra chủ yếu ở các CTKT quy mô nhỏ, nhưng nhìn rộng ra về mặt pháp lý cho hoạt động kiểm toán vẫn còn nhiều lỗ hổng. Kiểm toán độc lập hiện nay hoạt động theo Nghị định 105/2004/NĐ-CP và Nghị định 133/2005/NĐ-CP. Theo một quan chức của Bộ Tài chính, các nghị định này chưa quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của kiểm toán viên và CTKT. Có hiện tượng kiểm toán viên, thậm chí người đứng đầu CTKT có thể vừa làm ở CTKT, vừa làm ở DN khác không phải là CTKT; có trường hợp kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề nhưng trên thực tế không hành nghề, không ký báo cáo kiểm toán; có hiện tượng cho mượn, cho thuê chứng chỉ kiểm toán viên. Các hiện tượng trên xảy ra chủ yếu tại nhiều CTKT nhỏ và những vấn đề này chưa quy định rõ trong các nghị định về hoạt động kiểm toán nên không có cơ sở xử lý.

Trong các nghị định trên cũng chưa quy định những nội dung liên quan đến hoạt động kiểm toán như: bắt buộc hồ sơ kiểm toán phải qua 3 cấp soát xét, kiểm tra chất lượng hoạt động kiểm toán của từng CTKT… Một trong những vấn đề rất quan trọng là tiêu chí xác định điểm ngoại trừ và không ngoại trừ cũng chưa được quy định.

Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán - kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, tiêu chí ngoại trừ hiện nay do CTKT tự đưa ra. Tuy nhiên, không có nhiều công ty đưa ra tiêu chí trọng yếu phải ngoại trừ, mà chỉ có các công ty nước ngoài và một số công ty lớn trong nước xây dựng được. Bộ Tài chính vừa tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Kiểm toán độc lập. Dự kiến, đến tháng 5/2010, dự thảo bộ luật này sẽ được Quốc hội thông qua. Và từ nay tới đó, không ai dám chắc sẽ không còn những vụ việc liên quan đến kiểm toán như tại CTCP Bông Bạch Tuyết vừa qua.