Cebu Pacific Air đâu chỉ là anh hùng nhất khoảnh

Cebu Pacific Air đâu chỉ là anh hùng nhất khoảnh

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, Cebu Pacific Air, một trong số những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, bên cạnh các tên tuổi lớn như Air Asia, Tiger Airways..., đã thực hiện thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Manila (Philippines).

Cebu Air đã bán ra 186,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,4% cổ phần). Trong phiên giao dịch ngày 26/10/2010, tại Sở GDCK Manila, ở thời điểm đóng cửa, giá 1 cổ phiếu của Cebu Air là 133 pesos, tăng 6,4% so với giá chào sàn (125 pesos). Như vậy, tổng trị giá IPO của Cebu Air đạt 23,3 tỷ pesos (539 triệu USD).

IPO của Cebu Air lập một số kỷ lục mới tại thị trường chứng khoán Philippines.

Thứ nhất, đó là IPO đầu tiên trong lĩnh vực hàng không ở nước này.

Thứ hai, đây là IPO lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện tại Philippines (xét theo giá trị đồng USD), bởi nếu xét theo đồng nội tệ - đồng pesos thì chỉ đứng thứ hai, sau IPO của Tập đoàn SM Investment Corp. thực hiện năm 2005 có tổng trị giá là 28,75 tỷ pesos. Song cách đây 5 năm, theo tỷ giá hối đoái khi đó, 1 USD đổi được 55,1 pesos, còn hiện nay đồng pesos đã mạnh hơn, nên 1 USD chỉ còn đổi được 43 pesos. Vì thế, xét theo giá trị đồng USD, thì IPO của SM Investment Corp. chỉ đạt 522 triệu USD, hụt 17 triệu USD so với IPO của Cebu Air.

Ông Hans Sicat, Chủ tịch Sở GDCK Manila nhận xét, Cebu Air lên sàn đúng vào thời điểm thuận lợi nhất trong nhiều năm qua, nên kết quả thu được khá khả quan. Chỉ số chứng khoán cơ bản PSEi của Thị trường chứng khoán Philippines tăng 40,43% so với thời điểm này năm ngoái, một tốc độ tăng ngoạn mục, đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á chỉ sau Chỉ số JSX Composite Index của Thị trường chứng khoán Indonesia.   

Cũng phải thừa nhận một thực tế là, thương hiệu Cebu Air không quá xa lạ với phần đông người dân Philippines. Trước hết, Cebu là thành phố lớn thứ hai ở Philippines, chỉ sau Thủ đô Manila. Tiếp theo, Cebu Air cũng là hãng hàng không lớn thứ hai ở Philippines, sau Philippine Airlines.

Một số nhà phân tích nhận xét, với việc huy động hơn nửa tỷ USD, Cebu Air phần nào đã khuấy động sàn GDCK Manila. Cebu Air được coi như người hùng của thời điểm này và là bài học thành công cho nhiều doanh nghiệp đang có ý định lên sàn.

Thế nhưng, cũng đã có nhận xét được xem là đi ngược với xu hướng "lăng xê" Cebu Air một cách thái quá. Ý kiến này cho rằng, dù đang thịnh, nhưng dẫu sao Cebu Air cũng chỉ là "người hùng" địa phương cỡ quốc gia thôi (nguyên văn tiếng Anh là local hero). Hay nói một cách dân dã thì chỉ là "người hùng nhất khoảnh", chưa thể địch lại được các "đại gia" khu vực ASEAN, chứ đừng nói trên thế giới.

So với IPO của Tập đoàn bảo hiểm AIA được thực hiện tại Sở GDCK Hồng Kông (có giá trị 20,5 tỷ USD) ở gần như cùng thời điểm, thì giá trị IPO của Cebu Pacific Air chỉ bằng một phần nhỏ, chỉ lớn hơn số lẻ một chút. Ngay so với các IPO gần đây ở khu vực Đông Nam Á, thì IPO của Cebu Air cũng còn thua xa.

Ở Sở GDCK Singapore, cũng trong tháng 10, Global Logistic Properties Ltd., công ty con chuyên về bất động sản của Tập đoàn quản lý và kinh doanh vốn nhà nước Government of Singapore Corp. (bên cạnh Temasek) đã thực hiện một IPO hoành tráng có trị giá tới 3,9 tỷ dollar Singapore (gần 3,1 tỷ USD). Còn tại Sở GDCK Kuala Lumpur, Petronas Chemical Group, một công ty con của Tập đoàn dầu khí Petronas sắp chào sàn với giá trị dự kiến lên tới 4 tỷ USD.

Ông Lance Gokongwei, Giám đốc điều hành Cebu Air nhận xét, mọi so sánh đều khập khiễng, song tiềm năng phát triển của Cebu Air là rất lớn, từ nay đến năm 2014, hãng đặt mua thêm 22 chiếc máy bay A320 mới.

Cũng theo ông Lance Gokongwei,  Tập đoàn JG Summit Holdings (nằm dưới sự kiểm soát của gia đình Gokongwei, một trong số những dòng họ giàu có nhất Philippines) nắm cổ phần chi phối Cebu Air đã có sẵn lượng tiền mặt đủ lớn để có thể sẵn sàng tham gia việc mua lại một số sân bay trong chương trình tư nhân hóa hệ thống sân bay của Chính phủ Philippines.

Philippines hiện có 4 sân bay quốc tế và 80 sân bay nội địa lớn, nhỏ. Chính phủ Philippines đang có kế hoạch tư nhân hoá một số sân bay trong số này.

Được thành lập ngày 26/8/1988, Cebu Air bắt đầu bay thương mại từ ngày 8/3/1996. Tính đến nay đã hơn 14 năm. Cebu Air đang có kế hoạch mở rộng quy mô bay quốc tế, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.

Từ ngày 30/10 vừa qua, Cebu Air đã tăng số chuyến bay trên tuyến Manila - Đài Bắc (Đài Loan) từ 5 chuyến/tuần lên 7 chuyến/tuần, đồng thời cũng nâng quy mô trên tuyến Manila - Singapore lên mỗi ngày một chuyến. Từ ngày 15/12 tới, Cebu Air  tiếp tục tăng 4 chuyến/tuần lên 7 chuyến /tuần ở đường bay Manila - Kuala Lumpur (Malaysia) và ngày 19/12 ở tuyến Manila - Jakarta (Indonesia) lên 4 chuyến/tuần…

Nhìn vào chương trình mở rộng rầm rộ ở tầm khu vực như thế này, ai dám bảo Cebu Air chỉ là người hùng nhất khoảnh?