Quá trình phi đô la hóa của châu Á có xu hướng trỗi dậy

Quá trình phi đô la hóa của châu Á có xu hướng trỗi dậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự tăng giá đột ngột của đồng đô la Đài Loan và các tiền tệ châu Á khác trong những ngày gần đây đã làm nổi bật triển vọng phi đô la hóa trở nên sâu sắc hơn ở khu vực khi các nhà đầu tư xem xét lại khoản đầu tư vào đồng đô la Mỹ trong bối cảnh bất ổn về thuế quan.

“Các nền kinh tế có truyền thống tiếp xúc rất nhiều với các tài sản được tính bằng đô la Mỹ đã bị ảnh hưởng sau khi đồng tiền này suy yếu trong những tuần gần đây”, Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng ING cho biết.

Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng đô la Đài Loan đã dừng lại sau khi cơ quan tiền tệ của Đài Loan (Trung Quốc) kêu gọi các nhà sản xuất giữ bình tĩnh và tránh "bán tháo đồng đô la Mỹ do kỳ vọng phi lý dựa trên các phân tích quá mức hoặc không đúng sự thật trên thị trường".

Đồng đô la Đài Loan đã giảm hơn 3% so với đồng đô la Mỹ vào thứ Ba (6/5) sau một đợt tăng mạnh 9% chỉ trong hai ngày giao dịch trước đó và đạt mức cao nhất trong ba năm, đồng thời ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong ngày vào thứ Hai (5/5) kể từ ít nhất năm 1981 theo dữ liệu của LSEG. Bất chấp sự suy giảm, đồng đô la Đài Loan vẫn tăng hơn 8% trong năm nay so với đồng đô la Mỹ.

Theo David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​những động thái tiền tệ biến động hơn những gì chúng tôi đã thấy trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á".

Các chuyên gia cho biết, những biến động tăng mạnh gần đây của đồng tiền này chủ yếu là do các nhà xuất khẩu vội vã chuyển đổi lượng đồng đô la Mỹ dự trữ sang đồng đô la Đài Loan khi đồng đô la Mỹ suy yếu và các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng cường phòng ngừa rủi ro cho các khoản nợ bằng đô la Mỹ.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong số những công ty nắm giữ trái phiếu Mỹ lớn nhất châu Á và đang nắm giữ lượng trái phiếu đô la Mỹ khổng lồ.

Theo Hu Jin-li, giáo sư tại Viện Kinh doanh và Quản lý thuộc Đại học Quốc lập Dương Minh Giao Thông tại Đài Bắc, có nhiều đồn đoán rằng sự tăng giá của đồng tiền này so với đô la Mỹ là một phần của các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).

“Đồng đô la Đài Loan mạnh hơn có thể làm giảm biên lợi nhuận cho lĩnh vực công nghệ xuất khẩu nặng của nền kinh tế… Các nhà sản xuất chip và thiết bị điện tử trong nước, những công ty kiếm được phần lớn doanh thu bằng đô la Mỹ, sẽ cảm thấy khó khăn khi những khoản đó chuyển thành ít đô la địa phương hơn”, Stefan Angrick, Phó giám đốc kiêm chuyên gia kinh tế cấp cao của Moody's Analytics cho biết.

Nhưng xu hướng các nhà đầu tư châu Á rời xa các tài sản bằng đô la Mỹ vẫn chưa kết thúc, khi đồng đô la Đài Loan có thể chỉ là quân cờ domino đầu tiên.

Việc các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) bán tháo quỹ ETF thu nhập cố định của Mỹ trùng với sự gia tăng của đồng đô la Đài Loan đã được George Saravelos, Trưởng phòng nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank gọi là "Hiệu ứng Đài Loan".

“Tình trạng hỗn loạn này chỉ là một lời cảnh báo vì các nền kinh tế khu vực khác có thể bán tháo tài sản của Mỹ… Những động thái tương tự này có thể xảy ra với các tiền tệ khác, mà các nhà đầu tư tổ chức bị bỏ lại với một lượng lớn các vị thế tài sản đô la Mỹ không được phòng hộ. Đồng yên Nhật ngay lập tức hiện ra trong tâm trí", ông cho biết.

Theo ông Stefan Angrick: “Khi các nhà đầu tư xem xét lại rủi ro của đồng đô la Mỹ, các hiệu ứng lan tỏa có thể lan rộng ra xa hơn nhiều so với Đông Á”.

Một số nhà phân tích cho rằng, quan điểm không mấy ôn hoà của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh - thể hiện qua thuế quan đối với hầu hết mọi nền kinh tế lớn trên toàn cầu - đã gây ra xu hướng phi đô la hóa.

Trong khi đó, hành động mặc định truyền thống của nhiều quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ là đầu tư số đô la Mỹ đó vào các tài sản như trái phiếu Kho bạc Mỹ, nhưng cách suy nghĩ đó đã bắt đầu thay đổi.

“Trong một cuộc khủng hoảng, bạn không biết liệu mình có thể tin tưởng vào Mỹ nữa hay không. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn rất khác của tiêu chuẩn toàn cầu về đồng đô la”, Louis-Vincent Gave, CEO của công ty dịch vụ tài chính Gavekal cho biết.

Mặt khác, sự gia tăng của đồng đô la Đài Loan cũng làm nổi bật nhu cầu theo dõi chặt chẽ các hệ thống tài chính của khu vực Đông Á.

“Khu vực này là nơi có một số nhà đầu tư quốc tế ròng lớn nhất thế giới, do đó, sự biến động của tỷ giá hối đoái và sự thay đổi trong các chiến lược phòng ngừa rủi ro có thể thúc đẩy những động thái lớn hơn trên thị trường tài chính toàn cầu… Đồng đô la Đài Loan, đồng yên và đồng won vẫn ở mức thấp. Khi các nhà đầu tư xem xét lại rủi ro của đồng đô la Mỹ, các hiệu ứng lan tỏa có thể lan rộng ra xa hơn nhiều so với Đông Á”, ông Louis-Vincent Gave cho biết thêm.

Tin bài liên quan