Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(ĐTCK) Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 cho 5 bộ; Thành lập Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ  đầu tư tỉnh Nghệ An;  Bổ sung vốn thực hiện dự án về đăng ký doanh nghiệp;  Tập trung ứng phó mưa lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản...

Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH năm 2017


Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Cụ thể, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) kế hoạch năm 2017 khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP khoảng 31,5%, tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2017 là 41,45%.

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6-7%, tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, mức giảm tỉ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP so với năm 2016 là 1,5% là những chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được cho giao Bộ Công Thương.

Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 25,5 giường, tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 82,2%.

Những chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gồm: Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1-1,5%, trong đó giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 4%; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 55-57%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 22,5%.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước các chỉ tiêu liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, gồm: Thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo; nhiệm vụ điều tra cơ bản; nhiệm vụ sản xuất.

Căn cứ vào các chỉ tiêu được giao nêu trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thông báo cho các đơn vị liên quan các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 cho các đơn vị trước ngày 31/12/2016 để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và Quyết định này.

Đồng thời, định kỳ hàng quý gửi báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Xây dựng Hòa Bình thành địa bàn cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch

Xây dựng tỉnh Hòa Bình thành một địa bàn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch và dịch vụ du lịch đa dạng cho vùng Thủ đô.

Nội dung trên được nêu rõ trong Thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần đổi mới tư duy phát triển và tư duy quản lý, có giải pháp đột phá để phát huy lợi thế (vị trí địa kinh tế, truyền thống văn hoá  đặc sắc đa dạng, tiểu khí hậu, tài nguyên…) phát triển kinh tế-xã hội; tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường; rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh; tăng cường liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng và triển khai cho vay theo chuỗi liên kết; xây dựng Tỉnh thành một địa bàn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch và dịch vụ du lịch đa dạng cho vùng Thủ đô.

Đồng thời, tỉnh Hòa Bình tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, huy động và phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu đạt 5.000 doanh nghiệp đến năm 2020; tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, xuất khẩu hàng hóa với các nước.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; lựa chọn, nhân rộng mô hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc sản công nghệ cao (mía tím, cam, bưởi, gấc, dưa hấu, bí xanh, su su, tỏi tía, rau an toàn, dược liệu); phát triển chăn nuôi đại gia súc, thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.

Tỉnh Hòa Bình cần phát huy tiềm năng để phát triển du lịch: quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước; đặc biệt chú ý kiện toàn bộ máy quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phấn đấu năm 2020 đạt 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 2% so với mức bình quân 1-1,5% của cả nước và 4% đối với huyện nghèo...

Thành lập Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ  đầu tư tỉnh Nghệ An

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An.

Trung tâm đặt trụ sở chính tại số 3 đường Trường Thi, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ  đầu tư tỉnh Nghệ An theo quy định của pháp luật.

Cấp phép thăm dò, khai thác nguồn nước khoáng nóng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc cấp phép thăm dò, khai thác nguồn nước khoáng nóng tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung khu vực nước khoáng nóng tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, khai thác nước khoáng nóng tại khu vực nêu trên theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản.

Bổ sung vốn thực hiện dự án về đăng ký doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Mở rộng các loại hình doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia" do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Trước đó, Dự án "Mở rộng các loại hình doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia" được thực hiện với tổng kinh phí là 5.450.000 USD; trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại của UNIDO là 4.750.000 USD. Nay Dự án được bổ sung thêm 1.049.560 USD do UNIDO tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO).

Với việc thêm nguồn vốn, Dự án sẽ xây dựng cơ chế phối hợp hợp một cửa giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Điều chỉnh Dự án hỗ trợ phòng, chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh nội dung chủ trương đầu tư Dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" sử dụng vốn vay ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của Dự án là góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thông qua xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là xây dựng mô hình Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là cho nạn nhân của bạo lực tình dục tại Quảng Ninh; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới; nâng cao nhận thức về ngăn ngừa bạo lực giới đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, tại nơi công cộng và nơi làm việc thông qua các chiến dịch tại địa phương.

Kết quả chính mà Dự án mang lại là thiết lập và vận hành mô hình trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới theo mô hình đã thành công của Hàn Quốc; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là phòng, chống quấy rối tình dục tại cấp Trung ương và địa phương...

Dự án được đầu tư với tổng kinh phí là 2.560.000 USD.

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy làm 6 người tử vong

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy tại hẻm số 453 đường Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp phòng ngừa chung.

Cụ thể, vụ cháy xảy ra vào khoảng 0 giờ ngày 16/12/2016 tại ngôi nhà trong hẻm số 453 đường Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh làm 6 người chết và 4 người bị thương. Đây là vụ cháy rất nghiêm trọng làm chết nhiều người.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp hỗ trợ kịp thời các nạn nhân và thân nhân người bị thiệt hại; chỉ  đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp phòng ngừa chung.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1926/CĐ-TTg ngày 2/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân, đặc biệt là trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc sắp đến.

Tập trung ứng phó mưa lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó với mưa lũ ở khu vực miền Trung.

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, ứng phó của các cơ quan chỉ đạo ở trung ương và địa phương.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động tổ chức di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, qua đó góp phần hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, thiệt hại do mưa lũ còn lớn: 65 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bị sạt lở, chia cắt, ách tắc nhiều đoạn, tổng thiệt hại vật chất trên 7.000 tỷ đồng; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thiên tai chưa phát huy hiệu quả cao, còn một bộ phận người dân thiếu kỹ năng ứng phó...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt, các địa phương tập trung ứng phó với mưa lũ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động khắc phục hậu quả, kiểm soát bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; khôi phục công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sớm ổn định chỗ  ở và đời sống; huy động nguồn lực từ quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa phát triển các trạm đo mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai ở cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai ở địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ làm cơ sở cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cơ sở hạ tầng, bổ sung phương án phòng tránh, ứng phó thiên tai phù hợp với thực tế; đánh giá tác động của hệ thống hạ tầng, nhất là công trình giao thông, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tới lũ lụt vừa qua, đề xuất giải pháp căn cơ chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại khi mưa lũ.

Giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, hư hỏng trên các trục giao thông chính, bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các đoạn tuyến, công trình gây cản trở thoát lũ, xây dựng kế hoạch, triển khai biện pháp xử lý cụ thể, mở rộng khẩu độ thoát lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh bất cập (nếu có) của Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, hạn chế tác động tiêu cực, thiệt hại do xả lũ. Có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện, khắc phục nhanh các sự cố, bảo đảm cung ứng điện cho người dân; đồng thời bảo đảm các hàng hóa thiết yếu, không để lợi dụng thiên tai tăng giá bất thường.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa làm cơ sở  điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với mưa, lũ, xử lý tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập.

Nâng cao trách nhiệm, chủ động của người dân

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm, chủ động của người dân, doanh nghiệp.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, quy định rõ trách nhiệm trong thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật và Quy trình vận hành, bảo đảm thông tin xả lũ kịp thời tới người dân. Xây dựng chế tài, kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ (bao gồm cả việc thông tin về xả lũ, không lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cần thiết theo quy định) dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu, đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhất là về chất lượng rừng liên quan đến phòng chống thiên tai; có kế hoạch trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần khắc phục tình trạng lũ lụt khi mưa, hạn hán trong mùa khô; chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát quy hoạch thoát lũ ở các vùng, các địa phương gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng và điều kiện mưa lũ hiện nay, từ đó xây dựng Đề án tổng thể đề xuất các giải pháp bảo đảm thoát lũ, hạn chế thiệt hại tại những khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt.

Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão lụt

Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát các công trình hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, có biện pháp xử lý các công trình gây cản trở thoát lũ; phối hợp với các địa phương rà soát bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt, hạn chế thiệt hại do thiên tai và tạo điều kiện quy hoạch lại sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà  ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát lại hệ thống các trung tâm, trạm tìm kiếm cứu nạn để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh phù hợp đáp ứng nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, nhất là tại khu vực miền Trung; đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch và phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, nhất là phương tiện phục vụ sơ tán người (xuồng cao su) khi xảy ra mưa lũ.

Khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.

Từ ngày 29/11 đến ngày 8/12/2016, tại các tỉnh miền Trung, từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, đã xảy ra liên tiếp các đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê, ở hai tỉnh đã có 26 người bị chết, mất tích (trong đó, Bình Định: 16 người, Quảng Ngãi: 10 người); nhiều diện tích lúa mới xuống giống và hoa màu trên địa bàn các tỉnh bị ngập, một số công trình cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi bị hư hại nghiêm trọng.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2176/CĐ-TTg ngày 07/12/2016.

Hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại

Đối với chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, với phương châm không để người dân bị đói, bị khát. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ gia đình bị mất nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.

Đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực bị ngập nước chảy xiết để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đi lại an toàn qua vùng ngập lũ, tránh những thiệt hại đáng tiếc do chủ quan.  

Ngay sau lũ rút, khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Khẩn trương vệ sinh trường, lớp học để học sinh trở lại trường học; rà soát, khắc phục các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Nhanh chóng phát triển sản xuất

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị sẵn phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp; có kế hoạch hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; phối hợp với địa phương rà soát thiệt hại về hồ đập, đê  điều, hệ thống thủy lợi để sớm khắc phục, nhanh chóng phát triển sản xuất.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc dự phòng, kịp thời xử lý hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Rà soát, xác định các công trình chưa phù hợp, gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn dân cư để có phương án khắc phục ngay sau lũ.

Bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ sinh hoạt của người dân

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm soát, điều tiết thị trường, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi, kịp thời chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của các địa phương, nhất là về lương thực, thuốc, hoá chất phục vụ vệ sinh môi trường để xử lý, hỗ trợ kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tin bài liên quan