Chính phủ còn "nợ" 60 văn bản dưới luật

Chính phủ còn "nợ" 60 văn bản dưới luật

(ĐTCK) Việc chậm ban hành văn bản dưới luật đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho các cá nhân, tổ chức và cả Nhà nước khi gặp những cản trở vướng mắc về mặt pháp lý trong sản xuất - kinh doanh.

Thiệt hại vì không có hướng dẫn

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Đến nay, 7 năm qua đi, một thông tư hướng dẫn liên ngành về xử lý tài sản bảo đảm vẫn chưa được ban hành.

Thiếu đi quy định về thủ tục hành chính để ngân hàng nói riêng và các bên nhận tài sản bảo đảm nói chung có thể thực hiện được quyền một cách nhanh chóng, thuận tiện. Thiếu đi hướng dẫn thủ tục hành chính, không cơ quan nào có liên quan “dám” thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển giao tài sản như nhà đất, ô tô... Điều này đang làm khó cho việc xử lý nợ ngân hàng.

Có lẽ đây là minh chứng cụ thể cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh Quốc hội đã ban hành. Theo đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), tính đến ngày 15/10/2013, Chính phủ còn nợ 98/200 văn bản phải ban hành để hướng dẫn cho 38 luật, pháp lệnh được Quốc hội khóa XIII ban hành.

Cập nhật mới nhất đến ngày 20/11 vẫn còn nợ hơn 60 văn bản. Đó là chưa kể đến các luật, pháp lệnh đã được ban hành từ các nhiệm kỳ trước đến nay vẫn còn “nợ” hướng dẫn.

Chính phủ còn "nợ" 60 văn bản dưới luật ảnh 1

Chưa có thông tư hướng dẫn về giao dịch đảm bảo và xử lý tài sản đảm bảo khiến việc xử lý nợ của ngân hàng rơi vào bế tắc

“Đây là một hạn chế lớn làm cho các quy định của luật, pháp lệnh chưa đi vào cuộc sống và ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của người dân cũng như các doanh nghiệp, tổ chức và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, đại biểu Luyến nói và cho rằng, chính điều này đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật không được đảm bảo ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Không chỉ chậm, chất lượng văn bản ban hành cũng là vấn đề khi thống kê cho thấy, 1/8 văn bản chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, nhiều văn bản chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, như Thông tư 24 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tồn tại 12 ngày, Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ tồn tại 30 ngày. Đặc biệt, nhiều luật vẫn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm, thậm chí có nguy cơ làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí và xuất hiện tình trạng các luật hình thành nhiều loại quỹ gây khó khăn cho Luật Ngân sách.

 

Thiếu sự phối hợp

Thảo luận về nguyên nhân và đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng văn bản chậm ban hành và kém chất lượng, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tăng sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị ban hành hoặc bổ sung điều chỉnh quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đối với việc nghiên cứu và tham gia xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành. Đặc biệt, với thông tư liên tịch, hiện đang là khâu gặp cản trở, vướng mắc nhiều nhất dẫn đến tình trạng chậm, nợ. Một số trường hợp do lợi ích cục bộ của ngành, bộ dẫn đến không thống nhất được ý kiến về các vấn đề chính sách.

“Nhiều văn bản cần có sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan nhưng sự tham gia phối hợp chưa cao. Trong khi có những nội dung cần xin ý kiến thì lại khó thống nhất do lợi ích nhóm. Tất cả đó là nguyên nhân làm chậm tiến độ ban hành văn bản”, đại biểu Tấn nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản có phần xuất phát từ chính Quốc hội khi ban hành các luật có nhiều quy định chỉ mang tính nguyên tắc chung chung và giao cho Chính phủ hướng dẫn. Trong một thời gian ngắn, Chính phủ rất khó ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả việc giám sát ban hành văn bản dưới luật của Quốc hội.

“Chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đếm xem Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương còn thiếu bao nhiêu văn bản, nhưng các văn bản đó phù hợp đến đâu, đi vào cuộc sống đến đâu, mâu thuẫn, chồng chéo với luật đến đâu thì chưa phát hiện được nhiều”, đại biểu Quyền nói.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu đề cập đến là kinh phí để xây dựng luật. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Hà Giang), thực tế kinh phí xây dựng pháp luật hiện nay rất eo hẹp. Kinh phí để xây dựng một Nghị định vào khoảng 100 - 200 triệu đồng; đối với thông tư khoảng 50 - 70 triệu đồng hay 100 triệu đồng.

Với mức kinh phí như vậy là quá thấp, bộ phận pháp chế sẽ khó làm và như vậy sẽ kéo dài thời gian để các chính sách đi vào cuộc sống. Do đó, đại biểu này đề nghị cần xem xét và phân bổ ngân sách hợp lý trong việc xây dựng pháp luật.

Trên 60 văn bản còn tồn đọng và nhiều văn bản cũng đã được chuẩn bị tương đối, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trước ngày 1/1/2014 và có kế hoạch triển khai ban hành các văn bản tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy – Bình Định:

Cần sớm khắc phục tình trạng 9 không đang tồn tại trong thực tế ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đó là: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không phù hợp, không hiệu quả và không hiệu lực.

>>Quốc hội chốt dự toán ngân sách 2014

>>Một ngày họp Quốc hội, chi phí lên tới 1 tỷ đồng?

>>Quốc hội hối thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế