Tháo gỡ điểm nghẽn xử lý nợ xấu

Tháo gỡ điểm nghẽn xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Phan Duy Hưng, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao Khối Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating, Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng khi được ban hành sẽ hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng niêm yết đã được công bố, ông có nhận định gì về chất lượng tài sản của các nhà băng?

Dựa trên quan sát của chúng tôi đối với 27 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ nợ có vấn đề của ngành tăng 0,2% so với quý trước đó, lên mức 2,5% trong 3 tháng đầu năm 2025, với tỷ lệ hình thành nợ xấu gia tăng ở hầu hết các ngân hàng. Cho vay mua nhà cá nhân thuộc phân khúc mang tính đầu cơ hoặc liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn làm gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng tư nhân (như VPB, MBB, OCB, TPB, VIB), trong khi các ngân hàng quốc doanh (như BID, CTG) tăng nợ xấu từ khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Ngược lại, tỷ lệ hình thành nợ xấu dần ổn định đối với các ngân hàng lớn (như ACB, TCB) do hạn chế cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn.

Ông Phan Duy Hưng, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao Khối Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating

Ông Phan Duy Hưng, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao Khối Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating

Ngoài ra, thuế đối ứng của Mỹ gây ra rủi ro tài sản tiềm ẩn cho các ngân hàng quốc doanh, do có quy mô đáng kể đối với khách hàng FDI (VCB, BID), hoặc các khách hàng cá nhân trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng (VPB, HDB, MBB). Tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây, lãnh đạo VCB cho biết, nhiều khách hàng của họ là đơn vị xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Ngân hàng có dư nợ đáng kể đối với các khách hàng FDI, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay bán buôn. Trong khi đó, VPB cũng cho rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động kinh tế sẽ khiến các phân khúc khách hàng thu nhập trung bình và thấp trở nên dễ tổn thương hơn, đặc biệt là tại FE Credit.

Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ xấu của ngành sẽ giảm trong năm 2025, đặc biệt là đối với các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân lớn hạn chế cấp tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn. Nguyên nhân là, thị trường bất động sản phục hồi sẽ làm giảm nợ xấu từ cho vay mua nhà cá nhân, trong khi các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ dần cải thiện khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng kỳ vọng đầu tư công cao hơn, cùng với nỗ lực liên tục của các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các vướng mắc về pháp lý sẽ thúc đẩy việc mở rộng của doanh nghiệp trong nước và cải thiện dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản - những lĩnh vực trọng yếu mà các ngân hàng sẽ tập trung cho vay trong suốt năm 2025.

Ngoài ra, khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ, các nhà phát triển bất động sản có thể khởi động lại các dự án của họ, dần cải thiện tâm lý của người mua nhà và thúc đẩy doanh số bán nhà mới, đặc biệt là tại thị trường miền Nam.

Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ và vừa vẫn gặp vấn đề liên quan đến các khoản cho vay mua nhà liên quan đến các dự án mang tính đầu cơ. Không giống như phân khúc bất động sản nhà ở với nhu cầu mạnh mẽ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ phục hồi chậm hơn do tình trạng dư cung hiện tại và sự thận trọng kéo dài từ phía người mua nhà.

Việc giải quyết nợ xấu của ngành ngân hàng được nhận định đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông có chung góc nhìn này?

Trong hai năm qua, việc xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản, bao gồm cho vay mua nhà cá nhân, các khoản vay đối với nhà phát triển bất động sản và nhà thầu xây dựng, đã đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng ở Việt Nam. Nguyên nhân là sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản trong giai đoạn năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là tại khu vực miền Nam, cũng như sự thiếu hụt một khuôn khổ pháp lý toàn diện để xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội hết hiệu lực vào tháng 12/2023.

Việc thực hiện Nghị quyết 42 trong giai đoạn 2017 - 2023 đã hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu hồi nợ xấu bằng cách tăng thiện chí trả nợ của khách hàng và đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Nghị quyết này đóng vai trò như một khuôn khổ pháp lý đặc biệt để thí điểm việc xử lý các khoản nợ xấu và thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Những điều khoản chính của Nghị quyết cho phép các ngân hàng trực tiếp thu giữ tài sản đảm bảo và đơn giản hóa các thủ tục tòa án để giải quyết tranh chấp. Trong thời gian có hiệu lực, số lượng nợ xấu được xử lý trung bình hàng tháng tăng đáng kể, lên tới 65% so với giai đoạn trước đó. Tỷ lệ nợ xấu được khách hàng tự nguyện thanh toán cũng tăng lên 36% tổng số nợ xấu, cao hơn mức 23% ở thời điểm trước khi Nghị quyết được triển khai.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, theo báo cáo từ một số ngân hàng, chưa đến 30% vụ việc được tòa án giải quyết, với thời gian xét xử kéo dài từ 5 - 7 năm. Ngoài ra, thiện chí trả nợ của người đi vay cũng giảm đi và gần một nửa số nợ xấu của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã được xử lý thông qua việc đẩy mạnh trích lập dự phòng tín dụng.

Chúng tôi nhận thấy một số ngân hàng tư nhân đã phải đối mặt với tỷ lệ nợ có vấn đề tăng từ 1,8% vào năm 2022 lên 2,4% vào năm 2024. Do những khó khăn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản và tình trạng phục hồi chậm của thị trường bất động sản, các ngân hàng này đã gia tăng mức xóa nợ đáng kể, trung bình từ 30 - 40% để giải quyết các khoản nợ xấu của mình.

Ông có kỳ vọng khi các quy định tại Nghị quyết 42 được luật hóa sẽ là bàn đạp thúc đẩy các ngân hàng cho vay mạnh mẽ hơn?

Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trong đó tích hợp khung pháp lý quan trọng về thu hồi nợ xấu. Luật sửa đổi dự kiến trao quyền cho các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo và ngăn cản việc tài sản đảm bảo của ngân hàng bị kê biên trong một số vụ án hình sự. Luật sửa đổi sẽ hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn của ngành và khắc phục những khoảng trống trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đồng thời kế thừa các điều khoản chính trong Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Chúng tôi kỳ vọng khi được ban hành, luật này sẽ hỗ trợ các ngân hàng thu hồi nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận, đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung vào bán lẻ.

Ngoài ra, vì phần lớn tài sản đảm bảo của các ngân hàng là bất động sản, việc thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình thanh lý tài sản thế chấp của các ngân hàng.

Tin bài liên quan