Chọn ngày cho hôn sự

Chọn ngày cho hôn sự

(ĐTCK) Tiếp theo bài viết “Xem ngày đẹp để định tốt xấu sao cho đúng?” đăng trên Báo Đầu tư Bất động sản ngày 17/9, số này, chúng ta cùng nghiên cứu xem ngày cho việc cụ thể là cưới xin.

Hiểu đúng về Kim lâu

Các cụ thường có câu: “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Điều này là do liên quan đến phép toán tính tuổi Kim lâu. Cách tính tuổi Kim lâu là lấy tuổi Âm (tuổi Dương cộng với 1 là ra số tuổi Âm) chia cho 9, dư 1, 3, 6, 8 là tuổi bị phạm Kim lâu.

Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, vì lý do trên nên nhiều người hay quen câu 1, 3, 6, 8 là Kim lâu. Tuy nhiên, vì không hiểu cặn kẽ, nên hay nhầm là những người mà có đuôi số tuổi là các số 1, 3, 6, 8 là Kim lâu, điều này là không đúng.

Vì vậy, nhiều người thường hay nhầm người có tuổi 21, 23, 26, 28, 31, 33, 36, 38 là phạm Kim lâu. Tuy nhiên, nếu thực hiện phép tính tuổi âm chia cho 9, thì chỉ có 21/9 dư 3, 26/9 dư 8, 28/9 dư 1 đúng là phạm Kim lâu, còn các tuổi khác như 23/9 dư 5, hay 31/9 dư 4, 36/9 không dư, 38/9 dư 2 đều không phạm Kim lâu.

“Mọi người phải nhớ rõ ràng cách tính Kim lâu là tuổi Âm chia cho 9, lấy số dư (1, 3, 6, 8 là Kim lâu), chứ không phải lấy đuôi (số lẻ) của tuổi để luận”, kiến trúc sư Hoàng Trà nói.

Cũng theo ông Trà, Kim lâu lại chia ra Tứ Kim lâu (Thân - Thê - Tử - Xúc). Khi kết quả phép chia tuổi Âm cho 9 dư 1 là phạm Kim lâu Thân (phạm vào bản thân).

Kết quả dư 3 là phạm Kim lâu phu - thê (tức phạm vào vợ hoặc chồng). Kết quả dư 6 là phạm vào Tử (là con). Kết quả dư 8 là phạm Kim lâu súc (khiến cho việc nuôi con vật trong nhà gặp khó khăn).

Đây là bài toán mang tính chất tổng quát, giống như quy định chung cho tất cả. Nhưng khi đi vào tính bài toán riêng, thì chúng ta phải xem bản mệnh theo năm tháng ngày giờ, để định ra từng năm tốt xấu.

Khi xem tuổi một người không phạm Kim lâu, nhưng năm đó phạm vào Cô thần - Quả tú chiếu thì tổ chức cưới xin năm đó rất xấu, nghĩa là phải xem bản mệnh theo năm tháng ngày giờ, vào năm cưới xin có bị sao Cô thần - Quả tú chiếu hay không.

Ngoài ra, còn phải xem năm tháng ngày giờ tổ chức lễ cưới xin có bị sao Cô thần - Quả tú chiếu theo thời vận hay không. Nếu trong năm cưới xin, mà lá số vừa có sao Cô thần - Quả tú và thời gian tổ chức cưới xin lại xuất hiện Cô thần - Quả tú, tức 2 lần bị sao này chiếu, thì hạn này còn nặng hơn nhiều so với Kim lâu. 

Chọn ngày tốt thế nào?

Chọn ngày cho hôn sự ảnh 1

Sau khi chọn được năm sinh phù hợp, người ta sẽ lấy tuổi của nữ để chọn tháng cưới. Tháng cưới tốt nhất là tháng Đại lợi. Tuổi Tý, Ngọ vào tháng 6 và 12 (tháng Âm); tuổi Sửu, Mùi vào tháng 5, tháng 11; tuổi Dần, Thân vào tháng 2, tháng 8; tuổi Thìn, Tuất, tháng 4 và tháng 10; tuổi Tỵ, Hợi vào tháng 3, tháng 9; tuổi Mão, Dậu vào tháng 1 và tháng 7.

Ngoài ra, cũng có thể chọn tháng Tiểu lợi, là tháng phạm vào ông mai, bà mối. Tuổi Tý, Ngọ là tháng 1, tháng 7 (Âm lịch); tuổi Sửu, Mùi là tháng 4, tháng 10; tuổi Dần, Thân là tháng 3, tháng 9; tuổi Mão, Dậu là tháng 6, tháng 12; tuổi Thìn, Tuất là tháng 5, tháng 11; tuổi Tỵ, Hợi là tháng 2, tháng 8. Tuy nhiên, tháng 7 là tháng cô hồn, nên nhiều người tránh.

Còn các tháng khác sẽ phạm vào bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, phạm vào cô dâu, chú rể. Tuy nhiên, nếu như trong một số trường hợp cưới gấp, hết các tháng đẹp, có thể chọn tháng phạm vào bố mẹ vợ, nếu không ở cùng nhà với bố mẹ vợ.

Một số trường hợp đặc biệt vẫn phải cưới vào năm phạm Kim lâu, thì một số người nói là cưới sau Đông chí cũng được.

“Về bản chất, một năm mới tính theo lý số phương Đông, bắt đầu từ ngày lập Xuân, nên nếu không phải là ngày sau lập Xuân, thì cũng chẳng có giá trị gì và vẫn phạm Kim lâu như bình thường.

Hơn nữa, hàng năm, ngày đầu tiên của năm mới (niên khóa lịch Âm) vẫn tính theo mồng 1 Tết, nên nói rằng sau Đông chí có thể cưới được là không hợp lý”, ông Trà nói và cho biết, khi phải cưới vào năm phạm Kim lâu, thì cũng không phải là điều đáng lo lắm.

Thực chất, vấn đề quan trọng hơn là thời điểm đón dâu không được phạm Cô thần - Quả tú và còn phải xem ngày rước dâu có bị sao Kình dương, Bạch hổ, Tai sát, Kiếp sát… chiếu hay không mới là điều vô cùng quan trọng.

Dù vậy, vì xem các sao chiếu phức tạp hơn nhiều lần so với Kim lâu và sách bây giờ không chính thống quá nhiều, nên người học tinh thâm rất hiếm. Do đó, việc xem ngày là không hề đơn giản, phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cả năm chỉ chọn được vài ngày đẹp mà thôi.

Chính vì lý do này, nên ngày xưa, việc cưới xin là trọng đại và được xem rất kỹ, xem trước một thời gian dài để có thể chọn ngày đẹp, chứ không như ngày nay, yêu nhanh, cưới gấp. Cũng vì chọn ngày rất khó, nên người ta hay lấy tiêu chí xem chung theo năm sinh cho nhanh.

Chuyên gia Hoàng Trà cho hay, hiện nay, các thầy và sách hoặc các phần mềm xem ngày đẹp thường có thứ tự chọn ngày thông lệ sau: Ưu tiên ngày Hoàng đạo, ưu tiên ngày có Trực tốt, ưu tiên ngày có mệnh tương phối tốt cho mệnh cô dâu, chú rể, sau đó, người ta xem tiếp có các sao Cát thần và Hung thần hay không?

Trong đó, kiêng kị nhất là Cô thần - Quả tú chiếu, rồi đến Kình dương, Bạch hổ, Không vong, Kiếp sát, Tai sát, Thiên la, Địa võng… Tuy nhiên, người ta phải đối chiếu các sao, các thần là Phúc tinh, Thiên đức, Nguyệt đức… để cân đối giữa sao tốt và sao xấu. Từ đó, chọn ra ngày đẹp.

Nhưng thứ tự xem ngày như trên chưa phải là chuẩn, nó chỉ là cách xem từ sơ đẳng đến cao cấp, những cách sơ đẳng thì chẳng cần tốn công học mà vẫn biết xem, nên nó trở nên phổ biến.

Còn các phương pháp khó hơn, như xem các Cát thần và Hung thần thì phải học và được truyền kiến thức chuẩn mới xem đúng. Vì vậy, người học ở mức độ sơ đẳng khó có thể dùng được.

Hơn nữa, người ta còn đối chiếu nhiều phương pháp khác nhau nữa, như đối chiếu Thiên can và Địa chi của thời điểm đón dâu có bị Thiên khắc - Địa xung với năm tháng ngày giờ sinh của cô dâu, chú rể hay không…

Tin bài liên quan