Chủ tịch FLC: “Triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản”!

Chủ tịch FLC: “Triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản”!

(ĐTCK-online) Sự bền vững trong hoạt động kinh doanh thường xuất phát từ những giá trị cơ bản nhất. Quan niệm này được ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC nhắc đến không chỉ một lần trong cuộc trò chuyện với ĐTCK, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Là Chủ tịch HĐQT một tập đoàn hoạt động đa ngành, đồng thời là một luật sư, điều này mang đến cho ông những lợi thế nào?

 

Tôi có thâm niên hành nghề luật sư tư vấn được hơn 10 năm. Và hiện tại, trên cương vị đứng đầu một tập đoàn với 11 đơn vị thành viên, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tôi vẫn yêu thích công việc của một luật sư và vẫn tham gia tư vấn cho khách hàng mỗi khi có điều kiện.

 

Phải nói rằng, nghề luật sư đã đem lại cho tôi những lợi thế không nhỏ trong công việc điều hành DN. Thứ nhất, kiến thức chuyên sâu về pháp luật, vốn hiểu biết xã hội của một luật sư cộng với những mối quan hệ sâu rộng đã giúp tôi định hình tầm nhìn, tư duy và những phẩm chất cần thiết của một nhà quản lý. Đó là sự sắc sảo, nhạy bén, quyết đoán, nhưng đồng thời phải linh hoạt, uyển chuyển.

 

Thứ hai, phẩm chất của một luật sư luôn thôi thúc tôi phải "phụng công thủ pháp", tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực, đạo đức kinh doanh. Điều này đã hằn sâu trong tư duy quản lý và trong mọi quyết định, hành động khi tôi ở cương vị Chủ tịch FLC.

 

Thứ ba, từ thực tiễn hoạt động nghề luật sư, tôi đã chứng kiến rất nhiều rủi ro pháp lý mà một DN gặp phải do không coi trọng pháp luật và các chuẩn mực kinh doanh. Từ kinh nghiệm đó, tôi biết cách để tránh được những rủi ro tương tự có thể xảy ra đối với FLC.

Ở chiều ngược lại, việc lãnh đạo một tập đoàn đã cho tôi sự trải nghiệm sâu sắc trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh để có thể chia sẻ với khách hàng khi tư vấn.

 

Triết lý kinh doanh của ông là gì? Liệu FLC có đi đúng triết lý này không?

 

Triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản: trong kinh doanh, sự cẩn trọng không bao giờ thừa. Sự cẩn trọng luôn đem lại sự an toàn pháp lý cho mọi hoạt động của Tập đoàn, cho các cổ đông và đối tác. Hoạt động của FLC đã và đang tuân theo triết lý này. Chúng tôi luôn chú trọng yếu tố an toàn, đặt yếu tố này lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong các quyết định đầu tư, kinh doanh. Mỗi đơn vị thành viên cũng như cả Tập đoàn đều có bộ phận phân tích rủi ro để tham mưu cho lãnh đạo trước khi đưa ra quyết định. Chính vì vậy, các quyết định đầu tư của chúng tôi cho đến giờ phút này đều an toàn và mang lại hiệu quả.

 

Nếu có thể  thay đổi một điều gì đó ở FLC ngay lúc này, ông sẽ chọn…?

 

Tôi sẽ tiếp tục lựa chọn việc tăng cường chất lượng bộ máy nhân sự của Tập đoàn, từ những người lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, kỹ sư. Yếu tố con người là then chốt quyết định sự thành công của một DN. Những năm qua, FLC đã xây dựng được một đội ngũ khá vững chắc, góp phần không nhỏ vào thành công chung của Tập đoàn. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của FLC cùng những chiến lược đầu tư mới trong tương lai, chúng tôi vẫn cần tiếp tục phát triển đội ngũ nhân sự.

 

Chúng tôi mong muốn thu hút được nhiều nhân tài trên các lĩnh vực về đầu quân tại FLC để tạo thành một tập thể vững mạnh, đủ sức đương đầu với mọi khó khăn, thách thức.

 

FLC đã chính thức chào sàn Hà Nội hôm 5/10, với những bước khởi đầu được xem là tương đối thuận lợi. Từ góc nhìn của ông, tài sản quý giá nhất đối với một công ty niêm yết là gì?

 

Đó chính là chữ tín với NĐT. Chữ tín của DN được tạo dựng bởi rất nhiều yếu tố: tầm nhìn và tư duy lãnh đạo, thể hiện trong chiến lược kinh doanh; mô hình quản trị, điều hành hiện đại, thể hiện tính minh bạch, hiệu quả trong mọi hoạt động quản lý, đầu tư, kinh doanh; sự trung thành với những cam kết với khách hàng, đối tác…

 

Sự phản ứng của thị trường là thước đo chính xác đối với uy tín của một DN niêm yết. Nếu DN không tạo dựng được chữ tín thực sự thì NĐT sẽ lập tức quay lưng, thậm chí tẩy chay cổ phiếu của DN đó. TTCK Việt Nam đã chứng kiến không ít DN lâm vào tình cảnh này.

 

Chính vì hiểu rõ điều này, FLC luôn chú trọng bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình khi đưa cổ phiếu ra niêm yết. Đây là vinh dự cho chúng tôi, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn buộc chúng tôi phải phấn đấu hơn nữa để giữ vững niềm tin của NĐT.

 

Nếu là một NĐT cá nhân với 1 tỷ đồng  lúc này, ông sẽ đầu tư vào đâu?

 

Tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán. Đơn giản là vì các kênh đầu tư khác như vàng hoặc bất động sản đã bị đẩy giá lên quá cao, khả năng đột biến về giá trong tương lai gần là không lớn. Trong khi đó, rất nhiều mã cổ phiếu do bị ảnh hưởng chung bởi tình trạng lình xình của thị trường và yếu tố tâm lý của NĐT đang bị đẩy xuống thấp hơn giá trị thực của nó. Nếu NĐT chịu khó chọn lọc, phân tích kỹ thì sẽ tìm được rất nhiều mã cổ phiếu hấp dẫn, là cơ hội tốt để đầu tư. Khi thị trường hồi phục mạnh thì cơ hội sinh lời mạnh của các mã cổ phiếu này là rất lớn.

 

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tôi sẽ không dùng chiến thuật "bỏ trứng vào một giỏ", mà sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro.