Sàn UPCoM hiện có 418 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa đạt 414.182 tỷ đồng, tăng 7 lần so với đầu năm 2016 do có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn

Sàn UPCoM hiện có 418 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa đạt 414.182 tỷ đồng, tăng 7 lần so với đầu năm 2016 do có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn

UPCoM: Lợi nhuận sáng, doanh nghiệp đáng trả cổ tức cao

(ĐTCK) Xét các nhóm cổ phiếu được quan tâm hàng đầu tại sàn UPCoM, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 của những doanh nghiệp này cho thấy gam màu tươi sáng, với nhiều khoản lợi nhuận kỷ lục. Nhà đầu tư trên sàn này mong chờ khoản cổ tức xứng đáng sẽ được quyết định tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

“Cựu binh” tiếp tục tăng trưởng

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (SDI) công bố trong quý IV/2016 đạt 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 60 tỷ đồng so với quý IV/2015, nhờ đó cả năm lãi ròng 802 tỷ đồng, tăng 49,3% so với năm 2015 (537 tỷ đồng).

Quý IV/2016, SDI bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bàn giao biệt thự tại Dự án Vinhomes Gardenia. Trước đó, quý I/2016, SDI công bố lãi hơn 357 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Phát triển nhà Nam Hà Nội.

Liên quan tới việc thu lợi từ Dự án Vinhomes Gardenia, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị SDI cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, SDI sẽ hoàn tất bàn giao khu thấp tầng của dự án, còn khu cao tầng sẽ hoàn thành vào tháng 11/2017.

Tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX), trong quý IV/2016, doanh nghiệp này đạt 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20 tỷ đồng so với quý IV/2015. Lũy kế cả năm, GEX lãi ròng 576 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2015, mặc dù doanh thu giảm hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 7.248 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Kế toán trưởng GEX, doanh thu năm 2016 giảm mạnh do không còn hợp nhất doanh thu của Công ty cổ phần Thiết bị điện và Công ty cổ phần Khí cụ điện, khi 2 doanh nghiệp này chuyển đổi từ công ty con thành công ty liên kết. Ngược lại, lợi nhuận được cải thiện có đóng góp từ việc doanh thu tài chính tăng mạnh thông qua hoạt động thoái toàn bộ 51,52% vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2016, Tổng công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (VLC) lãi gần 30 tỷ đồng trong kỳ, lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2015. Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) ghi nhận lợi nhuận năm 2016 đạt 55,5 tỷ đồng, tăng 46,8% so với năm 2015 (37,8 tỷ đồng).

"Lạc dòng" trong khối doanh nghiệp lớn trên UPCoM có Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR), Tổng công ty cổ phần Đường sông Miền Nam (SWC) khi lợi nhuận năm 2016 thấp hơn năm 2015. Cụ thể, doanh thu thuần của MSR đạt 4.049 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận thuần cổ đông công ty mẹ giảm 28%, đạt 110 tỷ đồng. Còn SWC đạt doanh thu và lợi nhuận tương ứng là 213,7 tỷ đồng và 62 tỷ đồng, giảm so với mức 216 tỷ đồng và 67 tỷ đồng của năm 2015.

“Tân binh” ngành hàng tiêu dùng lãi lớn

Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) công bố, trong năm 2016, doanh thu đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2015. Trong 3 lĩnh vực hoạt động chính, ngành hàng đồ uống tăng trưởng 27%, ngành hàng gia vị tăng trưởng 2,5%, trong khi ngành hàng thực phẩm tiện lợi giảm 11,7% do quy mô thị trường giảm, có sự cạnh tranh khốc liệt về giá.

Lợi nhuận thuần năm 2016 của MCH đạt 2.791 tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm 2015, do thu nhập tài chính thuần thấp hơn vì Công ty thực hiện chia cổ tức bằng tiền lớn trong 2 năm vừa qua, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng.

UPCoM: Lợi nhuận sáng, doanh nghiệp đáng trả cổ tức cao  ảnh 1

Với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), năm 2016, QNS đạt doanh thu 6.971 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.408 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015. Theo giải trình của QNS, doanh thu năm 2016 giảm 10%, nhưng giá vốn hàng bán giảm 15% so với năm 2015 do Công ty tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm như đường, sữa, bia..., giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm.

Một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nổi bật khác là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC), công bố lợi nhuận năm 2016 tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tài chính quý IV/2016, VOC ghi nhận lãi hợp nhất 49,7 tỷ đồng, tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2015; lũy kế cả năm đạt gần 340 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28 tỷ đồng so với năm 2015 và vượt xa kế hoạch (140 tỷ đồng).

Nhóm doanh nghiệp hàng không và bia “thăng hoa”

Ngành hàng không và bia trong giai đoạn tăng trưởng ổn định mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp trong năm vừa qua. Số lượng doanh nghiệp này trên sàn UPCoM tương đối nhiều, với điểm nhấn là 2 “ông lớn” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN).

Chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 4/2016, ACV công bố kết quả kinh doanh quý II, III và IV năm 2016 với các con số tích cực. Cụ thể, sau khi báo lỗ 123,7 tỷ đồng trong quý II/2016 (quý lỗ đầu tiên kể từ khi thành lập), thì quý III và IV sau đó, ACV ghi nhận lãi ròng lần lượt 804 tỷ đồng và 2.049 tỷ đồng.

Tại HVN, doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh dự kiến năm 2016 ở mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất năm 2016 ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2015 và hoàn thành 95,56% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2015 và hoàn thành 107% kế hoạch. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HVN, kết quả này có được nhờ yếu tố thuận lợi là tỷ giá ổn định và giá dầu thấp.

Tại các doanh nghiệp dịch vụ quy mô vừa và nhỏ, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) công bố quý IV/2016 đạt lợi nhuận ròng 93,7 tỷ đồng (cùng năm 2015 lỗ 114 tỷ đồng); lũy kế cả năm lãi ròng 233,9 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần năm 2015 (11,6 tỷ đồng).

Trong khi đó, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) sau khi đưa chi nhánh tại Sân bay Cam Ranh vào hoạt động từ tháng 6/2016 đã ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh. Quý IV/2016, SGN đạt doanh thu thuần 245 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 34,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,8% và 61,5% so với quý IV/2015. Lũy kế cả năm 2016, SGN đạt doanh thu 876 tỷ đồng, lãi sau thuế 171 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2015 (86,6 tỷ đồng).

Với các doanh nghiệp bia, sản lượng tiêu thụ bia năm 2016 tăng so với năm 2015, trong khi chi phí tài chính giảm giúp nhóm doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) và Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) lần đầu cán mốc 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016.

Riêng quý IV/2016, SMB lãi sau thuế 31,7 tỷ đồng, tăng 84% so với quý IV/2015 (17,3 tỷ đồng); cả năm lãi 104,3 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm 2015. Với WSB, quý IV/2016 lãi 30,9 tỷ đồng, tăng 23% so với quý IV/2015, cả năm lãi 109,4 tỷ đồng, tăng 14,67% so với năm 2015.

Doanh nghiệp thép về đích lợi nhuận

Năm 2016 là năm thành công của ngành thép với nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp thép đã về đích kế hoạch kinh doanh. Trên sàn UPCoM, 2 doanh nghiệp lớn trong ngành là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) và Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) lần lượt xóa hết khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng từ các năm trước và bắt đầu có lãi.

Cụ thể, theo báo cáo quý IV/2016, TIS lãi 4,68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 lỗ 11,7 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 208,3 tỷ đồng lợi nhuận, gấp gần 3,5 lần năm 2015 là 60,1 tỷ đồng, giúp Công ty xóa hết lỗ lũy kế 187,8 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2015. Còn TVN lãi ròng 178,6 tỷ đồng trong quý IV/2016, cả năm lãi đạt 841,6 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lãi 172,68 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác có hoạt động kinh doanh “sáng” trong năm qua là Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng (DNS). DNS lãi ròng 55 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ hơn 34 tỷ đồng, giúp giảm lỗ lũy kế xuống còn 3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan